Người nhiễm COVID-19 nhiều tuần đến nhiều tháng sau khi khỏi bệnh vẫn còn đối mặt với hàng loạt triệu chứng và di chứng kéo dài. Trong số đó, bệnh nhân có biểu hiện rối loạn tiêu hóa, đặc biệt là buồn nôn và nôn ói chiếm một số lượng không nhỏ.
1. Vì sao hậu COVID-19 lại gây buồn nôn và nôn?
Buồn nôn là cảm giác rất khó chịu (muốn nôn ra) do sự kích thích thần kinh vào trung tâm nôn ở hành tủy. Nôn là sự tống xuất mạnh chất chứa trong dạ dày do sự co thắt không tự chủ của cơ thành bụng khi cơ thắt tâm vị và cơ thắt thực quản dưới giãn. Buồn nôn và nôn là hai triệu chứng thường đi kèm với nhau.
Nguyên nhân có thể do:
- SARS-CoV-2 xâm nhập trực tiếp qua trung gian thụ thể ACE2 ở biểu mô đường tiêu hóa. Các nhà khoa học đã quan sát thấy cách SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm qua tế bào đường tiêu hóa của con người. Họ cũng phát hiện ra rằng chỉ cần một lượng nhỏ ACE2 đã có thể đủ cho sự xâm nhập của virus.
SARS-CoV-2 thường khu trú tại tế bào biểu mô tuyến dạ dày, tá tràng và trực tràng. Nếu hệ thống miễn dịch không đủ mạnh để đánh bại virus, SARS-CoV-2 sẽ tăng sinh nhanh chóng. Từ đó gây giảm số lượng ACE2 và phá hủy các tế bào của vật chủ. Trong khi đó, việc ACE2 giảm dẫn đến giảm khả năng bảo vệ cơ quan. Kết quả là, chức năng tiêu hóa bị tổn thương và tăng nhanh quá trình viêm từ đó gây buồn nôn và nôn nhiều.
- Phản ứng của hệ thống miễn dịch sẽ sản xuất các cytokine tiền viêm và chemokine. Đồng thời kích hoạt phản ứng tế bào T để loại bỏ virus trong trường hợp nhẹ. Tuy nhiên, trong những trường hợp nặng hơn, tổn thương mô do virus có thể kích hoạt các tế bào đơn nhân, đại thực bào và tế bào đuôi gai sản sinh quá nhiều cytokine tiền viêm, dẫn tới "cơn bão cytokine". Phản ứng viêm toàn thân này có thể làm tổn thương rất nhiều cơ quan và hệ thống trong cơ thể, bao gồm cả hệ tiêu hóa.
- Có thể do các dụng phụ trong điều trị COVID-19 như khi uống remdesivir.
- Đây là nguyên nhân phổ biến của nôn và buồn nôn hậu COVID-19: Bên cạnh sự khủng hoảng của hệ thống y tế, giãn cách xã hội kéo dài kèm theo gánh nặng kinh tế khiến cho bệnh nhân có nguy cơ cao gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Đặc biệt là những người dễ bị tổn thương như nhân viên y tế, trẻ em và người già. Mặc dù chưa có dữ liệu cụ thể, nhưng yếu tố tâm lý đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn đến các triệu chứng hậu COVID-19.