Khi con không nghe lời, đừng vội chỉ trích chúng bởi lý do có thể bắt nguồn từ chính cha mẹ
Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 10:21, 16/03/2022
Trong quá trình nuôi dạy con cái, không ít bậc cha mẹ thường sử dụng phương pháp bạo lực để đạt được mục đích giáo dục. Nhưng nói một cách thẳng thắn, đó thực chất là việc cha mẹ không kìm hãm được sự tức giận trong khi dạy con, là cách họ tự giải tỏa bức xúc khi cảm thấy tình hình không ổn theo mong muốn của bản thân hoặc gặp bế tắc với con cái. Hành động này có thể mang lại hiệu quả nhất thời nhưng về lâu dài sẽ phải lĩnh hậu quả là sự xa cách và những tác động tiêu cực lên quá trình phát triển của con.
Vì thế, khi trẻ không nghe lời hay mắc lỗi lầm, cha mẹ nên bình tĩnh để tìm ra điểm mấu chốt là lý do của sự việc, từ đó mới có các phương án tương ứng khoa học và hiệu quả.
Vậy, tại sao trẻ không nghe lời?
① Ý thức chủ quan của trẻ tăng dần
Khi trẻ còn rất nhỏ, mặc dù ý thức chủ quan đã được hình thành nhưng chưa mạnh, phần lớn trẻ chỉ làm theo suy nghĩ, lời nói và việc làm của cha mẹ. Tuy nhiên, khi trẻ lớn hơn và lớn hơn, ý thức chủ quan của trẻ cũng dần tăng lên. Trẻ dần cảm thấy mình bị chi phối quá nhiều, mình nên kiểm soát hoàn toàn lời nói và việc làm của bản thân, mình nên được tự do và không nên bị cha mẹ quản thúc trong "giới hạn"… và như vậy, đã tạo ra các mức độ khác nhau của tâm lý nổi loạn.
② Cha mẹ thiếu sự tôn trọng nhất định đối với con cái
Hành vi nổi loạn của trẻ ở một mức độ nhất định là không tôn trọng cha mẹ, không tôn trọng sự giáo dục của cha mẹ, không tôn trọng lời nói và việc làm của cha mẹ, không tôn trọng sự cống hiến của cha mẹ,…. Và những hành vi thiếu tôn trọng cha mẹ này thực chất là những gì cha mẹ thể hiện với con cái.
Chẳng hạn, khi đối mặt trước một vấn mà cha mẹ và con cái có ý kiến khác nhau thì cha mẹ thường phủ nhận hoàn toàn suy nghĩ của con và nhất định hướng chúng, thậm chí là áp đặt chúng phải theo ý họ. Họ không cần hiểu ý kiến của trẻ và không bao giờ nghe lời giải thích của trẻ. Đó là sự thiếu tôn trọng con.
Ví dụ khác là một số cha mẹ thích xem nhật ký của con cái, và sau khi bị con cái phát hiện, thì họ lại ngụy biện rằng họ là cha mẹ, và con cái của họ không có quyền riêng tư trước mặt họ... Hay một hiện tượng phổ biến nữa là khi cha mẹ đưa con đi chơi, họ thường nói con mình là "con nít" trước mặt người khác, điều này thực sự tạo ra ấn tượng không tôn trọng trẻ và chẳng đứa trẻ nào thích điều đó.
Một khi cha mẹ không tôn trọng con cái, thì trẻ sẽ không thể học cách tôn trọng mọi người, và hành vi nổi loạn sẽ tự nhiên xảy ra. Bởi vì trẻ em không biết chúng cần phải tôn trọng cha mẹ của chúng.
③ Con cái thấy một số lời nói, việc làm của cha mẹ là sai trái
Trong suy nghĩ của nhiều đứa trẻ, cha mẹ như một đấng toàn năng, cha mẹ luôn luôn đúng đắn và công bằng, là tình yêu thiêng liêng bất khả xâm phạm trong lòng chúng. Tuy nhiên, càng lớn dần lên, thỉnh thoảng con cái lại thấy rằng có những sai lầm ở cha mẹ, cha mẹ chưa hoàn toàn đúng, có khi cha mẹ cũng không hiểu biết bằng chính mình.
Điều này sẽ nhanh chóng làm giảm uy tín của cha mẹ trong mắt trẻ. Từ đó, chúng sẽ không chỉ thắc mắc về những hành vi sai trái của cha mẹ mà còn có những nghi ngờ, phủ nhận về các hành vi chúng cho là đúng đắn trước đây. Loại tình huống này chính là một loại hành vi phản nghịch trong mắt cha mẹ.
Hậu quả của sự không vâng lời ở trẻ là gì?
