Dư 100 tỷ trong két, mang gửi tiết kiệm ăn lãi suất cao

Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 06:50, 17/03/2022

Lãi suất huy động được dự báo sẽ tiếp tục tăng. Mức lãi suất cao nhất hiện nay là 7,6%/năm nhưng để được hưởng mức lãi suất này khách hàng cần 500 tỷ đồng trở lên và gửi 13 tháng.

Khảo sát tại hơn 30 ngân hàng thương mại trong nước ngày 11/3 cho thấy, hầu hết ngân hàng đều giữ biểu lãi suất tiết kiệm ở mức ổn định so với tháng trước. Chỉ có ngân hàng VIB là tăng nhẹ lãi suất huy động, từ mức cao nhất là 6,19%/năm lên 6,20%/năm.

Một số ngân hàng đẩy lãi suất tiết kiệm lên khá cao, song chỉ dành cho các khoản tiền gửi lớn, với kỳ hạn dài. Trong đó, SCB là ngân hàng niêm yết mức lãi suất tiết kiệm cao nhất với mức 7,6%/năm tại quầy nhưng với điều kiện, khách hàng phải gửi tiết kiệm từ 500 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 13 tháng.

Sau SCB là Techcombank và ACB. Techcombank huy động lãi suất tiết kiệm ở mức 7,1%/năm áp dụng cho khách hàng gửi từ 999 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 12 tháng và cam kết không được tất toán trước hạn. Còn ACB cũng huy động lãi suất tiết kiệm ở mức 7,1%/năm nhưng yêu cầu khách hàng có số tiền gửi từ 100 tỷ đồng và lĩnh lãi cuối kỳ.

Dư 100 tỷ trong két, mang gửi tiết kiệm ăn lãi suất cao

Mức lãi suất huy động 7,0%/năm cũng được nhiều ngân hàng áp dụng hơn so với tháng trước. Chẳng hạn, MSB huy động lãi suất tiết kiệm 7%/năm với điều kiện số tiền gửi 200 tỷ đồng, kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng. Còn tại SCB, nếu khách hàng gửi tiền kỳ hạn dài 12-24 tháng cũng có cơ hội nhận lãi suất 7%/năm.

Nhiều ngân hàng cũng áp dụng mức lãi suất tiết kiệm cao nhất dưới 7%, như LienVietpostbank là 6,99%/năm; MBbank và VietABank có cùng mức lãi suất tiết kiệm cao nhất là 6,9%/năm; HDBank là 6,85%/năm; BacABank là 6,8%/năm...

Song để đạt được mức lãi suất như trên, các ngân hàng này đều đưa ra những tiêu chuẩn riêng, chứ không áp dụng cho mọi khoản tiền gửi.

Với tiền gửi thông thường ở từng kỳ hạn, lãi suất huy động giữa các ngân hàng có sự chênh lệch khá lớn. Trong đó, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng tại quầy dao động từ 2,7-4%, GPBank và SCB là hai ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất tại kỳ hạn này. Ở kỳ hạn 3 tháng, mức lãi suất huy động tại quầy trong khoảng 3,3-4%, cao nhất tại kỳ hạn này vẫn là GPBank và SCB.

Với kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng, mức lãi suất huy động tại quầy dao động từ 4-6,6%. CBBank là ngân hàng có mức lãi suất huy động tại quầy cao nhất ở hai kỳ hạn này. Tại kỳ hạn 12 tháng, mức lãi suất huy động tại quầy là 5,21-7%, đứng đầu là ngân hàng SCB. Còn ở kỳ hạn 13 tháng, lãi suất huy động tại quầy quanh mức 5,5-6,8%. GPBank là ngân hàng cùng giữ mức lãi suất cao nhất tại kỳ hạn này.

Đối với kỳ hạn 18 tháng, lãi suất huy động tại quầy trong khoảng 5,5-7%, SCB là ngân hàng có mức lãi suất tốt nhất ở kỳ hạn này. Với các kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng, các ngân hàng đưa ra mức lãi suất huy động quanh mức 5,3-7%. SCB và VRB đều được xếp ở vị trí quán quân về lãi suất huy động ở các kỳ hạn này.

Dư 100 tỷ trong két, mang gửi tiết kiệm ăn lãi suất cao

Số liệu thống kê cho thấy, mặt bằng lãi suất của Việt Nam trong năm 2021 đã giảm về mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Do đó, các chuyên gia nhận định, lãi suất năm 2022 có thể tăng trở lại khi nhu cầu vốn tín dụng tăng để phục vụ sản xuất sau đại dịch.

Theo thống kê của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), vào cuối tháng 2, trung bình lãi suất huy động 6 tháng tăng nhẹ 0,003 điểm % lên mức 4,795%, còn trung bình lãi suất huy động 12 tháng giảm nhẹ 0,006 điểm % xuống còn 5,545%, giảm lần lượt 0,05 và 0,14 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021.

BVSC cho biết chỉ số lạm phát CPI của Việt Nam sau hai tháng đầu năm đạt 1,68%, tương đối thấp so với các năm gần đây. Song thời gian tới, áp lực lạm phát sẽ cao hơn khi giá nhiều loại nguyên vật liệu đang có xu hướng tăng mạnh, đặc biệt là giá xăng dầu, sẽ khiến các ngân hàng  phải tăng lãi suất huy động, duy trì mức lãi suất thực dương để hút lượng tiền từ thị trường.

BVSC dự báo, mặt bằng lãi suất năm 2022 khó giảm thêm so với cuối năm 2021 và nhiều khả năng sẽ tăng nhẹ trở lại (quanh 0,25-0,5 điểm %), nhất là vào nửa cuối năm 2022.

Công ty CP Chứng khoán VNDirect cũng dự báo, lãi suất huy động trong năm 2022 sẽ tăng 0,3-0,5 điểm %. Nhu cầu huy động vốn tăng dựa trên tín dụng tăng và áp lực lạm phát cộng thêm sự cạnh tranh từ các kênh đầu tư hấp dẫn khác như bất động sản và chứng khoán có thể khiến lãi suất đi lên.

Tuấn Dũng