Chiến tranh vẫn căng thẳng, rút tiền tháo chạy khỏi cổ phiếu nóng

Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 15:42, 18/03/2022

Những diễn biến khó lường trên thị trường tài chính hàng hóa thế giới khiến dòng tiền đổ xô vào rồi rút ra mạnh mẽ khỏi các cổ phiếu nóng.

Sau một thời gian tăng nóng, cổ phiếu một số nhóm ngành quay đầu giảm khá mạnh trước những diễn biến đảo chiều trên thị trường.

Cổ phiếu GAS của Tổng Công ty Khí Việt Nam giảm mạnh phiên thứ 3 liên tiếp, từ mức đỉnh cao 124.600 đồng/cp về 106.000 đồng/cp, tương đương mức giảm gần 15% trong khoảng thời gian rất ngắn.

Cổ phiếu PVG của CTCP Kinh doanh dầu khí hóa lỏng miền Bắc cũng giảm sâu 3 phiên liên tiếp, từ 19.200 đồng/cp xuống 15.800 đồng/cp, tương ứng mức giảm gần 18%. Trong phiên 14/3, cổ phiếu này giảm gần 10%.

Tổng Công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí (PVC) giảm ở mức không thua kém với 3 phiên lao dốc liên tiếp, đưa cổ phiếu này từ mức 34.400 đồng/cp xuống 26.700 đồng/cp (tương đương giảm hơn 22%).

Nhóm cổ phiếu dầu khí quay đầu giảm mạnh do giá dầu trên thị trường thế giới lao dốc từ đỉnh cao 140 USD/thùng tuần trước về ngưỡng 100 USD/thùng trong bối cảnh căng thẳng Nga-Ukraine có dấu hiệu hạ nhiệt và đàm phán có thể đột phá.

Chiến tranh vẫn căng thẳng, rút tiền tháo chạy khỏi cổ phiếu nóng
Dòng tiền vẫn còn khá lớn trên thị trường chứng khoán.

Nhóm cổ phiếu thép, phân bón, hóa chất, vận tải biển,... cũng giảm sau vài tuần tăng mạnh nhờ sự bứt phá của giá cả hàng hóa trên thế giới.

Trên thị trường, thống kê cho thấy, giao dịch ở nhiều nhóm cổ phiếu giảm mạnh, thanh khoản giảm vài chục phần trăm. Dòng tiền có dấu hiệu rút ra khi hoạt động chốt lời tăng mạnh. Thanh khoản của nhóm cổ phiếu thép như TLH, POM, VGS hay nhóm vận tải biến như TCL, PHP... sụt giảm.

Nhóm cổ phiếu than cũng ghi nhận dòng tiền rút ra như tại Than Mông Dương (MDC), Than Vàng Danh (TVD), Than Hà Lầm (HLC)... Mức độ giảm thanh khoản lên tới 30%.

Tương ứng với đà dòng tiền rút ra, giá các cổ phiếu này cũng giảm theo. Trong vài phiên gần đây, Than Mông Dương giảm từ 20.100 đồng xuống 16.800 đồng/cp. Than Hà Lầm trong khi đó biến động rất mạnh, xuống sàn lên trần.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng chứng kiến thanh khoản giảm từ 30-50%, với những gương mặt như VPBank, Vietinbank, MSB, TPBank...

Trước đó, theo SSI Research, giá dầu tăng đem lại cơ hội đầu tư cả ngắn và dài hạn. Biến động giá dầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến GAS, cũng như PLX và OIL và BSR. Đối với các công ty dầu khí upstream (PVD & PVS), giá dầu lên đỉnh 14 năm không ảnh hưởng ngay đến lợi nhuận ròng trong ngắn hạn do các công ty này dựa vào các dự án mang tính chất dài hạn hơn.

