Ai có nguy cơ mắc ung thư dạ dày?
Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 08:00, 15/03/2022
PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (BV Bạch Mai), ung thư dạ dày là một trong số những loại ung thư thường gặp nhất trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Theo thống kê của GLOBOCAN năm 2020, đây là loại ung thư đứng hàng thứ tư ở nước ta với hơn 17900 người được chẩn đoán và hơn 14600 người tử vong.
Ung thư dạ dày có thể gặp ở mọi đối tượng, tuy nhiên, những người có yếu tố sau nguy cơ mắc sẽ cao hơn, cần thực hiện khám sức khỏe, tầm soát ung thư dạ dày theo khuyến cáo.
- Tuổi cao: Hầu hết các trường hợp ung thư dạ dày gặp ở người cao tuổi. Ví dụ ở Hoa Kỳ, theo thống kê của Hiệp hội ung thư quốc gia, 60% số bệnh nhân được chẩn đoán ung thư dạ dày ≥65 tuổi. Hay ở Nhật Bản, từ năm 2015, tất cả người từ 50 tuổi trở lên đều được khuyến cáo nội soi dạ dày kiểm tra mỗi 2 đến 3 năm. Ở Việt Nam gần đây ung thư dạ dày có xu hướng trẻ hóa, nhiều bệnh nhân được phát hiện bệnh ở lứa tuổi trẻ hơn.
- Giới: Theo thống kê của GLOBOCAN năm 2020 ở Việt Nam, tỷ lệ mắc ung thư dạ dày ở nam cao hơn so với ở nữ khoảng 2 lần.
- Những người có người thân mắc ung thư dạ dày: Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những người có bố mẹ hoặc anh chị em ruột mắc ung thư dạ dày có nguy cơ bị ung thư dạ dày gấp 2-10 lần những người không có người thân mắc bệnh.
- Những người có yếu tố nguy cơ như nhiễm H. pylori, ăn chế độ ăn nhiều muối hoặc thực phẩm có chứa hợp chất nitroso hoặc người bị béo phì, hút thuốc lá, viêm dạ dày mạn tính, đều tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày.
Vì thế, nếu là người có một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ trên, bạn nên đi khám sức khỏe định kỳ, trong đó có tầm soát ung thư dạ dày. Việc phát hiện sớm ung thư dạ dày cho phép điều trị hiệu quả, thậm chí ở giai đoạn rất sớm, bác sĩ có thể can thiệp hớt lớp niêm mạc dạ dày bằng phương pháp nội soi, giảm nguy cơ phải phẫu thuật, cắt bỏ dạ dày, điều trị tốn kém mà hiệu quả không cao khi bệnh đã ở giai đoạn muộn.