Tin thế giới 15/3: Hai kịch bản cho đàm phán Nga-Ukraine; Kinh tế Nga trên bờ vực ‘kiệt quệ’? Trung Quốc khẳng định lập trường vững vàng
Đối ngoại - Ngày đăng : 21:17, 15/03/2022
Nga tiếp tục lại phải hứng chịu hàng loạt các đòn trừng phạt mới từ các nước phương Tây. |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Mỹ tung gói trừng phạt mới vào các quan chức Nga
Ngày 14/3, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo nước này sẽ trừng phạt 11 quan chức quốc phòng Nga, trong đó bao gồm 8 thứ trưởng bộ này.
Trong số này có Tư lệnh Vệ binh Quốc gia Nga, Đại tướng Viktor Zolotov, Giám đốc Cơ quan hợp tác kĩ thuật quân sự liên bang Nga Dmitry Shugayev, Giám đốc điều hành Tập đoàn xuất nhập khẩu vũ khí nhà nước (Rosoboronexport) Alexander Mikheyev.
Tám Thứ trưởng Quốc phòng Nga thuộc diện trừng phạt là các ông Alexey Krivoruchko, Timur Ivanov, Yunus-Bek Evkurov, Dmitry Bulgakov, Yury Sadovenko, Nikolay Pankov, Ruslan Tsalikov và Gennady Zhidko.
11 quan chức này sẽ bị phong tỏa tài sản tại Mỹ. Các công dân và doanh nghiệp Mỹ cũng bị cấm kinh doanh với những người này. (TASS)
Anh hạn chế xuất khẩu sang Nga
Ngày 15/3, Anh cho biết nước này sẽ cấm xuất khẩu hàng xa xỉ sang Nga và áp đặt mức thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu trị giá 900 triệu bảng Anh (1,2 tỷ USD) của Nga, bao gồm cả rượu vodka.
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak nhấn mạnh: "Các mức thuế quan mới của chúng tôi sẽ tiếp tục cô lập nền kinh tế Nga khỏi hoạt động thương mại toàn cầu, đảm bảo nền kinh tế Nga không được hưởng lợi từ hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ mà nước này không tôn trọng". (Reuters)
Nga tạm thời cấm xuất khẩu đường và ngũ cốc
Ngày 14/3, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã ký sắc lệnh cấm xuất khẩu đường trắng và đường thô, đồng thời cấm xuất khẩu lúa mì, lúa mạch đen, lúa mạch và ngô tới các quốc gia láng giềng trong Liên minh Kinh tế Á - Âu. Hai lệnh cấm này lần lượt có hiệu lực đến ngày 31/8 và 30/6.
Động thái trên được triển khai "nhằm bảo vệ thị trường thực phẩm nội địa trước những hạn chế từ bên ngoài", Chính phủ Nga khẳng định. (Bloomberg)
Mỹ: Nền kinh tế Nga đã ‘nát’
Trả lời báo giới ngày 14/3, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nhấn mạnh rằng hậu quả của các lệnh trừng phạt đã khiến Nga và nền kinh tế Nga trên bờ vực sụp đổ.
Bà Psaki nói: "Kết cục của trò chơi này sẽ như thế nào? đây là câu hỏi dành cho Tổng thống Nga Vladimir Putin. Chúng tôi đã hoàn toàn nghiền nát nền kinh tế của ông ấy. Chúng tôi đã cung cấp hỗ trợ quân sự và nhân đạo cho người Ukraine, cho họ cơ hội kháng cự lâu hơn so với những gì mà Nga dự tính". (Reuters)
Xung đột Nga-Ukraine:
Nga nêu chiến lược ở Ukraine
Ngày 14/3, phát biểu với truyền thông, Người Phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Tổng thống Vladimir Putin đã ra lệnh kiềm chế tấn công ngay lập tức vào các thành phố của nước này, bao gồm Kiev. Mục đích của việc trên là để ngăn thiệt hại nặng nề cho dân thường.
Ông bác bỏ cáo buộc của chính quyền Ukraine về việc Nga pháo kích bừa bãi vào các thành phố và nhấn mạnh rằng quân đội Nga “đang dùng các loại vũ khí chính xác cao hiện đại, chỉ tấn công các cơ sở hạ tầng thông tin và quân sự”.
“Khi bắt đầu chiến dịch, Tổng thống Nga đã thực sự chỉ thị cho Bộ Quốc phòng không được tấn công ngay lập tức vào các khu định cư lớn, bao gồm Kiev, vì các lực lượng dân tộc chủ nghĩa có vũ trang đang trang bị các điểm bắn, triển khai các thiết bị quân sự hạng nặng ngay trong các khu dân cư, và giao tranh ở những khu vực đông dân cư chắc chắn sẽ dẫn đến thiệt hại nặng nề cho dân thường” – ông Peskov nói. (RT)
Ukraine dự báo 2 kịch bản trong vòng đàm phán thứ 4 với Nga
Ngày 15/3, Cố vấn Tổng thống Ukraine, ông Oleksiy Arestovych khẳng định rằng, cuộc xung đột đang ở giai đoạn có tính bước ngoặt.
Ukraine đang đứng trước 2 lựa chọn: hoặc là tiến tới một thỏa thuận với Nga, hoặc sẽ phải đối mặt với một cuộc tấn công mới và sau đó hai bên sẽ tiếp tục đàm phán.
Trong khi đó, Điện Kremlin cho rằng còn quá sớm để đưa ra dự đoán về kết quả có thể đạt được trong các cuộc hội đàm giữa Nga và Ukraine.
