Đã đến lúc Ấn Độ đóng vai trò lớn hơn ở Biển Đông

Đối ngoại - Ngày đăng : 16:09, 15/03/2022

Trong bài viết trên Asia Times, TS. Lakhvinder Singh* cho rằng Ấn Độ cần đi đầu trong việc xây dựng một cơ chế an ninh tập thể mới ở Biển Đông.
Đã đến lúc Ấn Độ đóng vai trò lớn hơn ở Biển Đông
Theo chuyên gia, Ấn Độ cần thể hiện cách tiếp cận thực tế và thực dụng hơn ở Biển Đông. (Nguồn: PTI)

TS. Lakhvinder Singh nhận định rằng, hiện tại, không có quốc gia nào trong khu vực có thể ngăn cản bước tiến của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trung Quốc đã và đang xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự mới như các sân bay mới và triển khai máy bay chiến đấu, máy bay ném bom chiến lược và hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa.

Ngoài việc triển khai lực lượng dân quân hàng hải, ngư dân được huấn luyện quân sự và lực lượng bảo vệ bờ biển được trang bị vũ khí, Trung Quốc cũng đang mở rộng quy mô và tốc độ của các hoạt động cải tạo đất...

Theo nhà địa chiến lược trên, trong khi Mỹ bận rộn ở châu Âu, các bên tranh chấp ở Biển Đông sẽ phải vạch ra chiến lược của riêng mình để duy trì hòa bình và an ninh khu vực.

Nỗ lực tăng cường sự hiện diện

Là một trong những nền kinh tế lớn nhất và nền dân chủ hàng đầu ở châu Á, Ấn Độ cũng sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi sự bành trướng của Trung Quốc trong khu vực.

Do đó, Ấn Độ không thể ngồi yên trước những hoạt động xâm lấn chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc ở Biển Đông. Chuyên gia Lakhvinder Singh cho rằng, đã đến lúc Ấn Độ cần đi đầu trong việc xây dựng một cơ chế an ninh tập thể mới trong khu vực.

Ấn Độ đã áp dụng chính sách Láng giềng mở rộng và Hành động hướng Đông để củng cố phạm vi ảnh hưởng của mình trong khu vực.

Theo TS. Lakhvinder Singh, trái ngược với chính sách của Trung Quốc sử dụng đe dọa vũ lực để giải quyết tranh chấp với các nước trong khu vực, Ấn Độ đang thúc đẩy một trật tự dựa trên luật lệ, bao gồm việc duy trì Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) – một khuôn khổ luật biển quốc tế mà Trung Quốc không thừa nhận.

Hiện nay, Hải quân Ấn Độ ngày càng tăng cường hiện diện trong khu vực và thường xuyên thực hiện các chuyến thăm hữu nghị khi cập cảng các nước như Việt Nam, Philippines, Nhật Bản, Hàn Quốc và Malaysia.

Sự tự tin của Hải quân Ấn Độ ngày càng được thể hiện qua sự hiện diện của tàu thuyền về phía Đông đến Tây Thái Bình Dương.

Hồi năm 2021, Hải quân Ấn Độ đã điều 4 tàu, gồm một tàu khu trục tên lửa dẫn đường và một tàu khu trục tên lửa, tới Đông Nam Á, Biển Đông và Tây Thái Bình Dương.

Hải quân Ấn Độ cũng tiến hành các cuộc tập trận (PASSEX) với lực lượng hải quân của các nước khác trong khu vực để khẳng định chủ quyền của họ đối với những vùng lãnh hải này.

Các nước trong khu vực như Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Singapore là đối tác chủ chốt của Ấn Độ trong các cuộc tập trận này.

Trong nỗ lực mở rộng đối tác, Ấn Độ cũng đã mời Hàn Quốc tham gia các cuộc tập trận hải quân đa phương trong năm 2022. Việc sở hữu những cảng nước sâu ở Vịnh Campbell thuộc quần đảo Nicobar là một lợi thế của New Delhi trong công tác tiến hành giám sát và theo dõi tình hình ở Biển Đông.

Gần đây, Singapore đã nổi lên như một đối tác quan trọng của Ấn Độ trong việc tăng cường cam kết ở khu vực. Đảo quốc sư tử đã ký Thỏa thuận hợp tác quốc phòng (2003) và Thỏa thuận tập trận chung (2007) để hỗ trợ các hoạt động của Hải quân Ấn Độ ở Biển Đông.

Tập trận hàng hải Ấn Độ-Singapore (SIMBEX) diễn ra thường niên kể từ năm 1994, đang tạo ra một động lực lớn cho sự hiện diện của Hải quân Ấn Độ trong khu vực.

Cần cách tiếp cận thực dụng

Khi xung đột xảy ra ở châu Âu, Ấn Độ hiện phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Trước những động thái ngày càng hung hăng của Bắc Kinh, mức độ hiện diện hải quân hiện tại của New Delhi có thể không đủ mạnh để bảo vệ các tuyến giao thương hàng hải của mình trên Biển Đông.

