Cơ hội tháo "ngòi nổ" xung đột Nga - Ukraine
Đối ngoại - Ngày đăng : 16:19, 14/03/2022
Hai tuần sau khi chiến dịch quân sự bắt đầu nổ ra, Điện Kremlin đã ngỏ ý điều mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhiều lần kêu gọi: một cuộc gặp thượng đỉnh với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là ông chủ Điện Kremlin sẵn sàng đàm phán đến mức nào?
Ông Dmitry Peskov, người phát ngôn của Tổng thống Nga, hôm 11/3 đã phát biểu một cách mơ hồ rằng cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo "có thể" diễn ra sau các cuộc đàm phán của quan chức Nga và Ukraine. Phái đoàn 2 nước cho đến nay đã tổ chức 3 cuộc đàm phán, song vẫn chưa đạt được đột phá cụ thể.
Trong các cuộc phỏng vấn với truyền thông được công bố tuần trước, Tổng thống Zelensky cho biết chỉ có các cuộc đàm phán trực tiếp giữa ông và Tổng thống Putin mới có thể kết thúc cuộc xung đột hiện nay. Tổng thống Zelensky cũng cho thấy tín hiệu khả quan khi tuyên bố, ông sẵn sàng đàm phán để tìm kiếm giải pháp có thể chấp nhận được liên quan đến 2 vùng ly khai tại Đông Ukraine và bán đảo Crimea.
Nga hồi tháng 2 đã công nhận độc lập của 2 vùng lãnh thổ ly khai tại Ukraine, đồng thời sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014. Đây đều là những vấn đề mấu chốt trong quan hệ giữa 2 nước láng giềng.
"Thỏa hiệp có thể được đưa ra", ông Zelensky nói với báo Bild của Đức.
Tuyên bố trên của nhà lãnh đạo Ukraine được đưa ra sau khi Nga phát tín hiệu cho thấy sự thay đổi về lập trường. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng, Moscow không có ý định lật đổ chính phủ của Tổng thống Zelensky cũng như chiếm đóng Ukraine - sự khác biệt rõ rệt so với lập trường của Nga khi mới bắt đầu chiến dịch quân sự.
Phương Tây cho rằng chiến dịch quân sự của Tổng thống Putin đã mắc những sai lầm chiến lược và quân đội Nga đang phải đối mặt với sự kháng cự quyết liệt của lực lượng Ukraine. Điều này có thể làm tăng thêm khả năng thương lượng của Tổng thống Zelensky trên bàn đàm phán. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng viễn cảnh 2 nhà lãnh đạo sắp gặp nhau dường như là điều xa vời.
"Tôi thấy rất ít khả năng ông Putin sẽ gặp ông Zelensky trong thời gian tới", cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine Steven Pifer nói.
"Điện Kremlin cho thấy họ không quan tâm nghiêm túc đến việc đàm phán, khi đưa ra các yêu cầu chỉ đơn giản để đổi lấy lệnh ngừng bắn của Nga. Có vẻ như Nga đang thực hiện một chiến dịch quân sự để kiểm soát Kiev và phần phía đông của Ukraine", ông Pifer nói.
Các ưu tiên trước mắt của Tổng thống Zelensky sẽ là duy trì hành lang nhân đạo và lệnh ngừng bắn tại các thành phố đang xảy ra giao tranh, đặc biệt là Mariupol, nơi vẫn đang bị ném bom.
Ngày 12/3, Tổng thống Zelensky nói trong một cuộc họp báo ở Kiev rằng các cuộc đàm phán với Nga không thể bắt đầu cho đến khi đạt được thỏa thuận ngừng bắn. Ông cũng đã thảo luận với Thủ tướng Israel Naftali Bennett về khả năng tổ chức cuộc đàm phán tại Jerusalem.
"Tôi không đoán được khả năng ông Vladimir Putin sẽ gặp ông Volodymyr Zelensky. Tôi không nghĩ có ai đoán được điều đó, vì ông Putin đã cho thấy sự khó đoán như thế nào trong những tháng qua", Susanne Wengle, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Notre Dame, cho hay.
Tổng thống Putin tuần trước nói, ông nhận thấy có những "chuyển biến tích cực" trong các cuộc đàm phán với Ukraine. Tổng thống Zelensky đã hoan nghênh tuyên bố này của nhà lãnh đạo Nga.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết, trong cuộc điện đàm hôm 6/3 với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Putin cũng khẳng định, ông sẵn sàng hội đàm với người đồng cấp Zelensky để thảo luận tình hình ở Ukraine.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 13/3 tái khẳng định, Nga chưa bao giờ bác bỏ khả năng diễn ra cuộc hội đàm trực tiếp giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Zelensky nhằm tháo ngòi căng thẳng. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, Nga muốn biết trước chương trình nghị sự và kết quả của cuộc họp.
Thượng đỉnh có thể tháo ngòi căng thẳng?
Cuộc đàm phán riêng giữa Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã "sụp đổ" hôm 10/3.
Nhưng theo Sergey Radchenko, chuyên gia về Nga và là giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Cardiff tại Anh, cuộc đàm phán giữa 2 nhà ngoại giao hàng đầu ít nhất cũng cho thấy "điều gì đó đang diễn ra ở hậu trường".
"Dường như chiến lược của Nga lúc này là tiếp tục đặt niềm tin vào quân đội trong việc đạt được một bước đột phá quân sự mang tính quyết định trên thực địa để họ có thể đàm phán với tâm thế của một bên có sức mạnh", ông Radchenko nói.
Theo ông Radchenko, điều này không nhất thiết đồng nghĩa với việc quân đội Nga phải chiếm được Kiev, nhưng Moscow có thể đang hiểu rằng, Tổng thống Zelensky cảm thấy buộc phải đàm phán để tránh "sự chiếm đóng hoàn toàn của Nga".
"Tôi không chắc chúng ta có thể thấy hội nghị thượng đỉnh (Nga - Ukraine) thành công đến mức nào đối với Tổng thống Zelensky, bởi vì ông ấy đã tập hợp toàn bộ đất nước trong chiến dịch chống lại Nga. Có một sự đồng thuận trên cả nước về sự cần thiết của việc phải đối phó với Nga", ông Radchenko nhận định.
Trong trường hợp thượng đỉnh diễn ra, Tổng thống Zelensky sẽ phải cân bằng giữa việc làm thế nào để chấm dứt sự tàn phá đối với đất nước của ông và những thỏa hiệp mà ông sẵn sàng đưa ra.
"Ông Zelensky là tổng thống được bầu một cách dân chủ và ông ấy phải tương tác với cử tri. Ông ấy sẽ phải tìm hiểu quan điểm của cử tri là gì, lập trường chung ở trong nước như thế nào, và Ukraine có thể chấp nhận nhượng bộ hay không? Điều đó bây giờ vẫn chưa rõ ràng", chuyên gia Radchenko nhận định thêm.