Chưa kịp vui đã thất vọng, khách quốc tế ra sân bay đến Việt Nam lại về
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 09:46, 16/03/2022
Niềm vui kèm thất vọng
Chuyến bay SQ192 của hãng Singapore Airlines từ Singapore đến Hà Nội hạ cánh trưa 15/3, chở theo 52 hành khách quốc tế. Lẽ ra, lượng khách còn đông hơn nhiều, song do những quy định còn thiếu, chậm, chưa rõ ràng về chính sách thị thực và y tế khiến chúng ta vuột mất.
Tại Hội nghị triển khai mở cửa du lịch quốc tế an toàn, hiệu quả diễn ra tối 15/3, do Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ VH-TT&DL tổ chức, ông Mai Phước Dũng, Đại sứ Việt Nam tại Singapore, chia sẻ câu chuyện này trong sự nuối tiếc.
Ông Dũng cho hay, Singapore là nước nhỏ nhưng số người nước ngoài, người dân Sing đi du lịch lớn. Họ rất mong chờ thông tin mở cửa du lịch Việt Nam từ 15/3. Nhưng niềm vui đi kèm thất vọng. Chúng ta công bố mở cửa, vậy mà việc ban hành chính sách chậm trễ, tới sáng 15/3 mới có thông tin về việc miễn visa cho công dân 13 nước, hướng dẫn về y tế thì chưa có, khiến vị khách Singapore đã ra sân bay định đến Việt Nam rồi lại phải quay về.
Chuyến bay của Singapore Airlines chở 52 vị khách quốc tế tới VN (ảnh NIA) |
“Rất nhiều doanh nhân, nhà đầu tư và người dân Singapore hai năm qua chờ đợi để được quay lại Việt Nam làm việc, tìm kiếm cơ hội đầu tư, làm ăn và tham quan”, ông Dũng nói.
Doanh nhân Đài Loan cũng là đối tượng khách đang muốn trở lại Việt Nam. Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc, ông Vũ Tiến Dũng, cho hay, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn duu khách Đài Loan với gần 1 triệu lượt khách (2019), trong đó có nhiều doanh nhân.
Ông nhận xét, khó khăn lớn nhất hiện nay là Đài Loan quy định phòng chống dịch chặt chẽ, người nhập cảnh phải cách ly 10 ngày, 7 ngày sau đó tự kiểm tra sức khỏe. Do đó, khi đi du lịch về sẽ rất ngại. Việt Nam mở cửa, ban đầu sẽ chưa có khách, nhưng riêng doanh nhân Đài Loan muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư thì họ sẽ đi ngay. Theo ông, năm 2021, vốn đầu tư của Đài Loan vào Việt Nam giảm rõ rệt, lý do chính cũng là bởi các nhà đầu tư không thể đến được.
Nhu cầu đi du lịch của khách quốc tế tại các thị trường trọng điểm khác của Việt Nam cũng rất lớn.
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, ông Nguyễn Quốc Dũng cho biết, qua khảo sát, có tới 80% người Mỹ được hỏi muốn đi du lịch ngay trong 6 tháng tới. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là CDC Mỹ vừa nâng cấp độ dịch tại Việt Nam lên cấp 4 và khuyến cáo công dân Mỹ không đi du lịch Việt Nam.
Còn đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp thông tin, với 49 triệu khách đi du lịch/năm, chi tiêu tới 60 tỷ USD. 3/4 trong số đó sẵn sàng đi du lịch ngoài châu Âu, tới châu Á, tất nhiên có Việt Nam.
Phương án mở cửa lại hoạt động du lịch đang chờ ý kiến cuối cùng của Bộ Y tế |
Tại Ấn Độ, Đại sứ Phạm Sanh Châu chia sẻ, quốc gia này có 25 triệu người đi du lịch. Họ rất muốn tới Việt Nam, đặc biệt sau khi một số tỷ phú Ấn Độ chọn tổ chức đám cưới tại Đà Nẵng, Phú Quốc và khi Vietjet Air, Indigo mở đường bay thẳng giữa hai nước.
