Trung Quốc: Gen Z không còn thích đầu tư, mua nhà ở nước ngoài
Đối ngoại - Ngày đăng : 20:58, 17/03/2022
Ông Stephen Yao, cư dân ở tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc thường thực hiện hơn 20 chuyến đi ra nước ngoài mỗi năm để tìm mua bất động sản tại những địa điểm du lịch được nhiều người yêu thích như Kyoto, Bangkok, Pattaya và Kuala Lumpur cho giới nhà giàu Trung Quốc.
Song dịch Covid-19 xuất hiện đã gây gián đoạn hoạt động kinh doanh của ông Yao. Chuyến đi nước ngoài gần nhất của ông này là vào tháng 3/2020. Không thể đi ra nước ngoài do lệnh phong tỏa biên giới, người đàn ông (46 tuổi) và các khách hàng tầm trung đành phải bỏ trống những căn nhà ở nước ngoài, hoặc cho thuê lại với giá bèo.
Gen Z ở Trung Quốc không còn quá chú trọng đầu tư và mua nhà ở nước ngoài so với các thế hệ trước. (Ảnh minh họa) |
Không đầu tư mua nhà ở nước ngoài
Dù chưa có dấu hiệu nào cho thấy chính phủ Trung Quốc sẽ cho nới lỏng các quy định hạn chế đi lại, nhưng ông Yao vẫn hy vọng giấc mơ được tự do di chuyển, đầu tư trên quy mô toàn cầu và nghỉ hưu ở nước ngoài sẽ sớm trở lại. Điều đáng nói, đây cũng là mong muốn của nhiều người dân Trung Quốc thuộc tầng lớp trung lưu sinh ra trong thập niên 70.
“Thế hệ 6X và 7X đang háo hức được trở lại cuộc sống như trước khi đại dịch xuất hiện, tự do đi du lịch và đầu tư ở nước ngoài ngay khi Covid-19 được xóa bỏ. Nhưng thế hệ trẻ Trung Quốc lại không như vậy”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời ông Yao.
Nói cách khác, nhiều người trẻ Trung Quốc thuộc tầng lớp trung lưu đang tập trung gây dựng gia sản ngay trên mảnh đất quê nhà.
Anh Jay Li ngoài 20 tuổi đang điều hành một công ty kinh doanh thương mại điện tử đã chi 3 triệu nhân dân tệ (470.000 USD) để trang trí căn hộ rộng 90m2 tại thành phố Quảng Châu.
“Thiết kế căn hộ hạng sang cùng bộ sưu tập nghệ thuật hiện đại là điều hứng thú hơn và cũng là phương án tích lũy tài sản tốt hơn. Tôi không mặn mà với việc mua một căn hộ có diện tích 30m2 tại một quốc gia Đông Nam Á có giá 500.000 – 800.000 nhân dân tệ”, anh Li nói.
Nhiều bạn trẻ thuộc thế hệ Millennials và Gen Z ở Trung Quốc có khoản tiền tích lũy đầu tiên là nhờ đầu tư vào thương mại điện tử, giải trí và trò chơi điện tử trực tuyến trong nước. Do đó, theo ông Yao, xu hướng tiêu dùng cũng đang thay đổi giữa các thế hệ người giàu ở đất nước tỷ dân.
Cụ thể, dù vẫn hứng thú với những chuyến đi ra nước ngoài một khi lệnh phong tỏa biên giới được gỡ bỏ, nhưng giới trẻ Trung Quốc không còn quá bận tâm tới việc mua nhà hay định cư ở nước ngoài.
“Thế hệ 7X và 8X đã được hưởng lợi từ quá trình toàn cầu hóa. Chuyện này đã thôi thúc họ đa dạng hóa nguồn đầu tư ra nước ngoài. Nhưng thế hệ trẻ có tiền ở Trung Quốc hiện có lối suy nghĩ khác. Họ thích tập trung vào tiêu dùng và đầu tư ở trong nước, bởi họ cho rằng tài sản sẽ an toàn và dễ kiểm soát hơn khi ở trong nước”, ông Yao cho hay.
Quan điểm của ông Yao hoàn toàn phù hợp với Sách Trắng năm 2021 về Tầng lớp trung lưu mới của Wu Xiaobo Channel, một trong những công ty truyền thông tài chính độc lập hàng đầu của Trung Quốc.