Phát biểu với các phóng viên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: "Việc này rất khó và trong tình hình hiện tại, các cuộc đàm phán đang tiếp diễn có lẽ đã là điều tích cực. Chúng tôi không muốn đưa ra dự đoán. Chúng tôi chờ kết quả".
Ông Peskov cho biết Nga rất thất vọng khi các quan chức phương Tây không đưa ra tuyên bố công khai nào về vụ sát hại hơn 20 người ở thành phố Donetsk do phe ly khai kiểm soát ở miền Đông Ukraine. (Reuters/TASS)
Tổng thống Ukraine: Binh sĩ Nga nên buông vũ khí đầu hàng
Trong video được tung lên mạng mới đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi các binh sĩ Nga đang tham gia chiến dịch quân sự tại nước này nên buông súng và đầu hàng.
"Thay mặt cho người dân Ukraine, chúng tôi cho các bạn một cơ hội sống. Nếu các bạn đầu hàng trước lực lượng của chúng tôi, chúng tôi sẽ đối xử với các bạn như cách con người đối xử với nhau - với sự tôn trọng. Hãy lựa chọn", ông Zelensky tuyên bố cứng rắn.
Theo lời ông Zelensky, chiến dịch quân sự mà Moscow đang tiến hành tại Ukraine là cơn ác mộng đối với lực lượng Nga. Tổng thống Ukraine nói nhiều binh sĩ Nga đang chạy khỏi chiến trường, để lại vũ khí và thiết bị quân sự cho lực lượng Ukraine.
Ông Zelensky cũng tiết lộ thiệt hại của quân đội Nga tại Ukraine: “Lực lượng của chúng tôi tiếp tục gây ra cho quân đội Nga những tổn thất nặng nề. Không lâu nữa, số trực thăng của Nga bị bắn rơi sẽ lên tới 100 chiếc. Họ đã mất 80 máy bay quân sự, hàng trăm xe tăng cùng hàng nghìn phương tiện và thiết bị quân sự khác." (The Guardian)
Lãnh đạo 3 nước NATO đến thăm Ukraine
Ngày 15/3, lãnh đạo các nước Ba Lan, Cộng hòa Czech và Slovenia tuyên bố sẽ đến thăm Ukraine nhằm thực thi sứ mệnh của Liên minh châu Âu (EU) là bày tỏ sự ủng hộ với Ukraine.
Thủ tướng Cộng hòa Czech Petr Fiala nói: "Mục đích của chuyến thăm là bày tỏ sự ủng hộ rõ ràng của EU với Ukraine cũng như quyền tự do và độc lập của đất nước này".
Đi cùng với ông Fiala là Thủ tướng Slovenia Janez Jansa, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki và ông Jaroslaw Kaczynski - Phó Thủ tướng Ba Lan phụ trách an ninh, lãnh đạo đảng bảo thủ cầm quyền. (Reuters)
Quan chức cấp cao Mỹ-Trung hội đàm
Ngày 14/3, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì đã hội đàm với Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan tại thủ đô Rome (Italy). Đây là cuộc hội ngộ đầu tiên giữa hai quan chức này kể từ cuộc gặp ở Zürich vào tháng 10/2021 nhằm xoa dịu những căng thẳng sau cuộc trao đổi ở Alaska vào đầu năm 2021.
Trong cuộc gặp kéo dài 7 giờ đồng hồ, ông Dương Khiết Trì và ông Sullivan đã thảo luận về một loạt vấn đề đang gây chia rẽ giữa hai nước.
Trong đó, chủ đề trọng tâm được nhắc tới là tình hình chiến sự tại Ukraine, cùng với việc Mỹ phát lời cảnh báo Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng nếu có động thái hậu thuẫn Nga trong chiến dịch quân sự ở nước láng giềng.
Theo Tân Hoa xã, tại cuộc hội đàm, ông Dương Khiết Trì đã nêu rõ quan điểm của Bắc Kinh đối với tình hình hiện nay tại Ukraine. Trung Quốc luôn tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước, tuân thủ các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc.
Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng ủng hộ các cuộc hòa đàm giữa Nga và Ukraine để sớm đạt được các kết quả thực chất, giúp hạ nhiệt căng thẳng. (Reuters/THX)
Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh bị bóp méo lập trường
Ngày 15/3, Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Tây Ban Nha Joss Manuel Albares.
Tại cuộc điện đàm, ông Vương Nghị nêu rõ: “Từ ngày đầu tiên bùng lên khủng hoảng Ukraine, chúng tôi đã và đang sử dụng cách của mình để thúc đẩy các cuộc đối thoại với tư cách là một trong năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”.
“Khủng hoảng Ukraine là kết quả từ sự tích tụ xung đột an ninh tại châu Âu. Trung Quốc hối thúc Nga – Ukraine ngừng bắn và cũng mong muốn chứng kiến những cuộc đối thoại công bằng, hòa bình giữa Nga và châu Âu”, ông Vương nói thêm và bày tỏ kỳ vọng Tây Ban Nha có thể góp phần giải quyết vấn đề này”, SCMP trích lời Ngoại trưởng Vương Nghị.
Lãnh đạo Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc “một số thế lực” đã bóp méo lập trường rõ ràng và công bằng của Bắc Kinh về vấn đề Ukraine, đưa ra những thông tin không chính xác dù không nêu cụ thể đó là thế lực nào.
Tuy nhiên, phía Tây Ban Nga chỉ phát thông cáo với 1 dòng duy nhất, dẫn lời ông Albares cho biết: “Tôi đã trao đổi với người đồng cấp tại Trung Quốc Vương Nghị về những hậu quả từ cuộc chiến tại Ukraine và những phương thức để chấm dứt cuộc xung đột này”. (SCMP)