Hơn 13.000 cuộc gọi phản ánh, khiếu nại vi phạm quyền lợi người tiêu dùng

Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 07:59, 19/03/2022

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động tới tâm lý, hành vi mua sắm của người tiêu dùng song các vụ việc vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng cũng gia tăng với nhiều hình thức mới.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương cho biết, chỉ riêng trong năm 2021, đã tiếp nhận hơn 13.000 cuộc gọi phản ánh, khiếu nại liên quan tới các vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, tăng 17,6% so với năm 2020. Các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng tập trung vào các nhóm hành vi như thực hiện hợp đồng giao kết, cam kết với người tiêu dùng; số lượng, chất lượng, thời gian giao hàng; bảo hành, bảo vệ thông tin người tiêu dùng...

Trong bối cảnh dịch bệnh, tình trạng đầu cơ, bán hàng không rõ nguồn gốc, các vi phạm liên quan tới hoạt động thương mại điện tử cũng gia tăng. Nhiều người tiêu dùng phản ánh đã bị lừa đảo, mất tiền khi mua hàng trực tuyến, làm theo yêu cầu của một số đối tượng mời chào mua hàng qua điện thoại, tin nhắn.

cam_ket.jpg
(Ảnh minh họa - KT)

Để nâng cao việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng, Bộ Công Thương nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần có trách nhiệm hơn nữa với người tiêu dùng và kinh doanh có trách nhiệm chính là giải pháp bền vững cho doanh nghiệp.

“Bên cạnh người tiêu dùng nâng cao ý thức về quyền lợi thì doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm. Trong Luật Bảo vệ người tiêu dùng, các đơn vị sản xuất kinh doanh phải có trách nhiệm đối với người tiêu dùng. Cụ thể, trách nhiệm cung cấp thông tin về hàng hóa, cung cấp những chứng cứ về giao dịch hay bảo hành hàng hóa, thậm chí là thu hồi sản phẩm khuyết tật và chịu trách nhiệm với những hậu quả do việc thu hồi hàng hóa gây ra.

Chúng tôi có thể tư vấn cho doanh nghiệp về xây dựng lại quy trình và từ bản thân doanh nghiệp phải thay đổi quy trình sản xuất hay quy trình về xử lý những khiếu nại của người tiêu dùng, cũng là một cách để góp phần tạo nên thương hiệu của doanh nghiệp, góp phần vào sự phát triển của doanh nghiệp. Dịch Covid-19 là một đòn bẩy để cho mọi người cùng thay đổi, người tiêu dùng thì thay đổi thói quen, chúng tôi cơ quan quản lý nhà nước cũng phải thay đổi cách tiếp cận để bảo vệ người tiêu dùng và các doanh nghiệp cũng như vậy” - bà Nguyễn Quỳnh Anh nói.

Trong bối cảnh hiện nay, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp cần phải thay đổi đồng thời phải quan tâm hơn đến xu hướng sản xuất kinh doanh trách nhiệm, đảm bảo sự an toàn cho người tiêu dùng và thân thiện với môi trường./.