Rào cản của các nước châu Âu khi mở cửa du lịch
Đối ngoại - Ngày đăng : 06:59, 15/03/2022
Hoá đơn tiền điện tăng chóng mặt đã dập tắt hy vọng hồi sinh khu nghỉ dưỡng Hy Lạp của ông chủ người địa phương Dimitris Diavatis. "Khách sạn chưa mở cửa nhưng lượng khách đặt phòng đang tăng lên đáng kể. Cái khó cho người kinh doanh hiện tại là chi phí vận hành tăng chóng mặt, giá điện cao gấp đôi so với năm ngoái", ông Dimitris Diavatis chia sẻ với Reuters.
Đây là khó khăn chung của nhiều doanh nghiệp khách sạn ở Hy Lạp khi doanh thu dịch vụ không thể bù đắp đủ chi phí vận hành, nhất là chi phí tiêu thụ năng lượng. “Nếu tình hình này kéo dài, chúng tôi sẽ không kiếm nổi doanh thu trong một năm tới”, Dimitris nói.
Bộ mặt du lịch thay đổi
Các nước châu Âu bao quanh rìa Địa Trung Hải như Tây Ban Nha, Italy, Bồ Đào Nha... được coi là thiên đường du lịch, nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào ngành công nghiệp không khói.
Sau hai năm vắng bóng vì đại dịch, lượng khách du lịch tới các quốc gia này đã tăng lên đáng kể trong năm 2022. Tuy nhiên, sự phục hồi tích cực này đi kèm với một thách thức lớn là bộ mặt của ngành du lịch trong khu vực đã thay đổi gần như toàn diện.
Du khách đổ xô đến đền Parthenon trên đỉnh đồi Acropolis ở Athens (Hy Lạp) vào đầu tháng 3 năm nay. Ảnh: Reuters.
Các nhà cung cấp dịch vụ đang phải vật lộn với hóa đơn nhiên liệu cao và lạm phát gia tăng. Giá năng lượng của châu Âu đã ở mức cao kỷ lục và vẫn tiếp tục tăng. Lượng khách gia tăng nhưng chi phí năng lượng đắt đỏ hơn gấp nhiều lần đang làm xấu đi triển vọng hồi phục ngành du lịch vốn đã ảm đạm.
Đồng thời, sự xáo trộn thị trường lao động do dịch Covid-19 cũng gây ra tình trạng thiếu hụt nhân sự cho ngành du lịch. Cơ sở hạ tầng của một số nước trong khu vực cũng đang xuống cấp, lỗi thời. Lạm phát tăng và tâm lý e ngại dịch bệnh khiến nhiều du khách thay đổi xu hướng du lịch, hạn chế về nhu cầu.
Mùa du lịch của Hy Lạp thường bắt đầu từ tháng 3, sôi động từ tháng 4 hàng năm, vào kỳ nghỉ lễ Phục sinh. Theo Reuters, Hy Lạp và Italy đang chạy đua để lấp đầy tình trạng thiếu nhân lực du lịch. Sau 2 năm đại dịch, nhiều người lao động phải rời bỏ ngành du lịch, làm công việc trái chuyên môn nhưng đem lại thu nhập ổn định.
Rất nhiều vấn đề đặt ra cho ngành du lịch tại các quốc gia ở Nam Âu đã vẽ nên một bối cảnh ảm đạm mới. Khả năng chi tiêu của du khách giảm và các nhà cung cấp dịch vụ vật lộn với chi phí vận hành tăng chóng mặt.
Chi phí tăng không hồi kết
Chủ sở hữu khu nghỉ dưỡng Diavatis (Hy Lạp) chia sẻ tình hình hiện tại thậm chí còn tồi tệ hơn lúc đại dịch diễn ra. Khách sạn phải chịu lỗ nhiều hơn thời kỳ đóng cửa vì dịch bệnh. “Đây sẽ là một cuộc khủng hoảng thực sự đối với chúng tôi”, ông Dimitris Diavatis nói.
