Bệnh nhân hậu COVID-19 hoang mang vì “bỗng dưng” kém sắc
Tin Y tế - Ngày đăng : 16:16, 14/03/2022
Di chứng COVID-19 trên da
Sau khi âm tính với SARS-CoV-2, nhiều người bắt đầu xuất hiện các bệnh lý về da do di chứng hậu COVID-19 để lại. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn khiến họ mất tự tin khi giao tiếp với những người xung quanh.
Gần 1 tháng sau khi khỏi bệnh, cơ thể anh Trần Văn Thế (32 tuổi, trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) bắt đầu xuất hiện các nốt mẩn đỏ rải rác ở ngực, vai như phát ban. Sau đó, các mẩn đỏ này lan dần xuống cổ, bụng, tay chân, nhưng không bị ở mặt. Cơ thể anh Thế vẫn khỏe mạnh, phần da bị tổn không đau, ngứa ít.
Tương tự trường hợp trên, Nguyễn Duy Hiếu (20 tuổi, trú tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội) sau khi mắc COVID-19 được 2 tuần, Hiếu bỗng bị phát ban mề đay, xuất hiện dày đặc mụn trứng cá ở mặt, lưng, ngực,... Hiếu cho biết trước đây chưa từng bị phát ban và nổi mụn dày đặc như hiện nay.
"Tôi nghĩ do thay đổi thời tiết và thói quen sinh hoạt nên gặp phải tình trạng trên. Tuy nhiên, hiện tượng này vẫn kéo dài gây khó chịu, ngứa ngáy, mất ngủ và đặc biệt rất mất thẩm mỹ" - Hiếu chia sẻ.
Bên cạnh đó, nhiều F0 sau khi khỏi bệnh cũng mệt mỏi vì làn da kém sắc. Sau khi nhận kết quả âm tính, chị Nguyễn Thị Lê (trú tại Đông Sơn, Thanh Hóa) gặp tình trạng da khô, sạm đi trông thấy. Đặc biệt, chị Lê bị rụng tóc triền miên.
"Tôi đã có kết quả âm tính gần hai tháng, nhưng thường xuyên bị mất ngủ, ngủ không tròn giấc, 2-3 giờ sáng vẫn trằn trọc. Tình trạng này khiến cơ thể mệt mỏi, làn da trông rất thiếu sức sống, khô và sạm đi trông thấy. Đặc biệt, trước đây tóc rất chắc khỏe nhưng hiện tại ngày nào cũng bị rụng, kể cả không gội đầu, không chải tóc cũng rụng" - chị Lê nói.
Lời khuyên của bác sĩ
Theo BS.CKII Vũ Thị Phương Thảo - Bệnh viện Da Liễu TPHCM, bên cạnh các triệu chứng đường hô hấp, bệnh nhân nhiễm COVID-19 cũng có những phát ban ngoài da.
Một số biểu hiện đó có thể là: phát ban dạng dát sẩn, sẩn vảy; tổn thương dạng mụn nước, bóng nước; mày đay; chấm xuất huyết, ban xuất huyết, viêm mạch, hoại tử; hồng ban đa dạng; rụng tóc,…
Các biểu hiện ngoài da này có thể xuất hiện sớm ngay khi mắc COVID-19 nhưng cũng có thể chậm lên đến hàng tuần, hàng tháng sau khi nhiễm. Theo đó, việc điều trị tương tự như điều trị các bệnh lý da, nhưng bệnh nhân cần giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng vì điều này có thể làm cho bệnh nặng hơn.
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Cường - Bệnh viện Quân y 103 cũng cho biết, hội chứng hậu COVID-19 là các triệu chứng dai dẳng hoặc các biến chứng được tính sau tuần thứ 4 kể từ khi bắt đầu phát hiện dương tính với SARS-CoV-2. Theo dữ liệu ở 92,9% bệnh nhân nhập viện và 93,5% không nhập viện báo cáo triệu chứng sau 79 ngày mắc COVID-19, có 20% bệnh nhân bị rụng tóc, 3% trường hợp phát ban và mề đay.
Theo đó, nếu vết ban không sần sùi, chỉ lên những vết đỏ là ban lành tính. Nếu ban sần sùi, có mủ cần xin ý kiến của bác sĩ ngay.
Bên cạnh đó, với những trường hợp bị rụng tóc, cần thay đổi lối sống, tập thể dục nhẹ nhàng, tắm và gội đầu một cách khoa học. Đặc biệt, cần tránh sử dụng các loại dầu gội đầu có tính chất tẩy rửa, hạn chế nhuộm tóc, uốn, sấy, hấp. Nếu rụng tóc kéo dài hơn 6 tháng hoặc có bất kỳ triệu chứng nào khác như rụng tóc từng mảng, ngứa hoặc kích ứng nên khám bác sĩ chuyên khoa da liễu.