Shipper chật vật khi xăng tăng giá: 'Nổ' đơn không dám nhận, thu nhập giảm 1/3
Xã hội - Ngày đăng : 15:21, 17/03/2022
13h, shipper Trần Văn An (22 tuổi, quê ở Thạch Thất, Hà Nội) tấp xe vào lề đường để kiểm tra điện thoại. Hai đơn ở Thanh Xuân và Đống Đa "nổ" lên cùng lúc nhưng cậu vẫn đắn đo không nhận. Phải chờ thêm 10 phút, An mới quyết định nhận giao một đơn ở Trần Đại Nghĩa, quận Hai Bà Trưng vì địa điểm này gần đường về trường Cao đẳng nghề Bách Khoa nơi cậu đang theo học.
An cho biết: “Nếu là trước đây, bất kể đơn xa hay gần tôi đều nhận hết. Nhưng thời gian gần đây giá xăng tăng cao, tiền lời chẳng được bao nhiêu. 13.500 đồng/đơn, đi 5 - 7km, trong thời buổi giá xăng lập đỉnh như hiện tại nếu không có đơn hàng giao về thì gần như phải bù lỗ. Vì vậy tôi phải tính toán thật kỹ".
An hiện là sinh viên năm cuối trường Cao đẳng nghề Bách Khoa Hà Nội. Vốn tự lập từ sớm nên ngay từ khi còn là sinh viên năm nhất, cậu đã chủ động làm thêm nhiều công việc như phục vụ tại nhà hàng, quán ăn.
Năm 2020 khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các nhà hàng quán ăn đều bị đóng cửa, công việc của An cũng phải tạm dừng. Để có tiền trang trải cuộc sống, tháng 5/2021, cậu quyết định đăng ký đi làm shipper bởi đây là công việc linh hoạt, phù hợp với thời gian biểu của sinh viên.
Trước khi đi làm, An chi gần 1 triệu đồng để tân trang lại chiếc xe… Sau đó, chàng trai trẻ cùng con chiến mã cũ bon bon trên khắp các phố phường Hà Nội để đi giao hàng. Trung bình một buổi sáng, An giao 14 - 18 đơn, trừ hết chi phí cậu thu về 120.000 - 150.000 đồng. Nhưng từ lúc giá xăng lập đỉnh, trừ đầu trừ đuôi, cậu chỉ thu khoảng 100.000 đồng trở lại.
"Bình thường đổ 50.000 đồng là đầy bình xăng, tôi có thể chạy được 2 ngày nhưng giờ trong vòng một ngày là hết sạch", chàng trai này chia sẻ.
Từ ngày xăng tăng giá, An không còn thói quen chạy lòng vòng tìm đường như trước. Thay vào đó, cậu thường lướt Google map thật kỹ, kiểm tra xem đoạn đường nào gần nhất để tiện cho việc vận chuyển hàng thay vì vừa đi vừa mò đường như mọi lần. Giao hàng xong, cậu dừng lại bên lề đường chờ app "nổ" đơn mới tiếp tục đi. "Nếu may mắn thì có thể kiếm được đơn gần, nhưng lắm lúc chờ dài cổ cũng không có đơn ngon", An nói.
Giá xăng tăng cao ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của các tài xế công nghệ và shipper như An. Gần đây, để có tiền chi trả các khoản sinh hoạt, nam tài xế phải làm song song hai công việc cùng lúc với tổng thời gian trên 13 tiếng mỗi ngày. Buổi sáng, An đi ship hàng từ 6h đến 13h30, sau đó cậu đi học.
Chiều từ 17h30 đến 23h30, cậu làm việc tại một quán cà phê. Trung bình một ngày cậu có thể kiếm được 200.000 đồng. Với thu nhập ít ỏi, An để dành một phần để đóng nhà trọ, một phần trang trải học phí.
Thời gian tới nếu xăng tiếp tục tăng giá, An dự định sẽ nghỉ hẳn việc shipper để tìm một công việc khác vào ca sáng thay thế.
Tăng giờ làm nhưng thu nhập vẫn giảm
23h đêm, Đặng Minh Tiền (23 tuổi) mệt mỏi trở về phòng trọ sau một ngày ship đồ quanh thành phố Hà Nội. Cực chẳng đã Tiền mới phải làm chân chạy ship như thế này.
