Nhiều giải pháp để ứng phó với hạn hán ở các tỉnh miền Trung: Linh hoạt trong ứng phó
Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 06:45, 15/03/2022
Các năm trước, Nghệ An là tỉnh chịu nhiều tác động của hạn hán không chỉ khiến cho ngành nông nghiệp mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều hoạt động kinh tế, sinh hoạt của người dân. Trước tỉnh hình đó, theo ông Đặng Văn Quyền - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Nghệ An, cho biết, ngay từ đầu năm, tỉnh Nghệ An đã xây dựng các phương án chi tiết, cụ thể để ứng phó với hạn hán năm 2022.
Để chủ động phòng chống hạn hán, đảm bảo cấp nước phục vụ sản xuất vụ Xuân năm 2022, Chi cục Thủy lợi Nghệ An đã xây dựng phương án tưới, tiêu phục vụ sản xuất vụ Xuân năm 2022, trong đó đề nghị các địa phương, đơn vị tiếp tục thực hiện tốt chủ trương phòng chống hạn hán, bảo đảm cấp nước phục vụ sản xuất và yêu cầu thực hiện tốt một số nội dung sau:
Xây dựng sớm phương án cấp nước phục vụ sản xuất vụ Xuân năm 2022. Trên cơ sở khả năng cân đối nguồn nước bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý; kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất và cấp nước khi nguồn nước thay đổi.
Phối hợp, sẵn sàng lấy nước và dự trữ vào hệ thống và trên ruộng đồng khi các nhà máy thủy điện xả nước tối đa phục vụ sản xuất; Chủ động gieo cấy đúng kế hoạch, không gieo cấy ở khu tưới của những hồ không đảm bảo đủ nước tưới suốt vụ.
Đẩy nhanh tiến độ tu sửa kênh mương, công trình, thiết bị cơ điện, nạo vét kênh dẫn, bể hút các trạm bơm, đảm bảo 100% công trình sẵn sàng vận hành phục vụ sản xuất.
Tập trung nạo vét, thông thoát hệ thống kênh tiêu bị bồi lấp, ách tắc, đảm bảo tiêu thoát nước kịp thời khi có mưa, lũ. Đồng thời, chủ động trữ nước trong nội đồng khi có thông tin thời tiết bất lợi về nguồn nước.
Các tỉnh miền Trung có hơn 2.000 hồ đập lớn nhỏ với dung tích hàng tỷ m3 nước. Theo báo cáo của các địa phương này thì đến tháng 3/2022 đã số các hồ chứa này đều tích đủ mực nước theo dự kiến để đá ứng nhu cầu tưới nước vào mùa khô hạn năm 2022.
Tại Quảng Bình, trên địa bàn tỉnh này hiện có 153 hồ chứa, 193 đập dâng thủy lợi. Tới thời điểm này, nguồn nước trữ tại công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh cơ bản bảo đảm phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh.
Tuy nhiên, để bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh vụ Đông Xuân 2021 - 2022, đồng thời tiết kiệm nước phục vụ sản xuất, dân sinh vụ Hè Thu năm 2022, ngay từ đầu vụ Đông Xuân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình đã có văn bản chỉ đạo tổ chức thực hiện các giải pháp bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh, như: Ưu tiên nguồn lực đầu tư sửa chữa, phục hồi các công trình thủy lợi, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung bị ảnh hưởng do các đợt mưa, lũ, bão trong năm 2021; chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi để nâng cao năng lực khai thác nguồn nước và hiệu quả khai thác công trình thủy lợi.
Xây dựng kế hoạch sản xuất, kế hoạch sử dụng nước vụ Đông Xuân 2021 - 2022 phù hợp với thực trạng nguồn nước. Trong đó, cần lưu ý xác định nguy cơ bị ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn chi tiết đến từng vùng, khu vực để có giải pháp cụ thể.
Các hồ đập lớn trên địa bàn tỉnh Nghệ An đều đảm bảo nguồn nước. Tuy nhiên, năm nay, hồ thuỷ điện Bản Vẽ không tích đạt dung tích thiết kế khi chỉ đạt cao trình khoảng 192m3/200m3, thấp hơn dung tích thiết kế trên 330 triệu m3. Vì thế, chúng tôi phải chỉ đạo quyết liệt để tiết kiệm nguồn nước, dự trữ phục vụ thời kỳ hạn hán cao điểm.
Ông Đặng Văn Quyền – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Nghệ An
Thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi, thực hiện tiết kiệm nước ngay từ đầu vụ Đông Xuân, có kế hoạch phân phối nước hợp lý, tiết kiệm từ đầu vụ sản xuất và điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước bị thiếu hụt để bảo đảm cung cấp đủ cho các nhu cầu thiết yếu cho cả mùa khô năm 2022.
