Trẻ không thích chia sẻ đồ với người khác, bố mẹ đừng thúc ép con mà hãy thử 3 cách sau
Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 10:19, 13/03/2022
Hai bé trai đang chơi ở quảng trường, cháu lớn cầm một chiếc ô tô đồ chơi, cháu nhỏ muốn mượn để chơi nhưng cháu lớn không muốn cho mượn nên cậu bé bắt đầu khóc. Mẹ của cháu nhỏ nói: "Con có thể cho em mượn đồ chơi không, một lát thôi rồi em sẽ trả lại?". Nhưng đứa lớn vẫn không chịu cho mượn.
Lần này, đứa trẻ càng khóc lớn hơn. Mẹ bé lớn thấy ái ngại nên nói với con trai: "Con cho em chơi một lát đi, con nên học cách chia sẻ chứ". Nghe mẹ nói xong, bé lớn có chút do dự, có thể thấy được là cậu vẫn không muốn cho mượn đồ chơi, trong lòng có chút không phục. Lúc này, mẹ của cháu nhỏ tiến tới, nhẹ nhàng nói với con: “Con ơi, anh chưa chơi đủ với đồ chơi đó, khi nào đủ thì nhất định sẽ cho con chơi. Con có thể chơi với những thứ khác trước nhé". Người mẹ nói xong liền dẫn con đi chỗ khác, cô không than thở cũng không trách đứa trẻ ngại chia sẻ nên mới làm như vậy.
Ảnh minh họa
Thực tế, vấn đề chia sẻ với người khác của con cái luôn là vấn đề được các bậc cha mẹ quan tâm vì nó liên quan đến kỹ năng giao tiếp giữa các cá nhân của trẻ. Theo quan niệm chung, hòa đồng với mọi người là nên giúp đỡ lẫn nhau và có liên hệ qua lại. Không chia sẻ là ích kỷ và không ai muốn làm bạn với những người ích kỷ. Chính vì vậy, các bậc cha mẹ tin rằng trẻ em phải học cách chia sẻ, để có lợi hơn cho việc giao tiếp giữa các cá nhân với nhau.
Tuy nhiên, sự thật là nhiều trẻ ngại chia sẻ. Và trong nhiều trường hợp, sự không chia sẻ của trẻ có thể khiến cha mẹ cảm thấy ngại ngùng. Cứ thử tưởng tượng khi người thân, bạn bè tụ tập, con cái nảy sinh mâu thuẫn vì không chia sẻ thì dù là chuyện giữa con cái nhưng cũng sẽ khiến người lớn cảm thấy rất khó xử, thậm chí xấu hổ. Những lúc như thế này, cha mẹ thường ép con chia sẻ nhưng cuối cùng lại khiến con tim bé tổn thương.
Thực tế có lý do khiến trẻ không thích chia sẻ, nếu cha mẹ không để ý đến nội tâm của trẻ và mù quáng yêu cầu trẻ phải chia sẻ thì trẻ cũng có thể làm như vậy nhưng sẽ không phục, thậm chí bất mãn vì chúng không hiểu ý định của cha mẹ chúng.
Một trong những nguyên nhân khiến trẻ không thích chia sẻ là do trẻ đang trong giai đoạn nhạy cảm về “nhận thức về tài sản”. Các nhà tâm lý học đã phát hiện ra rằng trẻ em sẽ trải qua một giai đoạn nhạy cảm về “quyền tài sản” vào khoảng thời gian 2-3 tuổi. Thực chất đây là quá trình hình thành và phát triển tính tự giác của trẻ, trẻ chứng minh sự tồn tại của cái “tôi” thông qua việc chiếm hữu và chi phối sự vật.
Ảnh minh họa
Nguyên nhân thứ hai là do người lớn chưa hiểu được tầm quan trọng của đồ chơi đối với trẻ nhỏ. Đồ chơi không có giá trị trong mắt người lớn nhưng lại rất quan trọng trong mắt trẻ em, bởi vì trẻ em không đo giá trị của một món đồ bằng giá của nó. Đối với một đứa trẻ, chiếc ô tô đồ chơi của nó cũng có giá trị như chiếc ô tô của bạn. Vì vậy, các bậc cha mẹ hãy tự hỏi bản thân rằng bạn có muốn sở hữu chung xe với người khác không?
Lý do thứ ba, như mẹ của cậu bé nhỏ nói, là lúc này đứa trẻ không muốn chia sẻ, đứa trẻ đang tận hưởng niềm vui khi chơi với đồ chơi, và việc không muốn chia sẻ là điều bình thường. Làm hài lòng bản thân trước, sau đó làm hài lòng người khác là một cách tự yêu bản thân. Nếu làm hài lòng người khác mà làm sai với chính mình, thì việc làm hài lòng người khác cũng mất đi ý nghĩa của nó.
Vì vậy, trẻ không muốn chia sẻ không phải vì trẻ ích kỷ, thiếu hiểu biết mà vì chúng ta chưa nhìn vấn đề này dưới góc độ của trẻ thơ. Chia sẻ là một đức tính tốt, và cha mẹ nên ủng hộ con cái chia sẻ, nhưng chia sẻ cũng là một việc tự nguyện, và trẻ em nên cảm nhận hạnh phúc thông qua sự chia sẻ chứ không phải bất bình.
Nếu muốn trẻ học cách chia sẻ, cha mẹ có thể bắt đầu từ ba khía cạnh sau:
Thứ nhất, dẫn dắt bằng ví dụ. Cha mẹ thích chia sẻ và làm gương cho con cái, trẻ sẽ thích chia sẻ nếu chúng noi gương.
Thứ hai, hãy để trẻ thấy được lợi ích của việc chia sẻ. Ví dụ, để đứa trẻ hiểu rằng chia sẻ sẽ gặt hái được lòng biết ơn và sự đáp trả của người khác, và cũng sẽ gặt hái được những gì người khác chia sẻ. Trẻ thấy kết quả của việc chia sẻ không bị mất đi mà sẽ được nhiều hơn, và tự nhiên sẽ sẵn sàng chia sẻ.
Thứ ba, đồng hành cùng con bạn. Cha mẹ nên thấu hiểu, khuyến khích trẻ khi trẻ muốn chia sẻ và bảo vệ trẻ khi trẻ không muốn chia sẻ. Thuyết phục trẻ chia sẻ với người khác là điều nên làm nhưng hãy thực hiện ở nhà chứ không phải tại chỗ vì nếu thúc ép quá có thể sẽ làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ.
Có người nói để yêu trẻ trước hết phải hiểu trẻ bởi hiểu biết là tiền đề của tình yêu. Là một bậc cha mẹ hiểu con mình, bạn có thể đồng hành cùng sự trưởng thành của con mình tốt hơn rất nhiều.
Theo V.K - Vietnamnet