Costas Merianos, chủ kinh doanh khách sạn nhỏ bên bờ biển Ionian, đảo Corfu (Hy Lạp) cho biết vào mùa hè, hóa đơn tiền điện tăng cao vì điều hòa, tủ lạnh, nhà bếp hoạt động với công suất tối đa.
"Tôi không biết khó khăn này khi nào sẽ kết thúc. Tôi chỉ mong rằng đến cuối mùa du lịch, tôi không nợ lương nhân viên, nợ hóa đơn tiền điện", ông Costas Merianos bày tỏ.
Từ năm 2020, chính phủ Hy Lạp đã chi hơn 42 tỷ euro cho biện pháp hỗ trợ dịch bệnh để duy trì hoạt động của các doanh nghiệp và khoảng 2 tỷ euro kể từ tháng 9/2020 để trợ cấp hóa đơn điện, khí đốt đến hết tháng 3 năm nay. Với các chủ khách sạn, sự hỗ trợ này vẫn chưa thấm vào đâu so với khó khăn thực tế họ phải hứng chịu.
Marina Lalli, chủ tịch hiệp hội công nghiệp Feder Turismo (Italy) cũng cho biết trên khắp vùng biển ở Italy, việc hạn chế hoạt động do dịch bệnh và giá năng lượng tăng đã buộc nhiều khách sạn phải đóng cửa.
Giá dầu, khí đốt và điện tăng vọt khiến Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hy Lạp (SETE), Yiannis Retsos phải kêu gọi hỗ trợ tài chính từ các bộ trưởng vào hồi tháng 1. SETE khẳng định các khách sạn mở quanh năm không đủ khả năng chi trả mọi khoản phí vận hành, nhất là vào những tháng thấp điểm du lịch.
Tia hy vọng le lói
Theo ông Jose Luis Zoreda, Phó chủ tịch Hiệp hội ngành công nghiệp Exceltur (Tây Ban Nha), nhu cầu du lịch dịp nghỉ lễ trong năm nay ở Tây Ban Nha có thể tăng mạnh nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao và việc nới lỏng các hạn chế.
Ông Zoreda dự báo du lịch xứ bò tót sẽ bùng nổ du lịch từ dịp lễ Phục sinh trở đi. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận sẽ không tăng quá nhiều do lạm phát và giá năng lượng tăng cao.
Một du khách đang check-in tại ngôi làng đá phiến ở Fajao, Pampilhosa da Serra (Bồ Đào Nha). Ảnh: Reuters.
Exceltur chỉ ra rằng khách du lịch đang thay đổi thói quen nghỉ dưỡng khá nhiều. Du khách có xu hướng chọn điểm đến riêng tư và tĩnh lặng. Trong năm 2021, giá thuê các khu cắm trại, căn hộ riêng hay nhà ở nông thôn đều tăng cao, trong khi đó nhu cầu nghỉ tại khách sạn giảm đáng kể. Khách du lịch cũng có xu hướng di chuyển bằng phương tiện riêng nhiều hơn.
Theo thống kê của Hiệp hội Công nghiệp và Thương mại xe tải Tây Ban Nha, doanh số bán các mẫu nhà di động và xe camper van tăng 34,1% từ đầu năm nay. Các công ty cho thuê motor và xe tải cũng ghi nhận sự gia tăng doanh thu đáng kể.
Du lịch chậm đang được ưa chuộng ở Bồ Đào Nha hơn bao giờ hết. Helder Martins, Chủ tịch hiệp hội khách sạn vùng Algarve (Bồ Đào Nha) cho biết ngày càng có nhiều người tìm kiếm những điểm đến vắng vẻ.
"Những ngôi làng đá phiến có tuổi đời hàng thế kỷ ở Bồ Đào Nha đang trở lại sau nhiều năm bị du khách lãng quên. Từ năm 2020, lượng khách lưu trú qua đêm tại các ngôi làng này đã tăng 30%", Helder Martins thông tin.
Sonia Cortes, chủ sở hữu một khách sạn 5 phòng nhỏ ở làng đá phiến Janeiro de Cima cũng cho biết tỷ lệ đặt phòng tăng rất cao trong mùa hè năm nay.