Theo nghiên cứu của Wu Xiaobo Channel, tầng lớp trung lưu trên 40 tuổi ở Trung Quốc chủ yếu phân bố tài sản ra nước ngoài, cũng như quan tâm đến chuyện nhập cư, chăm sóc y tế, hưu trí và bảo vệ tài sản ở nước ngoài.
Trái lại, nhóm trung lưu trong độ tuổi 20 - 30 lại đang tập trung nhiều hơn vào giáo dục, nghề nghiệp và đầu tư tài sản ngay trong lãnh thổ Trung Quốc.
Trung bình thu nhập trước thuế hàng năm của các gia đình trung lưu giàu có ở Trung Quốc là 660.000 nhân dân tệ, và trung bình tài sản của một hộ gia đình là 4,96 triệu nhân dân tệ. Bất động sản chiếm trung bình 56% trong tổng tài sản của một hộ gia đình.
Ngoài ra, hơn 60% người thuộc tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc đang làm việc trong 4 lĩnh vực là internet, sản xuất, tài chính và bất động sản.
Xu hướng dùng hàng nội địa đang gia tăng trong thế hệ Gen Z ở Trung Quốc. (Ảnh minh họa) |
Dùng hàng nội địa
Bà Belle Liang, người điều hành Hainan Wakesurf Paradise ở thành phố Tam Á thuộc tỉnh Hải Nam, cho biết xu hướng chi tiêu trong nước của giới trẻ giàu có đã đẩy mạnh hoạt động kinh doanh ở khu vực.
“Hơn 50 câu lạc bộ lướt sóng mới đã được thành lập ở Tam Á và Vạn Ninh kể từ tháng 7/2021, do sự gia tăng của hoạt động tiêu dùng nội địa hướng tới quan tâm nhiều hơn với bộ môn lướt sóng và trượt tuyết. Đây là trào lưu được những người nổi tiếng và nhân vật có ảnh hưởng trên mạng xã hội Trung Quốc tạo dựng trong 2 năm qua”, bà Liang chia sẻ.
Cũng theo bà Liang, thế hệ 8X thích khoe đã đi được đến những nước nào, trong khi Gen Z lại thích thảo luận về các câu lạc bộ lướt sóng và khu nghỉ dưỡng trong nước từng ghé thăm.
Bà Liang nói thêm, các du khách chi từ 10.000 – 30.000 nhân dân tệ cho mỗi chuyến đi.
Gen Z chiếm khoảng 260 triệu người trong tổng dân số Trung Quốc với tổng mức chi tiêu là khoảng 4.000 tỉ nhân dân tệ, tương đương 13% chi tiêu hộ gia đình trên toàn quốc, theo báo cáo về thói quen tiêu dùng của Gen Z do CBNData tổng hợp.
Đáng nói, so với các thế hệ trước, Gen Z đang có thói quen chi tiền nhiều hơn cho thị trường nội địa và mua sắm các mặt hàng được sản xuất ngay trong nước.
Ông Li Bingyue, Giám đốc điều hành một nền tảng buôn bán theo nhóm tại Quảng Đông, cho hay số lượng thành viên tham gia nhóm mà đa phần là phụ nữ trung lưu sinh sống ở các thành phố hạng 1 và 2 đã tăng hơn 3 triệu, kể từ khi làn sóng dịch Covid-19 bùng phát cách đây 2 năm.
“Không giống như những ngày đầu phụ nữ có xu hướng thích mua hàng nước ngoài, chúng tôi hiện ghi nhận khoảng cách giữa mua hàng nội địa và nước ngoài đã được thu hẹp mà chủ yếu do tác động của lệnh phong tỏa biên giới để ngăn chặn dịch bệnh”, ông Li nói.
Cũng theo ông Li, người dùng càng trẻ, mối quan tâm thử dùng các sản phẩm nội địa mới càng gia tăng.
"Với những người tầm 30 – 40 tuổi mà lấy tôi làm ví dụ, tôi từng tới Hong Kong và Nhật Bản để mua phần lớn mặt hàng thiết yếu dùng hàng ngày như sữa bột, bàn chải đánh răng, xà phòng, vitamin. Nhưng giờ đây, tôi đã chuyển sang dùng các mặt hàng nội địa tầm trung và cao cấp vì tôi thấy chất lượng cũng không tệ”, ông Li cho hay.
Minh Thu (lược dịch)