Dân buôn hàng Trung Quốc đêm mất ngủ, ngày đi câu "giết" thời gian
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 10:39, 16/03/2022
Mất ngủ triền miên vì tắc biên
Từ 25/2 đến nay, các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) vẫn đang tạm dừng do phía Trung Quốc triển khai các biện pháp cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19 tại thành phố Phòng Thành Cảng (Trung Quốc).
Ngày 6/3, việc tạm thời dừng thông quan xuất, nhập khẩu hàng hóa cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) được phía Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc thông báo qua điện thoại với các lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn. Hiện Trung Quốc chưa thông báo lại thời gian cụ thể khôi phục lại hoạt động thông quan hàng hóa.
Thực trạng này khiến hàng hóa ứ đọng. Rất nhiều xe vận chuyển hàng hóa 2 chiều Việt Nam - Trung Quốc bị ùn ứ tại cửa khẩu, gây nên nhiều hệ lụy.
Kinh doanh hoa quả tại cửa khẩu, anh Tâm (Lạng Sơn) cho biết, các loại hàng hóa khác có thể lưu kho nếu không qua được biên giới. Chi phí lưu kho đắt nhưng dù sao vẫn giữ được hàng. Riêng đối với hoa quả thì nếu không thông quan được, nguy cơ mất trắng rất cao.
Đứng trước nguy cơ thiệt hại số tiền rất lớn, anh Tâm nhiều đêm mất ngủ lo lắng. Suốt thời gian qua, anh Tâm liên tục phải dừng kinh doanh hoặc bán xả hàng vì tắc biên. "Do Trung Quốc thực hiện chính sách "Zero Covid" nên đành chấp nhận", anh Tâm ngậm ngùi chia sẻ.
Cũng theo anh Tâm, nhiều chủ hàng phải tìm cách đưa hàng hóa qua cửa khẩu khác hoặc đi theo đường biển. Tuy nhiên hình thức này phát sinh nhiều chi phí. Chi phí tăng quá cao nên để giảm rủi ro, anh Tâm không kiêm nhiệm nhiều khâu mà chỉ đứng ra đặt hàng giúp các mối buôn Trung Quốc. Các mối buôn này sẽ tự thanh toán chi phí phát sinh.
Đối với ngành may mặc, anh V.N.M. (Long Biên, Hà Nội) cho hay, hàng hóa về nhỏ giọt ảnh hưởng không nhỏ tới công ty. Đang là đầu mùa sản xuất nên anh M. cần rất nhiều nguyên liệu, nhưng tình hình trên đã khiến anh phải sản xuất cầm chừng.
Hiện tại, anh M. vẫn đang sản xuất bằng nguồn nguyên liệu nhập về từ trước đợt dừng thông quan nhưng nguyên liệu cũng đang cạn dần. Nếu không kịp hoàn thành đơn hàng, anh M. hoàn toàn có thể bị đối tác phạt.
"Thời trang thường kinh doanh theo mùa, hàng giao chậm khiến đối tác không kịp bán thì bên sản xuất phải chịu trách nhiệm", anh M. cho hay.
Giá cước vận chuyển tăng gấp đôi
Theo anh V.D. (Khương Đình, Hà Nội), một người chuyên nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc, hiện không có xe hàng ra vào Trung Quốc; hàng hóa không thể đi đường chính ngạch khiến nhiều chủ hàng đánh liều chuyển sang đi đường tiểu ngạch.
Theo anh D., giá vận chuyển chính ngạch đi đường bộ khoảng 5.000-7.000 đồng/kg hoặc 750.000-1.000.000 đồng/m3, chưa bao gồm thuế nhập khẩu VAT và phí CO-CQ.
"Vận chuyển chính ngạch đường biển rẻ hơn đi đường bộ nhưng nếu trong tình hình khó khăn thì giá cước cũng sẽ tăng vì mất thêm phụ phí, khó thuê tàu", anh D. cho hay.
Hàng hóa đi đường tiểu ngạch thậm chí còn đang tăng giá gấp đôi. Theo tìm hiểu của phóng viên trong các hội nhóm vận chuyển hàng Trung Quốc, mức cước đi tiểu ngạch đã tăng gấp 2-3 lần từ 20.000-29.000 đồng/kg lên 60.000 đồng/kg.
Theo tiết lộ của một người chuyên vận chuyển hàng tiểu ngạch, giá cước tăng quá cao khiến dân buôn Việt Nam đang tạm dừng nhập hàng nhiều. Hàng hóa hiện đang lưu kho tại Trung Quốc vô cùng lớn.
"Chỉ khoảng 10-20% khách hàng chấp nhận tăng giá để đi đường biển", người này nói và thông tin thêm, vận chuyển tiểu ngạch không có hợp đồng do không đủ tính pháp lý. Do đó, giá cước đều chỉ được thống nhất qua trao đổi. Khách hàng không chấp nhận tăng giá thì hàng vẫn sẽ lưu kho. Công ty vận chuyển chỉ bị đọng vốn và mất chi phí kéo hàng từ cửa khẩu ra cảng cho khách nào chấp nhận đi đường biển.
Đang làm tại một công ty vận chuyển hàng Trung Quốc, nhưng thời gian này anh D.L.V. (Hà Đông, Hà Nội) và nhân viên trong công ty thường xuyên đi câu để "giết" thời gian. Không có việc làm nên nhân viên như a V. chỉ nhận được lương cứng, không có lương doanh số. Nếu tình trạng trên kéo dài như những năm trước, anh V. có thể bị chậm cả lương cứng.
Tuy nhiên, anh V. nhận định, dịch bệnh không còn khó kiểm soát như trước đây. Những người trong nghề cũng nhận định khoảng một tháng nữa việc giao thương sẽ diễn ra bình thường trở lại.