Sự không vâng lời của trẻ không phải là tất cả đều cố ý nhưng đều dẫn đến những hành vi nổi loạn và mang lại khủng hoảng trong quá trình trưởng thành của chúng. Hậu quả là:
◆ Mất cơ hội tốt nhất để được dạy
Thời thơ ấu là thời kỳ trẻ được giáo dục tốt nhất, trẻ có sức học mạnh nhất, hiệu quả học tập cao nhất. Vì vậy, về cơ bản mọi giáo dục đều tập trung vào thời thơ ấu của trẻ như giáo dục văn hóa, giáo dục giác ngộ, giáo dục gia đình...
Ở giai đoạn này, nếu trẻ có thể nhận được sự giáo dục đúng đắn với một thái độ tốt thì trẻ sẽ được lợi nhiều nhất, giúp trẻ trở thành một đứa trẻ gần như hoàn thiện. Tuy nhiên, nếu trẻ hoàn toàn nổi loạn và không muốn chấp nhận sự giáo dục từ người khác, thì trẻ sẽ không học được những kiến thức và kinh nghiệm từ họ, do đó hiệu quả tăng trưởng của trẻ sẽ giảm đi rất nhiều. Cơ thể trẻ vẫn lớn lên từng ngày, nhưng kiến thức, cái nhìn sâu sắc, tư duy,… sẽ không tăng lên cùng với nó và trẻ có nguy cơ trở thành "em bé khổng lồ".
◆ Dễ hình thành những ý tưởng và nhận thức sai lầm
Các khái niệm và nhận thức của trẻ đang ở giai đoạn trống khi chúng còn nhỏ. Trẻ cần từ từ tiếp thu các khái niệm và yếu tố nhận thức chính xác từ sự giáo dục của cha mẹ và nhà trường. Tuy nhiên, nếu trẻ nổi loạn và không được dạy dỗ đúng cách, chúng sẽ từ chối tiếp thu các nội dung kiến thức mà bố mẹ hay thầy cô đưa ra.
Vì trẻ chưa có cái nhìn đúng sai chuẩn xác nên trẻ có thể tự xây dựng ý tưởng và nhận thức sự việc dựa trên suy nghĩ chủ quan của mình mà từ chối sự giám sát của bố mẹ. Nhưng rõ ràng, nhận thức chủ quan và khái niệm của trẻ không chính xác, vì đây không phải là thế giới chủ quan, mà là thế giới khách quan, trẻ không thể có được những khái niệm và nhận thức đúng đắn nếu chỉ dựa vào phỏng đoán của bản thân.
◆ Tính cách sẽ bị khiếm khuyết
Những đứa trẻ càng nổi loạn sẽ càng gặp nhiều yếu tố tiêu cực trong cuộc sống và quá trình học tập, vì trong đầu những đứa trẻ này chứa đầy những “sự từ chối”.
Khi thường xuyên chìm đắm trong những cảm xúc, tâm lý, suy nghĩ tiêu cực, nhân cách của trẻ sẽ có sự lệch lạc lớn hơn, từ đó không hình thành được nhân cách đúng đắn mà còn sinh ra những khiếm khuyết về nhân cách.
Áp dụng “hiệu ứng bên thứ 3” để giải quyết mâu thuẫn, tăng cường mối quan hệ cha mẹ - con cái
Theo các chuyên gia tâm lý, con người tồn tại trong các mối quan hệ, và môi trường của cuộc sống cá nhân bao gồm các mối quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp khác nhau. Vì vậy, cha mẹ phải biết sử dụng “hiệu ứng bên thứ ba” để nâng cao mối quan hệ cha mẹ - con cái và củng cố tác dụng của giáo dục gia đình.
Khi cha mẹ giáo dục con cái, cho dù đó là vì con cái không vâng lời và không được dạy dỗ, hay cha mẹ giáo dục quá mức, sự xuất hiện của bên thứ ba phải nhằm mục đích xoa dịu xung đột, giảm mâu thuẫn chứ không phải làm trầm trọng thêm chúng. Ví dụ, bố hứa cuối tuần cho bé đi chơi vào cuối tuần nhưng lại có việc đột xuất không đi được. Khi đó, trẻ sẽ rất tức giận và thất vọng, kể cả bố giải thích ra sao cũng không hết ấm ức.
Lúc này, thay vì đổ thêm dầu vào lửa như mắng mỏ, giáo huấn con, mẹ có thể tham gia xoa dịu trẻ bằng những câu nói nhẹ nhàng như: “Bố bận thật nên mới không đi được, tuần sau chúng ta sẽ đi bù nhé”. Điều này không chỉ khiến bố bớt căng thẳng mà còn an ủi bé phần nào.
Theo V.K - Vietnamnet