Hợp tác Mỹ-Trung Quốc: 'Hộp Pandora' và 'chìa khóa' cho hòa bình thế giới
Đối ngoại - Ngày đăng : 17:12, 17/03/2022
Hợp tác Mỹ-Trung Quốc là hướng đi quan trọng để duy trì trật tự quốc tế. (Nguồn: China Daily) |
Sự tuyệt vọng hay hy vọng?
Căng thẳng liên tục trong quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đã mở chiếc "hộp Pandora” trên chính trường thế giới. "Hộp Pandora", theo thần thoại Hy Lạp, chứa chiến tranh, sự tuyệt vọng và cả hy vọng.
Các nỗ lực quốc tế nhằm thúc đẩy một trật tự kinh tế quốc tế tự do và cởi mở hơn đã bị đình trệ và hợp tác để chống lại đại dịch Covid-19 gặp nhiều khó khăn. Nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân cũng đã bị phá hoại với sự khởi đầu là sự sụp đổ một phần của thỏa thuận hạt nhân Iran. Triều Tiên nối lại các vụ thử tên lửa. Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đang muốn sở hữu vũ khí hạt nhân. Nga vừa mới phát động một chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine. Ngay cả trong vấn đề biến đổi khí hậu, sự hợp tác Mỹ-Trung Quốc cũng còn nhiều hạn chế.
Những thách thức nêu trên mới chỉ là khởi đầu, những điều tồi tệ hơn vẫn chưa đến.
Bảy năm trước, khi thế giới kỷ niệm 70 năm chiến thắng của cuộc chiến chống phát xít, không nhiều người nhận ra rằng trật tự thế giới hậu Thế chiến II không chỉ là tự do, mà quan trọng hơn là thực tế và thực dụng. Tính thực tế và thực dụng thể hiện ở việc nếu thế giới muốn hòa bình, các quốc gia cần thừa nhận và tôn trọng lợi ích cốt lõi của nhau, đặc biệt là lợi ích của các cường quốc.
Hiến chương Liên hợp quốc quy định nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia và phản đối sự can thiệp công việc nội bộ của một quốc gia có chủ quyền.
Hiến chương cũng trao những đặc quyền đặc biệt cho các cường quốc, chẳng hạn như thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và quyền phủ quyết. Điều đó có lẽ là bởi, những người sáng lập nhận định cách duy nhất để giữ hòa bình giữa các cường quốc là trao cho họ “cổ phần” trong trật tự quốc tế hiện có và cho phép các quốc gia có tư tưởng khác nhau làm việc cùng nhau về các vấn đề cùng quan tâm.
Cũng chính nhờ quan niệm này mà trước thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, mặc dù Mỹ-Trung Quốc có nhiều xung đột lợi ích, thậm chí là đối đầu trong nhiều vấn đề nhưng Bắc Kinh và Washington vẫn cố gắng đảm bảo rằng sự khác biệt về ý thức hệ không ảnh hưởng đến mối quan hệ và cố gắng không thách thức lợi ích quốc gia cốt lõi của nhau.
Sự hiểu biết chung này góp phần giúp mối quan hệ giữa hai nước ngày càng được cải thiện và tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác trong nhiều vấn đề quốc tế.
Khi Trung Quốc vươn lên phát triển, xu hướng hợp tác như vậy ngày càng trở nên quan trọng và có lợi cho hai nước cũng như thế giới.
Hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ có ý nghĩa quan trọng đối với những nỗ lực của thế giới trong việc chống khủng bố, gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và ký kết Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Không có lựa chọn thay thế tốt hơn
Nhưng sau khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống, Mỹ dường như đã thay đổi chính sách này. Washington bắt đầu các cuộc chiến thương mại thách thức Bắc Kinh. Mỹ cũng đi đầu trong các chính sách nhằm đối trọng với Trung Quốc.
Việc Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền không làm thay đổi nhiều chính sách của người tiền nhiệm đối với Trung Quốc. Ông Biden đã kế thừa phần lớn cách tiếp cận của ông Trump đối với Bắc Kinh.
Vốn là hai nước lớn, xu hướng phát triển của cặp quan hệ Mỹ-Trung Quốc sẽ tạo ra những hệ quả đáng kể. Chừng nào Washington-Bắc Kinh vẫn còn đối đầu và thù địch với nhau, trật tự quốc tế sẽ thiếu đi sự giám sát và các quốc gia như Nga và Triều Tiên sẽ nhìn thấy cơ hội để theo đuổi lợi ích của họ. Nhiều quốc gia không hài lòng với trật tự quốc tế hiện có, có thể sẽ tuân theo.
Trung Quốc và Mỹ cần ổn định và cải thiện quan hệ của họ dựa trên lợi ích chung thay vì cạnh tranh và đối đầu với nhau do xung đột lợi ích và giá trị hoặc do nguyên nhân ý thức hệ. Bắc Kinh và Washington phải làm việc cùng nhau để duy trì trật tự quốc tế trên cơ sở này. Các quốc gia khác cần khuyến khích Trung Quốc và Mỹ rằng họ làm như vậy là vì lợi ích của chính họ.
Trong hoàn cảnh hiện tại, sự hợp tác như vậy giữa Mỹ và Trung Quốc có vẻ viển vông. Nhưng nếu Trung Quốc và Mỹ muốn bảo vệ lợi ích của họ và nếu thế giới muốn bảo vệ trật tự quốc tế thì không có lựa chọn thay thế nào tốt hơn.
Để điều này xảy ra, các nhà lãnh đạo thế giới cần thể hiện tầm nhìn xa, ý chí chính trị và cả sự can đảm nếu mong muốn để lại một di sản lịch sử tích cực. Họ có thể bắt đầu bằng việc tìm cách chấm dứt cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay, trước khi quá muộn.