Động đất Nhật Bản: Hơn 160 người thương vong, bỏ cảnh báo sóng thần, thông tin tình hình người Việt
Đối ngoại - Ngày đăng : 17:08, 17/03/2022
Vết nứt trên tuyến cao tốc Tohoku sau trận động đất đêm 16/3. (Nguồn: Twitter) |
Theo báo cáo mới nhất, đã có ít nhất 4 người thiệt mạng và hơn 160 người bị thương, trong đó có một số người bị thương nặng.
Thủ tướng Kishida Fumio đã xác nhận thông tin 4 người thiệt mạng. Ông cho biết chính phủ đang đánh giá nguy cơ xảy ra dư chấn mạnh trong 2 và 3 ngày tới.
Đến sáng 17/3, khoảng 36.400 hộ gia đình Nhật Bản sử dụng mạng lưới điện của công ty điện lực Tohoku vẫn không có điện sinh hoạt, nhiều tuyến đường sắt tới khu vực miền Đông Bắc, trong đó có tàu siêu tốc Shinkansen tạm ngừng hoạt động.
Trước đó, theo thông báo của các địa phương, trận động đất gây mất điện cho khoảng 2 triệu hộ gia đình và gián đoạn tạm thời mạng điện thoại di động ở một số khu vực.
Về giao thông, tại thời điểm xảy ra động đất, tàu siêu tốc Tohoku Shinkansen đã bị trật bánh tại khu vực giữa ga Shiroishi và ga Fukushima và phải dừng khẩn cấp, tuy nhiên toàn bộ 75 hành khách và 3 nhân viên đều không bị thương.
Sân bay quốc tế Haneda, thủ đô Tokyo và một số tuyến đường cao tốc Tohoku bị tạm dừng hoạt động trong một khoảng thời gian để xác nhận mức độ an toàn.
Lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh Miyagi đã ghi nhận một vết nứt dài khoảng 100 m, rộng từ 30-50 cm trên tuyến cao tốc Tohoku gần nút giao Shiroishi và hiện đang đình chỉ sử dụng tuyến đường này để khắc phục sự cố.
Theo Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno, không có bất thường nào tại Nhà máy điện hạt nhân Onagawa ở tỉnh Miyagi và Nhà máy điện hạt nhân Tokai số 2 thuộc tỉnh Ibaraki, trong khi Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 và số 2 đang được theo dõi sát tình hình.
Vào lúc 23 giờ 36 phút ngày 16/3, trận động đất đã gây rung lắc mạnh với tâm chấn nằm ở độ sâu 57km ngoài khơi Fukushima. Thủ đô Tokyo và nhiều tỉnh thành lân cận hứng chịu rung lắc mạnh.
Chiều cao sóng thần đo được tại khu vực cảng Ishinomaki là 30 cm, cảng Sendai là 20 cm (đều thuộc tỉnh Miyagi) và cảng Soma, tỉnh Fukushima là 20 cm. Tuy nhiên, đến 5 giờ sáng 17/3, các cảnh báo sóng thần đã được dỡ bỏ.
Mặc dù vậy, Cơ quan khí tượng Nhật Bản cảnh báo, người dân cần cảnh giác có thể sẽ có những đợt dư chấn khác trong vòng 1 tuần tới tại khu vực này.
Liên quan tình hình người Việt tại Nhật Bản, ngày 17/3, Chủ tịch Hội Người Việt Nam ở tỉnh Fukushima Ngô Lê Thùy Trang cho biết, cho tới thời điểm này, không có người Việt nào ở Fukushima bị thương hay tử vong trong trận động đất.
Theo chị Ngô Lê Thùy Trang, mặc dù có cường độ khá mạnh nhưng trận động đất không gây thiệt hại lớn cho khu vực nhờ những bài học mà chính quyền và người dân ở đây đã rút ra từ thảm họa năm 2011.
Sau trận động đất, chính quyền và các cơ quan chức năng tỉnh Fukushima đã liên lạc với Hội Người Việt Nam ở tỉnh Fukushima để tìm hiểu thông tin về tình hình người Việt ở đây, đồng thời đưa ra các hướng dẫn để giúp người Việt tìm nơi lánh nạn sau khi có cảnh báo sóng thần.
Ngay lập tức, hội đã dịch các thông tin hướng dẫn đó ra tiếng Việt và đăng tải trên fanpage để người Việt trên địa bàn tỉnh nắm được thông tin.
Hiện nay, Hội Người Việt Nam ở tỉnh Fukushima đang thu thập thêm thông tin về tình hình của cộng đồng người Việt, nhất là các du học sinh và thực tập sinh, ở Fukushima. Trong trường hợp cần thiết, hội sẽ trích quỹ để mua lương thực hỗ trợ các trường hợp gặp khó khăn.