Ngoài ra, Ấn Độ cũng phải lo lắng xoay xở cách thức bảo vệ và thúc đẩy an ninh ở Đông Ấn Độ Dương trước sự hiện diện quy mô lớn của Hải quân Trung Quốc ở các vùng biển lân cận.

Vì vậy, Ấn Độ phải thể hiện chủ nghĩa tích cực to lớn hơn nữa, cả về mặt ngoại giao và quân sự, mà không gây phương hại đến khả năng ứng phó của các nước trong khu vực và không kích động Trung Quốc đáp trả ở Nam Á.

Việc tìm cách xây dựng các cơ chế giải quyết xung đột đa phương nhằm xử lý các tranh chấp biên giới, đồng thời tránh để xảy ra xung đột ở Biển Đông và đảm bảo rằng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hoàn toàn phù hợp với các công ước liên quan của Liên hợp quốc là những thách thức to lớn đối với Ấn Độ.

New Delhi hiện cũng đang cố gắng đảm bảo các cuộc đàm phán khu vực về COC không gây phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia không tham gia vào các cuộc đàm phán này.

Xét đến thực tế là không một quốc gia nào trong khu vực có đủ năng lực quân sự để chống lại Trung Quốc, TS. Lakhvinder Singh cho rằng, Ấn Độ cần phải xây dựng và thông qua một cơ chế an ninh tập thể với các nước trong khu vực, đồng thời xác lập một cơ chế răn đe mạnh mẽ đối với Trung Quốc nhằm ngăn chặn bước tiến của Bắc Kinh đến Ấn Độ Dương.

Theo tác giả bài viết, thời của chủ nghĩa hòa bình và các chính sách hòa hoãn đối với Trung Quốc đã chấm dứt. Việc New Delhi tăng cường hợp tác hải quân với các nước khu vực là đáng khích lệ, song chưa đủ để ngăn chặn Bắc Kinh trong bối cảnh Trung Quốc nỗ lực uy hiếp các nước trên nhiều lĩnh vực.

Vì vậy, đã đến lúc Ấn Độ cần tập trung hơn nữa vào việc liên kết chính sách quốc phòng và an ninh với các nước trong khu vực ngoài các chính sách về tập trận hải quân.

Nhiệm vụ cấp bách lúc này là xây dựng những cơ chế và thể chế an ninh tập thể. Việc đạt được sự đồng thuận giữa các nước đóng vai trò rất quan trọng trong nỗ lực để xây dựng các thể chế an ninh tập thể cho khu vực.

Chuyên gia Lakhvinder Singh nhận định, Ấn Độ cần nỗ lực nhiều hơn vào việc thu hẹp sự khác biệt về chính sách với các nước khác và thấu hiểu được mối quan tâm và lo ngại của các nước khác trước sự bành trướng của Trung Quốc để có thể xây dựng được mối quan hệ đối tác hoạt động hiệu quả.

Do đó, New Delhi cần ưu tiên tăng cường xây dựng quan hệ hợp tác quân sự ngày càng sâu rộng trên tất cả khía cạnh, không chỉ các cuộc tập trận hải quân.

Trung Quốc đang sử dụng sức mạnh kinh tế của mình để thâm nhập sâu rộng vào các nền kinh tế trong khu vực trong khi sự hỗ trợ của Ấn Độ trên mặt trận này còn thấp và chủ yếu bằng lời nói.

Theo TS. Lakhvinder Singh, New Delhi cần bắt đầu chuẩn bị các gói ưu đãi đặc biệt cho các công ty Ấn Độ để khuyến khích họ đầu tư nhiều hơn vào các nước trong khu vực Biển Đông.

Cam kết kinh tế sâu hơn với khu vực là chìa khóa để đối trọng với sự hội nhập kinh tế của Trung Quốc với khu vực.

Tác giả bài viết cho rằng, đã đến lúc Ấn Độ đóng vai trò tích cực hơn trong việc xây dựng trật tự dựa trên luật lệ và xây dựng các thể chế giải quyết xung đột. Sự hỗ trợ của New Delhi đối với các nước trong khu vực đang nỗ lực đấu tranh pháp lý chống lại Trung Quốc tại tòa án quốc tế và các thể chế pháp lý khác cần được tăng cường đáng kể.

Những quyết định của New Delhi trong việc cung cấp công nghệ và hệ thống vũ khí hiện đại nhất dựa trên những tính toán kinh tế đơn thuần. Ấn Độ cần thay đổi tư duy này, theo đó, cần bắt đầu tính toán đến những lợi ích an ninh và chiến lược của mình.


* Giám đốc về nghiên cứu an ninh và hòa bình tại Viện châu Á ở Seoul, Hàn Quốc.

Hồng Phúc