Nhiều điểm du lịch hút khách ở xứ Bạc Liêu
Du lịch online - Ngày đăng : 18:44, 13/03/2022
Từ Tết Nguyên đán đến nay, du khách TP.HCM và các tỉnh Long An, Vĩnh Long, Kiên Giang… đổ xô về Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau để viếng chùa, tham quan các khu du lịch tâm linh, khu sinh thái. Ngoài ra, những điểm du lịch cộng đồng cũng thu hút nhiều du khách trẻ tuổi, muốn khám phá và trải nghiệm.
Cánh đồng hoa trên mảnh đất khô cằn
Những ngày cuối tuần, đường vào chùa Giác Hoa ở xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) tấp nập ôtô ra vào. Sau khi viếng chùa, nhiều du khách ra sau ăn cơm chay miễn phí rồi đi bộ khoảng 50 m sang cánh đồng hoa nằm cạnh ruộng lúa ở ấp Xóm Lớn để check-in.
Chị Huỳnh Thanh Tuyền (chủ cánh đồng hoa Huỳnh) cho biết vài năm trước vợ chồng được cha mẹ cho thửa đất rộng 1,2 ha để trồng lúa. Do đất nằm trên gò cao nên làm ruộng liên tục thất mùa.
Du khách check-in trên cánh đồng hoa ở Bạc Liêu. Ảnh: Việt Tường.
Những hộ gần nhà chị Tuyền cải tạo đất gò, cuốc bỏ một phần đất mặt ruộng. Phần đất dư này chị Tuyền được láng giềng cho nên vợ chồng thuê người chở về để đắp giồng làm rẫy.
Lúc đầu, chị Tuyền dự định xuống giống ổi vì gia đình đã có hơn một ha đất trồng loại trái cây này. Tuy nhiên, người vợ có ý tưởng trồng hoa để con cháu, láng giềng đến vui chơi vào dịp cuối tuần nên chồng chị Tuyền đã gật đầu.
“Ngoài ổi, tôi tính trồng thêm dừa để mẹ có thêm thu nhập nhưng thấy hoa đẹp cũng thích. Tháng 4/2021, tôi làm đất đến tháng 8, trồng thử vài loài hoa như sen, súng, hồng ri, soi nhái, hướng dương, mười giờ… Lục bình thì vớt dưới sông thả vào các con kênh lấy nước. Loại này trổ hoa màu tím quanh năm rất đẹp”, chị Tuyền chia sẻ.
Gần đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần, người phụ nữ quê xứ Công tử Bạc Liêu thấy các loài hoa bén duyên trên mảnh đất khô cằn và trổ hoa rất đẹp. Nhiều bạn trẻ ở TP Bạc Liêu và các huyện lân cận của tỉnh Sóc Trăng đã đi xe máy đến cánh đồng hoa để chụp ảnh lưu niệm nên chị Tuyền quyết định mở rộng diện tích các luống hoa để đón khách du lịch.
Cạnh cánh đồng hoa còn có ao hoa súng. Ảnh: Nhật Tân.
Để lúc nào trên đồng cũng có hoa đủ màu rực rỡ, vợ chồng chị Tuyền thuê người chia 1,2 ha đất ra thành 3 khu vực hoa có 3 độ tuổi khác nhau. Mỗi khu vực hoa trổ đều suốt 45 ngày, khi hoa tàn thì khu vực 2 lại có hoa mới và khu vực 3 cũng nối tiếp tương tự.
“Ngoài hoa, tôi trồng thêm chanh dây, chuối để tạo nên cảnh quê thanh bình. Du khách đến vườn hoa cũng thường sang vườn ổi để check-in và hái trái. Hiện, tôi chỉ bán nước giải khát cho khách và có ý tưởng sẽ trồng các loại rau rừng cho du khách thưởng thức tại chỗ với những món ăn dân dã”, chủ cánh đồng hoa chia sẻ.
Thuê rừng đước làm điểm du lịch
Rời cánh đồng hoa Huỳnh cách TP Bạc Liêu 4 km, du khách thường đi tiếp đến nông trại tôm khỏe tại xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình (Bạc Liêu). Điểm du lịch cộng đồng nằm trong rừng đước này cách trung tâm TP Bạc Liêu khoảng 15 km.
Vợ chồng anh Bùi Quốc Dương quê Kiên Giang. Sau khi tốt nghiệp đại học ngành tài chính - ngân hàng, anh Dương và chị Lưu Kiều Diễm không đi làm văn phòng mà đến Bạc Liêu thuê đất mở nông trại và thả tôm dưới những tán rừng ngập mặn.
Ẩm thực trên bè tại nông trại tôm khỏe. Ảnh: Nhật Tân.
Đến với nông trại tôm khỏe, du khách thưởng ngoạn trong không gian mát mẻ, thư giãn, hòa mình với thiên nhiên và thả trôi trên những chiếc bè nổi. Sau khi bắt tôm, du khách lên bè ca hát, thưởng thức những món ăn dân dã đậm chất miền Tây.
Trước khi rời Bạc Liêu, du khách thường không quên vào thị trấn Châu Hưng của huyện Vĩnh Lợi để tham quan khu du lịch sinh thái Phương Nam. Tại đây, ngoài trải nghiệm các trò chơi dân gian, du khách được chụp ảnh lưu niệm với những kỷ vật hoài cổ và thưởng thức ẩm thực độc đáo từ các món ăn dân dã.