SSI Research cho rằng, môi trường giá dầu ổn định và duy trì trên 60-70 USD/thùng sẽ là điều kiện thuận lợi để Việt Nam khai thác các mỏ dầu khí hiện tại cũng như triển khai các dự án dầu khí mới.

Giá dầu duy trì tích cực sẽ giúp đẩy mạnh các hoạt động đầu tư thăm dò khai thác, đặc biệt là việc triển khai các dự án lớn, giúp đem lại khối lượng công việc tiềm năng cho PVD, PVS trong dài hạn.

Tiền chưa ra khỏi thị trường

Ngược lại với xu hướng thanh khoản suy giảm ở nhóm cổ phiếu nóng, dòng tiền vẫn có dấu hiệu ở lại trên thị trường chứng khoán.

Thanh khoản trên thị trường tăng mạnh trong phiên giao dịch 14/3 khi các chỉ số chứng khoán giảm mạnh, VN-Index tụt hơn 20 điểm về dưới ngưỡng 1.450 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE cũng tăng lên gần 29 nghìn tỷ đồng. Khối lượng giao dịch trên sàn Hà Nội thậm chí tăng trên 22%.

Chỉ số VN-Index đã xuyên thủng mốc 1.450 điểm. Nhiều cổ phiếu hàng đầu giảm khá mạnh và được cho là về vùng hấp dẫn. Cổ phiếu Vinhomes xuống mức 74.000 đồng/cp, tương ứng với P/E về mức 8 lần, một chỉ số khá hấp dẫn đối với một doanh nghiệp bất động sản hàng đầu tại Việt Nam.

Dragon Capital cho rằng, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine không có tác động lớn đối với nền kinh tế Việt Nam ngoại trừ việc giá cả nguyên vật liệu tăng. Tỷ giá USD/VND sẽ không bị ảnh hưởng bởi dòng vốn FDI dồi dào, dự trữ ngoại hối cao, và dư nợ nước ngoài thấp.

Chiến tranh vẫn căng thẳng, rút tiền tháo chạy khỏi cổ phiếu nóng
Giá dầu thế giới giảm mạnh.

Trường hợp xấu nhất là tình trạng giá hàng hóa tăng mạnh và kéo dài, dẫn tới lạm phát đình trệ tại các nền kinh tế phát triển thì Dragon Capital cho rằng Việt Nam vẫn có thể vượt trội hơn các thị trường khác nhờ các yếu tố nội tại tích cực.

Trên thực tế, cuộc chiến Nga-Ukraine đang có dấu hiệu hạ nhiệt với các tuyên bố kỳ vọng về cuộc đàm phán lần thứ 4.

Giá dầu thế đang giảm mạnh, qua đó ảnh hưởng tiêu cực tới nhóm dầu khí nhưng lại nâng đỡ đa số các nhóm cổ phiếu khác.

Giá dầu Wti đầu giờ sáng 15/3 tiếp tục rớt mạnh và về ngưỡng 98 USD/thùng. Dầu Brent về gần 100 USD/thùng, thấp hơn nhiều so với đỉnh cao 140 USD/thùng trong tuần trước.  Dù vậy, mức giá như hiện tại vẫn cao hơn khoảng 30% so với đầu năm.

Giới đầu tư cũng tập trung chú ý đến động thái của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc họp 16/3 với kỳ vọng cơ quan này sẽ nâng lãi suất mục tiêu thêm 25 điểm phần trăm, từ mức thấp kỷ lục 0-0,25% hiện nay lên 0,25-0,5%.

Tại châu Á, nhiều thị trường chứng khoán giảm mạnh do lo ngại việc Trung Quốc phong tỏa thành phố Thâm Quyến vì Covid bùng phát và cuộc chiến Nga-Ukraine sẽ gây gián đoạn hoạt động vận tải biển và vận tải hàng không. Theo ANZ, nếu lệnh phong tỏa kéo dài, nền kinh tế Trung Quốc sẽ bị tác động nặng nề.

V.Hà