Tổ chức ra quân làm thủy lợi, nạo vét kênh mương, các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập ngăn mặn, trữ ngọt trong hệ thống kênh mương, đào ao trữ nước, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến để tận dụng tối đa nguồn nước, giảm thất thoát, lãng phí nước, tiết kiệm nước cho vụ Hè Thu; thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nước tối thiểu vào các thời kỳ nhạy cảm về nước của cây trồng, đặc biệt với cây ăn quả, cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Chủ động sử dụng kinh phí từ ngân sách địa phương và huy động các nguồn hợp pháp khác để tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh; phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn hiệu quả. Ngoài ra, hiện nay tỉnh Quảng Bình đã và đang kịp thời xây dựng hoàn thành 19 hồ đập lớn, nhỏ, trong đó: Hồ Vức Tròn, Đập dựng Rào Nan, Hồ Trung Thuần...
Hà Tĩnh có hơn 300 hồ, đập thuỷ lợi với trữ lượng nước khá lớn. Mặc dù vậy, địa phương đang phải cân đối lại nguồn nước thuỷ lợi và nguồn nước sinh hoạt một cách hợp lý để đảm bảo sử dụng bền vững trước thách thức của biến đổi khí hậu.
Theo Phòng Tài nguyên Nước, Biển và Hải đảo - Sở TN&MT Hà Tĩnh, trước vấn đề biến đổi khí hậu, cần siết chặt hơn nữa trong công tác quản lý. Bên cạnh việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, cần tập trung tuyên truyền cơ chế, chính sách trong việc khai thác, sử dụng nước bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, bền vững, dự trữ lâu dài, ưu tiên sử dụng tài nguyên nước để cấp cho sinh hoạt và các lĩnh vực sản xuất quan trọng gắn với bảo vệ môi trường.
Tại Quảng Trị, cứ đến mùa khô thì lượng mưa trên địa bàn tỉnh luôn thiếu hụt lớn so với trung bình nhiều năm. Trong đó, hầu hết các hồ chứa thủy lợi có mức trữ thấp, các hồ chứa trung bình và nhỏ chỉ đạt 30% dung tích thiết kế.
Tỉnh Quảng Trị chỉ đạo các địa phương cân đối lại diện tích sản xuất lúa, nơi nào không đảm bảo nguồn nước tưới thì chuyển đổi sang các loại cây trồng phù hợp khác, cụ thể dự kiến chuyển đổi trên 325 ha đất lúa thiếu nước tưới sang sản xuất các cây trồng cạn có hiệu quả kinh tế cao như ngô, rau đậu, dưa hấu...; đề nghị các ngành chức năng hỗ trợ các loại cây giống cho bà con nông dân, đồng thời tiến hành hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc để nâng cao hiệu quả sản xuất. Đối với những diện tích đã chuyển đổi trước đây mang lại hiệu quả cao thì nên tiếp tục sản xuất trong những năm tiếp theo.
Ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị
Hỗ trợ người dân đào thêm các giếng nước; tổ chức các điểm cấp nước tập trung dùng xe téc cung cấp nước sinh hoạt cho người dân; cấp nước luân phiên từ các công trình cấp nước tập trung, hỗ trợ đường ống, trạm bơm dã chiến lấy nước từ nguồn xa về các cụm dân cư.
Để chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống hạn hán, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân, ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, tỉnh đã yêu cầu các ngành chức năng hướng dẫn, đôn đốc các địa phương xây dựng phương án, kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh theo hướng chủ động, linh hoạt bố trí cơ cấu sản xuất phù hợp.
Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Định: Tiết kiệm nguồn nước để giành cho sản xuất
Ngay từ sản xuất vụ Đông - Xuân 2021 - 2022, Sở NN& PTNT đã bảo đảm cơ cấu giống, chất lượng giống và tiếp tục ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật cao vào sản xuất để đạt năng suất và sản lượng cao nhất. Đồng thời, chủ động xây dựng phương án sản xuất nông nghiệp năm 2022 phù hợp với điều kiện thiếu nước tưới; có cơ chế hỗ trợ nông dân đẩy mạnh gieo trồng các loại cây trồng cạn giá trị cao, thị trường tiêu thụ ổn định; phát triển vùng nguyên liệu sản xuất sắn và cây công nghiệp ngắn ngày.
