Xung đột Nga-Ukraine: Thế khó trên bàn đàm phán

Đối ngoại - Ngày đăng : 16:10, 17/03/2022

Xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra là thất bại của những hoạt động ngoại giao trước đó. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc các vận động ngoại giao đã không còn ý nghĩa.
Vòng 4 đàm phán Nga-Ukraine bước sang ngày thứ 3, Kiev nói 'đã xây dựng hơn'. (Nguồn: Twitter)
Vòng 4 đàm phán Nga-Ukraine, Kiev nói 'đã xây dựng hơn'. (Nguồn: Twitter)

Thời điểm hiện nay, hơn bao giờ hết, các hoạt động ngoại giao lại đang được dư luận đặc biệt quan tâm bởi chiến tranh ở Ukraine kéo dài thêm ngày nào là thiệt hại về nhân mạng sẽ càng nhiều thêm, kèm theo là sự tàn phá mà không biết bao lâu sau mới có thể phục hồi. Sự đối đầu nếu để kéo dài sẽ lớn dần lên, biến thành thù hận khiến tình hình càng thêm nghiêm trọng.

Dù chiếm ưu thế trên chiến trường nhưng thiệt hại mà Nga đang phải gánh chịu về chính trị và kinh tế là rất lớn. Những biện pháp trừng phạt mà Mỹ và các nước phương Tây áp đặt đang khiến nền kinh tế Nga bắt đầu khó “thở”. Còn với Ukraine, cuộc chiến kéo dài đồng nghĩa với chết chóc, cơ sở hạ tầng bị tàn phá, kinh tế và xã hội bị hủy hoại, thậm chí là sụp đổ.

Chưa kể khủng hoảng ở Ukraine còn có nguy cơ leo thang, vượt ra ngoài khuôn khổ đối đầu Nga - Ukrane. Dù không can dự trực tiếp nhưng những tác động gián tiếp của Mỹ và phương Tây vào cuộc xung đột Nga - Ukraine có thể làm bùng nổ đối đầu Đông - Tây như thời Chiến tranh Lạnh. Nguy cơ xung đột NATO - Nga dù khó có thể xảy ra nhưng không phải là không thể nếu như căng thẳng không sớm được tháo gỡ.

Chính vì thế, không có gì ngạc nhiên khi những ngày này, thế giới đổ dồn sự chú ý vào các nỗ lực ngoại giao trên bàn đàm phán. Điều đáng mừng là ngay cả vào thời điểm căng thẳng trên chiến trường, cánh cửa ngoại giao vẫn không hề đóng lại. Các hoạt động ngoại giao diễn ra dồn dập đang tạo ra hy vọng về cơ hội chấm dứt cuộc chiến.

Bốn vòng đàm phán căng thẳng giữa Nga và Ukraine chưa chấm dứt được chiến sự trên chiến trường nhưng nó cũng đã đưa quan điểm của hai bên xích lại gần nhau.

Trái với những tuyên bố có tính tiên quyết theo kiểu “tối hậu thư” như trước đây, giờ người ta có thể nghe thấy những từ như “nhượng bộ”, “thỏa hiệp” phát đi từ cả hai phía. Trong khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định sẵn sàng nhượng bộ hợp lý để kết thúc chiến tranh, thì Điện Kremlin để ngỏ khả năng diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Nga – Ukraine.

Dù bất đồng quan điểm gay gắt nhưng các bên có can dự vào vấn đề Ukraine như Mỹ, NATO, Nga và Ukraine vẫn coi trọng đàm phán. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, cả Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đều nhất trí giữ liên lạc chặt chẽ với Nga.

Khác với sự nóng vội lúc đầu, châu Âu nay tỏ ra bình tĩnh hơn trong việc nhanh chóng kết nạp Ukraine vào Liên minh châu Âu (EU), một trong những yếu tố khiến quan hệ giữa Nga với Ukraine và châu Âu căng thẳng. Hôm 10-3, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp Clement Beaune tuyên bố “cần có thời gian” cho các cuộc tranh luận về việc có hay không để Ukraine nhanh chóng gia nhập EU.

Trước mắt, sự khai thông có thể đến từ thay đổi trong quan điểm của Ukraine với kế hoạch gia nhập Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của nước này. Trong cuộc phỏng vấn với Đài ABC của Mỹ, ông Volodymyr Zelensky cho biết sẵn sàng điều chỉnh nguyện vọng gia nhập NATO vốn được bảo đảm trong hiến pháp của Ukraine.

Đối tác của Ukraine là NATO cũng không đặt ra vấn đề Ukraine gia nhập NATO trong tình hình hiện nay mà tập trung quan tâm đến việc ngăn chặn xung đột kéo dài ở Ukraine. Sự thay đổi này phần nào trùng với mục tiêu của Nga là duy trì sự “trung lập” của Ukraine.

Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề Crimea và quy chế độc lập cho hai nước cộng hòa li khai ở vùng Donbas của Ukraine là Cộng hòa nhân dân Donesk và Cộng hòa nhân dân Lugansk, khoảng cách về quan điểm của Nga và Ukraine còn quá lớn để có thể có thỏa hiệp.

Trong bối cảnh xung đột và đối đầu căng thẳng như hiện nay, nếu chấp nhận các yêu cầu trên của Nga, ông Volodymyr Zelensky sẽ gặp phải sự phản đối từ trong nước.

Nhưng vấn đề Donbas không phải là hoàn toàn bế tắc. Đã từng tồn tại Thỏa thuận Minsk được ký năm 2015 giữa Ukraine và ba nước bảo trợ gồm Nga, Đức và Pháp, trong đó có điểm chính phủ Ukraine nhất trí cải cách hiến pháp nhằm cấp quyền tự trị lớn hơn cho vùng Donbass. Trở lại Thỏa thuận Minsk vốn đã không còn hiệu lực kể từ khi xung đột bùng nổ không giải quyết triệt để vấn đề nhưng là giải pháp trước mắt để hai bên có thể có những thỏa hiệp.

Một khó khăn nữa là đàm phán để giải quyết những vướng mắc giữa Nga và Ukraine nhưng nó cũng chịu tác động cả từ những mâu thuẫn tiềm ẩn giữa Nga và phương Tây. Xung đột Nga-Ukraine bùng nổ khiến châu Âu phải nhận thức rằng, châu lục này không thể đơn giản xây dựng một cấu trúc an ninh châu Âu và mặc nhiên cho rằng Nga sẽ nhượng bộ hòa bình với chính sách mở rộng NATO về phía Đông.

Nó cho thấy cấu trúc an ninh châu Âu, chủ yếu được định hình bởi các nước phương Tây trong ba thập kỷ qua kể từ Liên Xô sụp đổ, không còn phù hợp nữa. Có lẽ châu Âu phải bắt đầu suy nghĩ về một hệ thống mới ổn định hơn cho an ninh đa phương trên toàn châu lục, trong đó có an ninh của Nga.

Nhiều mâu thuẫn đang tạo ra những tình thế khó khăn trên bàn đàm phán. Tuy nhiên, “không có một nút bấm nào có thể giải quyết mọi vấn đề”, như lời thừa nhận của Thủ tướng Đức Olaf Scholz.

Dù sao, việc cánh cửa ngoại giao luôn được để ngỏ cũng là tín hiệu để hy vọng các bên xung đột sẽ tìm được tiếng nói chung.

HOÀNG SƠN