Tiền tốt nghiệp ngành Hướng dẫn du lịch trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội hồi tháng 7/2020. Thời điểm anh ra trường là lúc ngành du lịch bị đóng băng bởi đại dịch COVID-19. Trong lúc chờ cơ hội để xin việc đúng chuyên ngành, Tiền quyết định đăng ký làm shipper.
Gần hai năm làm nghề, Tiền chưa thấy thời điểm nào khó khăn như hiện nay. Để có tiền trang trải cho cuộc sống, ngày nào anh cũng phải đẩy thời gian làm việc lên 15 tiếng/ngày, thay vì 12 tiếng như trước đây.
Một ngày làm việc của Tiền bắt đầu từ 7h đến 23h, nhiều lúc muộn hơn. Công việc bận nhất vào buổi trưa, anh chủ yếu giao đồ ăn cho các khu văn phòng, chung cư. Mỗi đơn giao thành công, Tiền nhận được khoảng 10.000 - 15.000 đồng. "Những ngày trời mưa, lạnh cũng là lúc tôi kiếm được nhiều tiền nhất, vì khi đó mọi người ngại ra ngoài, chủ yếu gọi đồ ship", Tiền cho biết.
Trung bình một tháng Tiền kiếm được 8 - 10 triệu đồng. Mặc dù thu nhập không cao, nhưng số tiền này vẫn đủ để anh trang trải cho cuộc sống ở Thủ đô.
Trước đây mỗi khi có đơn hàng, Tiền lập tức bấm nút xác nhận đơn với hy vọng có thể kiếm thêm đồng nào hay đồng ấy. Nhưng gần đây, mỗi khi có đơn Tiền phải cân nhắc tính toán thật kỹ xem chặng đường mình đi có lãi hay không. Dù vậy, rất nhiều lần anh vẫn phải bù lỗ vì chặng về không nhận được đơn nào.
"Khi giá xăng chưa lập đỉnh, tôi chạy khoảng 100km, tốn khoảng 50.000 - 60.000 đồng tiền xăng, còn giờ phải trả gấp đôi. Ngày thường, tôi chạy khoảng 20 - 30 đơn, trừ hết chi phí kiếm được 300.000 - 350.000 đồng. Từ lúc xăng lên giá thu nhập của tôi bị giảm 1/3, ước chừng chỉ còn 250.000 đồng trở lại thôi".
Tiền cho biết, hiện tại các hãng xe công nghệ đã đồng loạt điều chỉnh tăng giá cước. Theo đó, dịch vụ vận chuyển đồ ăn giá cước tối thiểu 3km đầu tiên 16.000 đồng, giá cước mỗi km tiếp theo 5.000 đồng, tăng khoảng 1.000 đồng/km so với giai đoạn trước.
Tuy nhiên, phương án này không giúp nam tài xế vui hơn là mấy, bởi theo Tiền, giá cước tăng đồng nghĩa với việc lượng khách giảm. "Nếu chi phí vận chuyển quá cao, nhiều người sẽ tự đi mua thay vì đặt ship, lúc bấy giờ cánh shipper chúng tôi lại ế ẩm", nam tài xế thở dài.
Tiền cho biết, tuần tới anh sẽ nghỉ hẳn việc shipper để chuyển sang làm nhân viên giao nhận cho một công ty nha khoa. Công việc này Tiền được chi trả 8 triệu đồng/tháng, vẫn là vận chuyển nhưng bù lại anh được công ty hỗ trợ chi phí xăng xe nên cũng cảm thấy bớt áp lực phần nào.
Không chỉ các tài xế, mà nhiều chủ cửa hàng cũng gặp khó khăn. Chị Nguyễn Thị Thúy, chủ một tiệm chè ở quận Nam Từ Liêm cho biết: "Thời gian gần đây số lượng khách đặt đơn online của quán có giảm nhẹ. Nguyên nhân do giá cước vận chuyển bắt đầu tăng. Giá một cốc chè khoảng 20.000 - 25.000 đồng, trong khi đó phí ship đã lên đến 15.000 - 20.000 đồng, gần tương đương giá sản phẩm, còn chưa tính phụ phí. Một số đơn ở xa thì lại không có tài xế nhận đơn".
Để giữ chân khách, chủ cửa hàng buộc phải phải thuê thêm một nhân viên ship hàng, chấp nhận giao hàng hòa vốn. Cuối mỗi bài đăng, quán cũng thường khuyến khích khách hàng đến tự lấy hàng, tránh trường hợp chi phí bị đội lên quá cao.
TRUNG DŨNG