Chuyển đổi cây trồng, mùa vụ hợp lý để nâng cao hiệu quả sản xuất, tập trung đầu tư thâm canh, sử dụng giống mới cao sản để tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm giúp người dân thích ứng được trong điều kiện nếu hạn hán xảy ra.
Toàn tỉnh có 163 hồ chứa có dung tích từ 50 ngàn m3 trở lên, dung tích là 566/592 triệu m3 đạt 95,6% dung tích thiết kế bằng 111% cùng kỳ năm 2021, hiện có 152 hồ chứa đầy nước. Ngoài ra, ngành nông nghiệp thường xuyên theo dõi tình hình mưa, dự báo của Đài khí tượng, thủy văn để tích nước hồ chứa hợp lý vừa bảo đảm nước tưới vừa bảo đảm an toàn đập, hồ chứa, hạn chế tích nước các hồ xung yếu.
Tận dụng tối đa nguồn nước tự nhiên còn lại sau mưa từ ao, hồ, sông suối, mương rạch, đắp bờ giữ nước để cấp nước cày ải, làm đất theo lịch thời vụ được thống nhất để tiết kiệm nguồn nước hồ chứa và thực hiện đồng bộ các giải pháp tưới tiết kiệm để giành nguồn nước cung cấp cho sản xuất vụ sau.
Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa: Điều hành tưới theo phương châm cao xa trước, thấp gần sau
Để chủ động ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong năm 2022, Sở đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện công tác nạo vét kênh dẫn, cửa lấy nước để trữ nước phục vụ công tác tưới và chống hạn; chủ động thời điểm đắp đập tạm trên kênh tiêu, sông nội địa để lấy và dâng nước cho các trạm bơm hoạt động. Thường xuyên duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa máy móc, thiết bị của các trạm bơm điện, nhất là các trạm bơm dự kiến được tưới thay thế bằng hệ thống kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã để sẵn sàng phục vụ chống hạn.
Đối với các trạm bơm không còn khả năng bơm, cần lắp đặt máy bơm có cột nước cao thay thế các máy bơm cũ để kịp thời bơm nước chống hạn. Chủ động lắp đặt máy bơm dầu, dã chiến để bơm nước phục vụ công tác chống hạn, khi mực nước trong hồ, đập nhỏ miền núi và trung du xuống thấp hơn mực nước chết.
Bên cạnh đó cũng theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng thủy văn; kiểm tra, nắm chắc tình hình nguồn nước, khu tưới, đánh giá, cân đối khả năng cấp nước của từng công trình đầu mối, có kế hoạch bố trí lịch thời vụ phù hợp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý; tăng cường công tác quản lý, vận hành, sử dụng nước tiết kiệm, chống lãng phí, trữ nước các ao, hồ, kênh mương, các trục kênh tiêu,... phối hợp chặt chẽ trong việc điều hành tưới theo phương châm cao xa trước, thấp gần sau, nhất là vào thời kỳ căng thẳng về nguồn nước.
Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh: Rà soát nguồn nước tại các hồ, đập để dự báo tình hình hạn hán
Hà Tĩnh là một trong những địa phương chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, trong năm xuất hiện nhiều đợt nắng nóng gay gắt kéo dài. Các đợt nắng nóng sẽ tập trung cao từ tháng 5 đến tháng 8 với nhiệt độ nơi cao nhất vượt 40 độ C, ảnh hưởng đến cây trồng, vật nuôi và nguy cơ cháy rừng.
Để chủ động ứng phó, tỉnh tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, đẩy mạnh công tác quán triệt, phổ biến kiến thức về công tác phòng, chống thiên tai cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, xây dựng kịch bản sản xuất sát với từng địa phương, từng nguồn nước tưới, nhất là những vùng cuối kênh, vùng khó khăn về nguồn nước.
Phối hợp với Đài Khí tượng thủy văn tỉnh cập nhật, dự báo tình hình thời tiết sát sao để chủ động ứng phó với hạn hán, rà soát tình hình nguồn nước tại các hồ, đập, sông, suối, dự báo tình hình hạn hán xảy ra tại các địa phương; tham mưu các giải pháp, hướng dẫn địa phương chống hạn cho các đối tượng cây trồng và phòng, chống cháy rừng theo diễn biến của thời tiết.
Bên cạnh đó, theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo các địa phương, đơn vị khai thác công trình thủy lợi, tổ chức thực hiện các phương án phòng, chống hạn đảm bảo kịp thời, hiệu quả phải thường xuyên kiểm tra hệ thống công trình, kênh mương trong quá trình tải nước, kịp thời xử lý các sự cố công trình có thể xảy ra, đảm bảo an toàn công trình.