Đáng lưu ý, toàn bộ phần thưởng cuối năm các DN Ấn Độ thường tổ chức cho nhân viên đi du lịch, ông Châu cho rằng phía lữ hành Việt Nam cần tiếp cận trực tiếp các tập đoàn này mà không cần qua đại lý du lịch.
Chính sách phải thống nhất, thông thoáng
Để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, vấn đề được nhiều đại sứ, đại diện các DN quan tâm là cần có một chính sách thống nhất, đồng bộ, rõ ràng. "Một chủ trương nhất quán từ TƯ đến địa phương, sớm công bố rộng rãi tới các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các hãng hàng không, lữ hành; đặc biệt tránh thay đổi đột ngột là vô cùng cần thiết" - Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh.
Theo bà Phạm Thị Nguyệt, Trưởng ban Tiếp thị bán sản phẩm Vietnam Airlines, du lịch không thể ngày một ngày hai có thể có khách, cần dựa vào thị trường và tập tính của khách. Với đường bay ngắn, thị trường gần thì 1-3 tháng; đường bay dài, thị trường xa thì 5-6 tháng.
Bà kiến nghị cần sớm có văn bản rõ ràng về mở cửa, mở cửa toàn diện, mở cửa nhất quán, mở cửa ổn định. Đại diện hãng bay này cũng tha thiết kiến nghị bỏ quy định cách ly, đơn giản quy định xét nghiệm.
Bà Trần Nguyện, Giám đốc Kinh doanh Sun World, đề xuất cần có ngay quy định y tế rõ ràng để du lịch phục hồi nhanh nhất. Quy định 5K nên rút ngắn còn 2K, chỉ cần khẩu trang và khai báo y tế. Đồng thời, nên nới thời gian cho khách lên 30 ngày với các quốc gia được miễn thị thực.
Hội nghị triển khai mở cửa du lịch quốc tế an toàn, hiệu quả |
Tại hội nghị, các DN cũng đề xuất thống nhất một thông điệp trọn vẹn của du lịch Việt Nam. Ông Nguyễn Mạnh Quân, Phó Tổng giám đốc Thường trực Bamboo Airways, cho rằng, đó là thông điệp quốc gia về cạnh tranh điểm đến, đi trước đón đầu.
Với từng thị trường cụ thể, các đại sứ cũng đưa ra những kiến nghị khác nhau. Đơn cử, Autralia - thị trường quan trọng lớn thứ 5, với 500.000-600.000 khách đến Việt Nam mỗi năm, Đại sứ Nguyễn Tất Thành lưu ý thủ tục nhập cảnh cần hết sức đơn giản, càng đơn giản càng tốt. Ngành Du lịch cũng cần có chính sách quảng bá, tiếp thị một cách mạnh mẽ hơn nữa tại thị trường này.
Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, ông Vũ Hoàng Nam, cho hay nước này đã mở nhưng chưa hoàn toàn, nếu đến Việt Nam du lịch về phải cách ly 3 ngày. Chính phủ Nhật cũng chưa khuyến khích du lịch, tụ tập đông người nên khó triển khai các tour lớn do DN lữ hành tổ chức.
Chưa kể, thói quen của người Nhật thường đi du lịch tập thể, qua các công ty lữ hành; do đó, ông Nam đề xuất Tổng cục Du lịch nên khuyến nghị các DN tiếp cận với các đối tác để chuẩn bị kế hoạch dài hơn, từ 2-3 tháng, kỳ vọng từ tháng 6-8 khi Nhật có kỳ nghỉ hè dài, khách sẽ đông. Hơn nữa, Nhật cũng có chính sách kích cầu người dân đi du lịch nên Việt Nam cần đàm phán với đối tác để có các gói tour giá rẻ, hút khách.
Đại sứ Mai Phước Dũng thì kiến nghị trong quy trình nhập cảnh, Việt Nam nên áp dụng như Singapore hiện nay, tức chỉ cần khách có kết quả xét nghiệm âm tính, không phải cách ly. Ngoài ra, ông Vũ Tiến Dũng cho rằng cần sớm khôi phục thẻ Doanh nhân APEC, vốn bị tạm dừng do Covid, để các nhà đầu tư đi lại thuận tiện hơn.
Ngọc Hà