Cư dân huyện đảo Lý Sơn tổ chức Lễ khao lề thế lính tưởng nhớ Đội hùng binh Hoàng Sa
Đối ngoại - Ngày đăng : 16:39, 18/03/2022
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, một Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia có lịch sử hơn 400 năm. (Nguồn: NLĐ) |
Đây là nghi lễ gắn liền với tâm thức của người dân đảo Lý Sơn, là dịp để người dân tỏ lòng tưởng nhớ, tri ân công đức Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải (gọi tắt Đội Hoàng Sa) năm xưa đã vượt sóng ra Biển Đông cắm mốc, xác lập và bảo vệ chủ quyền biển đảo đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa năm nay được Ban quản lý Đình làng An Hải và các tộc họ trong xã tổ chức một cách trang nghiêm, thành kính với nhiều nghi thức như lễ cung nghinh, lễ yết, rước thần và linh vị binh phu Hoàng Sa, lễ tế cổ truyền, lễ thả hình nhân và lễ đua thuyền.
Sau phần tế lễ, những trai tráng làm lễ rước thuyền và hình nhân hướng ra biển Hoàng Sa theo con đường mà các bậc tiền nhân đã ra đi từ hơn 400 năm trước, để thể hiện ý chí, quyết tâm bảo vệ chủ quyền.
Lễ rước thuyền và hình nhân ra biển Hoàng Sa. (Nguồn: SGGP) |
Theo sử sách, vào đầu thế kỷ 17, Chúa Nguyễn đã cho lập đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải tại làng An Vĩnh và An Hải (thuộc huyện đảo Lý Sơn).
Mỗi năm sẽ chọn 70 suất đinh là những trai tráng khỏe mạnh, bơi lội giỏi vào đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải để ra quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thu lượm sản vật, đo đạc hải trình, vẽ bản đồ, cắm mốc chủ quyền.
Đến thế kỷ 19, các dân binh trong đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải chủ yếu là những trai tráng thuộc các tộc họ trên đảo Lý Sơn.
Ông Bùi Minh Cảnh, Trưởng Ban Quản lý Đình làng An Hải cho biết, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa nhằm tri ân, động viên những trai đinh trong đội dân binh Hoàng Sa ấm lòng, vững tin trước khi dong thuyền rẽ sóng ra Hoàng Sa cắm mốc bảo vệ chủ quyền biển đảo của dân tộc.
ghi lễ cũng giúp người dân trên đảo và du khách hiểu rõ hơn về khó khăn, gian khổ cũng như công lao của dân binh đội Hoàng Sa trong việc bảo vệ, gìn giữ chủ quyền quốc gia.