Kênh đầu tư nào sẽ 'lên ngôi' nếu lạm phát tăng nóng?
Kinh doanh - Ngày đăng : 14:40, 18/03/2022
Lạm phát đang là mối quan tâm hàng đầu của giới đầu tư toàn cầu cũng như Việt Nam sau khi giá hàng hoá leo thang do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do Covid-19 gây ra. Tuy mức lạm phát tại Việt Nam dự báo vẫn được kiểm soát, song rủi ro ngắn hạn vẫn còn tiềm ẩn do giá dầu tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Phân tích những về những tác động của giá xăng, ông Hoàng Công Tuấn, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Vĩ mô của CTCP Chứng khoán MB (MBS) cho rằng giá xăng dầu chỉ chiếm 3% trong rổ CPI, nhóm hàng hoá liên quan đến giao thông vận tải chiếm 9,7%, song hoạt động vận tải lại chi phối lớn đến các ngành sản xuất khác. Do đó, đà tăng giá xăng dầu có thể tác động đến rổ CPI từ 2-3 vòng.
Đưa ra ba kịch bản ảnh hưởng giá xăng dầu lên lạm phát, vị chuyên gia MBS cho rằng nếu giá dầu dao động ở mức 120 USD/thùng có thể tác động đến lạm phát Việt Nam từ 0,8-0,9%. Trường hợp giá dầu lên đến 130 USD/thùng thì mức độ ảnh hưởng đến lạm phát có thể từ 1,2-1,4%. Trong trường hợp giá dầu vượt quá ngưỡng trên, nền kinh tế Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng mạnh.
Trong bối cảnh lạm phát có xu hướng tăng cao, đầu tư vào kênh nào là bài toán đau đầu với nhiều nhà đầu tư. Để bảo toàn dòng tiền, nhiều nhà đầu tư rút khỏi kênh đầu tư rủi ro như tiền số, chứng khoán…và tìm đến các kênh đầu tư an toàn như vàng, trái phiếu, bảo hiểm, tiết kiệm. Để giúp nhà đầu tư có chiến lược đầu tư hiệu quả trong bối cảnh lạm phát tăng cao, ông Nguyễn Minh Quý, Chủ tịch Tập đoàn Novaon, Chủ tịch Quỹ đầu tư Novaon Capital đưa ra phân tích cho một số kênh đầu tư:
Ông Nguyễn Minh Quý, Chủ tịch Quỹ đầu tư Novaon Capital |
Tiền mặt: "Tiền mặt là mua" là phương châm phổ biến của nhiều người, song ông Quý cho rằng việc nắm giữ tiền mặt trong thời điểm lạm phát không phải chiến lược đúng đắn. Đưa ra dẫn chứng với chia sẻ của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett, khoản đầu tư tồi tệ nhất chính là giữ tiền mặt, bởi tiền không tự sinh ra, thậm chí còn có thể giảm đi nếu lạm phát tăng mạnh.
Lãi suất ngân hàng: Theo ông Quý lãi suất ngân hàng có thể tăng nhẹ từ 6,5 - 7% trong năm nay. Tuy nhiên, nhìn lại quá khứ thì xu hướng lãi suất có chiều hướng đi xuống trong 10 năm qua. Như vậy, trong khi lạm phát có thể tăng cao và lãi suất chỉ tăng nhẹ thì gửi tiết kiệm ngân hàng không phải kênh đầu tư quá hấp dẫn.
Vàng: Nhiều nhà đầu tư coi vàng là kênh đầu tư trú ẩn an toàn trong bối cảnh địa chính trị căng thẳng. Song cần lưu ý tại Việt Nam, giá vàng chênh lệch quá lớn với giá thế giới khiến nhiều nhà đầu tư thua lỗ trong thời gian qua. Việc thiếu liên thông với thị trường thế giới khiến vàng trở thành kênh đầu tư rủi ro, không được nhiều nhà đầu tư ưa chuộng. Đặc biệt, dựa trên dữ liệu trong khoảng 5 năm gần đây có thể thấy lợi nhuận thu được khi đầu tư vào vàng tương đối thấp.
Do đó, vị quản lý quỹ cho rằng bất động sản và chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn trong thời điểm này, trong đó chứng khoán vẫn là kênh đầu tư triển vọng hơn cả. Theo phân tích của chuyên gia, mặc dù diễn biến vĩ mô có nhiều khó khăn, song lợi nhuận của các doanh nghiệp lớn trên sàn vẫn ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 20%. GDP dự báo cũng sẽ cao hơn năm ngoái khi đạt mức trên dưới 6%.
Những thông tin tiêu cực khiến thị trường biến động trong ngắn hạn, song nhìn về trung hạn chứng khoán vẫn có thể đi lên nhờ nhiều triển vọng tích cực.Đặc biệt, những biến động ngắn hạn cũng là cơ hội điều chỉnh các cổ phiếu trên thị trường về mức cân bằng và phù hợp để đầu tư dài hạn. Theo đó chuyên gia dự báo VN-Index vẫn có thể tăng trưởng khoảng 15-18% trong năm 2022.
Trong bối cảnh lạm phát gia tăng, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị nhà đầu tư không nên sử dụng đòn bẩy, vay mượn. Bên cạnh đó, cần phải duy trì một lượng tiền mặt nhất định (khoảng 10%) để có thể kịp thời tận dụng các cơ hội cũng như tái cơ cấu danh mục đầu tư.
Theo Nhịp sống kinh tế