Phụ huynh cần làm gì để bảo vệ con trên không gian mạng?

Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 17:23, 15/03/2022

Câu chuyện ồn ào mấy hôm nay của vợ một nghệ sĩ và con trai xung quanh việc sử dụng mạng xã hội, một lần nữa đặt ra vấn đề phụ huynh làm gì để bảo vệ con trên không gian mạng?

Vợ của nghệ sĩ nổi tiếng này tâm sự: "Các bác kiểm tra tài khoản Facebook của các con các bác đi. Ối thứ bất ngờ. Em cho out hết, 2 con điện thoại cũng cho nát. Rất nhiều thành phần xấu lôi kéo con vào nhóm xấu". Vụ việc ngay lập tức gây chú ý.
Theo thông tin chia sẻ, cậu bé đã bị dụ vào nhóm tin nhắn có chứa hình ảnh nhạy cảm và điều này khiến cho người mẹ vô cùng lo lắng sợ thành phần xấu lôi kéo con mình.

Câu chuyện này khiến nhiều phụ huynh giật mình và băn khoăn cần làm gì để bảo vệ con trên không gian mạng khi trẻ vị thành viên tiếp xúc sớm với công nghệ, dễ tiếp cận thông tin xấu.

Theo bà Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững MSD, trong các trường hợp cụ thể, phụ huynh có thể trực tiếp tham gia không gian số cùng trẻ vị thành niên (trên thực tế, đã có nhiều người lớn thực hiện).

Việc cùng con em thực hiện các thử thách, quay video, khám phá ứng dụng… sẽ mang lợi ích tốt. Bằng cách đó, cha mẹ sẽ nhận được sự tin tưởng từ con cái, gia tăng sự thân mật của gia đình trên không gian mạng. Không thể kiểm soát 100%, nhưng với phương pháp này, con trẻ phần nào sẽ mở lòng hơn với bố mẹ, và chủ động chia sẻ các khó khăn.

khong-gian-mang.jpeg
Ảnh minh họa

Còn theo PGS.TS Trần Thành Nam (ĐHQG Hà Nội): “Phụ huynh nên trang bị năng lực an toàn thông tin để bảo vệ con trước những nguy cơ trên mạng. Nhiều người vô tư đưa hình ảnh, thông tin cá nhân của con, người thân lên mạng mà không hiểu rằng điều này có thể là nguy cơ mất an toàn rất lớn.

Nhiều người cố tình đưa những hình ảnh xấu xí, trải nghiệm xấu hổ lên chỉ để cho vui mà không quan tâm đến lòng tự trọng, cảm xúc khó chịu của con. Sau này, con sẽ càng giấu giếm để tự tìm hiểu các vấn đề mình muốn quan tâm mà phụ huynh khó phát hiện”.

Ngoài những phương pháp can thiệp trực tiếp trên không gian số, cha mẹ có thể giúp con cái giảm tải thời gian phụ thuộc vào thiết bị điện tử bằng cách giữ con “bận rộn” bằng các hoạt động bên ngoài, như: dọn dẹp nhà cửa, tưới cây, chơi thể thao (cùng con hoặc đưa con đến các CLB), đi mua sắm… Ngay cả trong bối cảnh đại dịch, các công việc nhà vẫn hoàn toàn có đủ để giúp con phân tán khỏi Internet.

Theo TS. Vũ Việt Anh - Giám đốc Học viện Thành Công, ranh giới giữa việc dạy con và việc xâm phạm quyền riêng tư trên không gian mạng của con cái rất mong manh.

“Để tránh được trường hợp đó, mỗi gia đình cần có gia quy rõ ràng. Như xưa các cụ hay dạy là ‘Quốc có quốc pháp, gia có gia quy’, quy định này sẽ được lập từ cả bố mẹ, con cái cùng đưa ra ý kiến và quyết định. Chúng ta sẽ dùng quy định chung đó để mà hành xử và tuân theo.

Như ở gia đình tôi, các con được dùng điện thoại hay máy tính nhưng sẽ sử dụng theo khung giờ. Nếu trường hợp bố mẹ đến kiểm tra đột xuất thì các con không được phép chuyển sang màn hình khác, hoàn toàn phải giữ nguyên hiện trạng thông tin mình đang xem để thể hiện tính trung thực”, TS. Vũ Việt Anh chia sẻ thêm.

MINH AN (t/h)