Điện đàm Mỹ-Trung Quốc: 'Cân đo đong đếm' những lựa chọn quan trọng
Đối ngoại - Ngày đăng : 16:00, 18/03/2022
Tổng thống Mỹ Joe Biden có kế hoạch điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tối 18/3. (Nguồn: Bloomberg) |
Thăm dò quan điểm
Tổng thống Mỹ Joe Biden có kế hoạch điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tối 18/3 trong bối cảnh Washington trước đó lên tiếng cảnh báo việc Bắc Kinh đang xem xét hỗ trợ quân sự cho chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Động thái có thể làm nhanh chóng rạn nứt hơn nữa mối quan hệ giữa Trung Quốc với các nước phương Tây. Giới phân tích cho rằng hiện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đang "cân đo đong đếm" những ưu tiên lợi ích của Trung Quốc trước sức ép gia tăng của Mỹ và phương Tây.
Theo thông báo của Nhà Trắng ngày 17/3, cuộc điện đàm diễn ra vào thời điểm quan trọng trong quan hệ Mỹ-Trung Quốc cũng như đối với tình hình Ukraine hiện nay.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết nội dung chính của cuộc điện đàm sẽ xoay quanh những nỗ lực của phương Tây để buộc Nga rút quân khỏi Ukraine, về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc và chuỗi cung ứng quốc tế đang bị gián đoạn.
Bà Psaki miêu tả cuộc điện đàm này là "dịp để Tổng thống Biden đánh giá về quan điểm và lập trường của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình".
Một quan chức Mỹ cho biết cuộc điện đàm được nhất trí trong khuôn khổ cuộc gặp giữa Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan và Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Rome ngày 14/3.
Trong những thông điệp công khai, chính quyền Tổng thống Biden đều cảnh báo rằng Bắc Kinh sẽ đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng nếu hỗ trợ khí tài quân sự cho chiến dịch mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đang tiến hành ở Ukraine.
Trả lời báo chí, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết: "Tổng thống Biden sẽ trao đổi với Chủ tịch Tập vào ngày mai (18/3) và sẽ tuyên bố rõ rằng Trung Quốc sẽ phải gánh chịu trách nhiệm trước mọi hành động mà họ tiến hành để hỗ trợ chiến dịch của Nga, và rằng Washington sẽ không ngần ngại áp đặt trừng phạt".
Ông Blinken cũng nói rằng Bắc Kinh có trách nhiệm tận dụng tầm ảnh hưởng của mình với Tổng thống Putin để bảo vệ những luật lệ quốc tế, song dường như Bắc Kinh đang "đi theo chiều ngược lại".
Ngoại trưởng Blinken nói: "Chúng tôi quan ngại rằng Trung Quốc đang cân nhắc hỗ trợ trực tiếp thiết bị quân sự cho Nga để sử dụng ở Ukraine". Tuy nhiên, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ không tiết lộ chi tiết những biện pháp đối với Trung Quốc nếu Bắc Kinh thực hiện điều này. Ngoài ra, Washington vẫn chưa đưa ra bằng chứng cho tuyên bố rằng Trung Quốc bắn tín hiệu sẵn sàng hỗ trợ Moscow.
"Lằn ranh đỏ"
Kể từ khi lên nắm quyền lãnh đạo nước Mỹ hồi năm 2021, Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn chưa tiến hành cuộc gặp trực tiếp nào, song cuộc điện đàm theo kế hoạch vào tối 18/3 sẽ đánh dấu lần liên lạc thứ 4 giữa hai bên, trong đó cuộc điện đàm gần đây nhất diễn ra vào tháng 11/2021.
Washington coi mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc là một trong những mối quan hệ mang tính vừa hợp tác vừa cạnh tranh.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc và Nga hồi tháng 2 tuyên bố mối quan hệ đối tác chiến lược "không giới hạn" và quan điểm của Bắc Kinh đối với vấn đề Ukraine đã khiến chính quyền Tổng thống Biden phải đánh giá lại mối quan hệ với Bắc Kinh.
Việc "tung đòn" vào Bắc Kinh bằng những đòn trừng phạt kinh tế sâu rộng như những gì đã được áp dụng với Nga nhiều khả năng sẽ gây ra những hậu quả to lớn đối với chính Mỹ và các nền kinh tế khác trên thế giới do Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai và là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới hiện nay.
Tại hội thảo trực tuyến do Quỹ Marshall Đức tổ chức vừa qua, ông Evan Medeiros, chuyên gia nghiên cứu về châu Á dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama cho rằng chính quyền Tổng thống Biden dường như đang nỗ lực phát đi thông điệp đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Bắc Kinh có nguy cơ đối mặt với những hệ lụy khi vượt qua những "lằn ranh" cho phép và điều đó sẽ gây ra những thiệt hại không thể đảo ngược đối với quan hệ Mỹ-Trung Quốc.
Ưu tiên cân bằng
Cuộc điện đàm lần này là dịp tìm hiểu những quan điểm và lập trường khác biệt của Trung Quốc trong bối cảnh Mỹ đang dẫn đầu nỗ lực quốc tế triển khai chiến dịch trừng phạt chưa từng có tiền lệ đối với Nga.
Trong bối cảnh quan hệ Mỹ và Trung Quốc vẫn có nhiều căng thẳng, việc hai nhà lãnh đạo có đạt được sự thông hiểu về cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở châu Âu hay không sẽ tạo ra những tác động to lớn đối với những căng thẳng xuất hiện từ trước trong mối quan hệ song phương.
Ông Ryan Hass, cựu cố vấn về Trung Quốc dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama và hiện là chuyên gia tại Viện Brookings nhận định rằng với sức ép gia tăng về vấn đề thể hiện quan điểm trước chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, Trung Quốc sẽ "đong đếm" những ưu tiên và mâu thuẫn về lợi ích.
Chuyên gia Hass nhận định: "Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang nỗ lực cân bằng những lợi ích cạnh tranh nhau. Ông ấy thực sự muốn đề cao mối quan hệ đối tác của Trung Quốc với Nga, đồng thời không muốn hủy hoại mối quan hệ của Bắc Kinh với phương Tây".
Giới chức chính quyền Tổng thống Biden cho rằng việc nhà lãnh đạo Trung Quốc ngay lập tức cung cấp hỗ trợ cho Tổng thống Putin là khó xảy ra, song cuộc điện đàm có thể là một bước đi quan trọng nhằm tiếp tục cô lập Moscow.
Ngoài ra, giới chức Mỹ nhận định Trung Quốc đang theo dõi thận trọng cách thức các nước khác trên thế giới hỗ trợ Ukraine trong nỗ lực kháng cự bước tiến của lực lượng Nga.