Giong thuyền ra Mũi Nghê, ngắm san hô Sơn Trà

Du lịch online - Ngày đăng : 18:17, 12/03/2022

Đến với Mũi Nghê - Sơn Trà (Đà Nẵng), du khách thường chỉ có thể ngắm nhìn và "check-in" khung cảnh, rồi quay trở về đất liền. Nhưng nếu bạn có cơ hội làm quen được với người dân địa phương, Mũi Nghê sẽ là một trải nghiệm khác hoàn toàn.

Sau một thời gian dài ở nhà vì dịch bệnh hoành hành, Tí - anh bạn của tôi ở Đà Nẵng - nhắn: "Ra Đà Nẵng chơi đi, có mấy chỗ hay lắm. Dễ, mà phải có người biết thì mới đi được". Gặng hỏi một hồi, cậu chàng chỉ chịu hé lộ: "Loanh quanh ở Sơn Trà thôi chứ không đi đâu xa hết, nhớ mang đồ bơi".

Vốn là thợ lặn săn cá ở các gộp đá dưới đáy biển gần bờ, thông thạo gần như mọi ngóc ngách bờ biển Sơn Trà - Hải Vân, Tí đã nói vậy thì chắc phải có điều thú vị. Vậy là lên đường.

Giong thuyền ra mũi nghê

Tập kết tại Đà Nẵng, chúng tôi dùng xe máy chạy lên Sơn Trà từ sáng sớm. Biển và trời xanh ngăn ngắt, thành phố Đà Nẵng với những tòa nhà cao tầng vươn lên trời xanh dưới ánh nắng sớm, trông thật diễm lệ.

Tí bảo còn đang sớm, tranh thủ ghé chùa Linh Ứng và cây đa ngàn năm. Những chỗ này thì hầu như ai lên Sơn Trà cũng đều ít nhất một lần ghé rồi - dĩ nhiên chúng tôi cũng vậy, nên không hào hứng lắm. Nhưng "thổ địa" bảo thì cứ làm theo thôi.

Giong thuyền ra Mũi Nghê, ngắm san hô Sơn Trà - 1

Đà Nẵng xinh đẹp, nhìn từ bán đảo Sơn Trà

Giong thuyền ra Mũi Nghê, ngắm san hô Sơn Trà - 2

Chùa Linh Ứng

Giong thuyền ra Mũi Nghê, ngắm san hô Sơn Trà - 3

Cây đa ngàn năm

Khi rời khu vực cây đa ngàn năm, Tí lại dẫn chúng tôi chạy ngược trở ra phía thành phố rất xa, khiến cả bọn ngơ ngác không hiểu anh chàng này sẽ dẫn mình đi đâu. Rồi chợt hắn cho xe rẽ vào khu du lịch Bãi Đá - khi đã trở ra gần tới chùa Linh Ứng.

Sau khi khóa xe cẩn thận trong khu vực để xe, Tí tháo bộ đồ nghề xách theo, cười hề hề: “Tí đưa mọi người ra Mũi Nghê rồi vòng về ngắm san hô, săn cá nướng ăn. Nhưng đi sớm quá, phải chờ chủ tàu họ ăn sáng đã”.

Cả bọn kéo nhau xuống chiếc tàu gỗ đang dập dềnh trên con sóng gần bờ. Con tàu từ từ đưa chúng tôi rời Bãi Đá, men theo bờ biển hướng ra phía Mũi Nghê - mũi đá của bán đảo Sơn Trà chìa ra xa nhất về phía đông. Được biết, tên gọi Mũi Nghê bắt nguồn từ việc mũi đá này nhìn từ xa nhìn hệt như một con nghê đang nằm trên biển, chầu về phía đất liền.

Tàu chạy vòng qua mỏm Mũi Súng thì bắt đầu thấy Mũi Nghê xa xa phía trước. Biển trời xanh trong, phía đông nam là cù lao Chàm, còn phía trước mũi thuyền là... con nghê đá đang nằm trên mặt biển, hếch đầu về bán đảo Sơn Trà. Quả là giống vô cùng.

Giong thuyền ra Mũi Nghê, ngắm san hô Sơn Trà - 4

Từ trên mặt biển nhìn ra Mũi Nghê, mới hiểu vì sao nó có tên như vậy

Giong thuyền ra Mũi Nghê, ngắm san hô Sơn Trà - 5

Con nghê đá nằm chầu vào Sơn Trà

Tới lúc này Tí mới nói, phải đi trên biển mới hiểu tại sao người ta gọi là Mũi Nghê, bởi chỉ từ tầm ngắm này mới thấy nó giống ra làm sao. Nếu đến Mũi Nghê bằng đường bộ trên núi xuống, sẽ rất dễ lạc vì nhiều cây rừng và nguy hiểm vì các vách đá dựng đứng, góc nhìn lại khó làm ta hình dung được ra hình dạng con nghê của khối đá đặc biệt này.

Ngắm san hô ngay tại biển Đà Nẵng

Từ Bãi Đá ra tới Mũi Nghê, nhìn thì gần nhưng con tàu gỗ phải chạy gần một giờ mới tới, bởi quãng đường từ cây đa ngàn năm tới lối rẽ vào Bãi Đá cũng cỡ chục kilomet. Sau khi bác tài đánh một vòng quanh Mũi Nghê cho chúng tôi thỏa sức ngắm, chụp và trầm trồ vì vẻ đẹp của nó, tàu lại quay mũi chạy ngược trở về.

Được một quãng, chợt con tàu giảm tốc, hướng mũi vào phía những ghềnh đá ven bờ. Thấy chúng tôi một phen ngơ ngác, Tí lại cười ranh mãnh: “Bây giờ xuống biển ngắm san hô nhé. Cũng không được đẹp và nhiều lắm, nhưng không phải ai cũng biết chỗ ngắm san hô ngay tại bờ biển Đà Nẵng đâu”.

Chúng tôi lần lượt thay đồ bơi để chuẩn bị xuống biển. Tí cũng mang bộ đồ lặn với đầy đủ chân vịt và gần chục kilogram chì ở thắt lưng. Vớ lấy cây ná bắn cá, cậu chàng bảo: “Mọi người cứ ngắm san hô ở đây, Tí lặn xuống kiếm mấy con cá ăn trưa”, thế rồi mất hút xuống dưới nước.

Tàu lại sát bờ để chúng tôi dễ dàng xuống nước và có thể lội lên bãi cát nhỏ lô nhô đá trên bờ. Bác tài bảo: “Chỗ này dân địa phương chúng tôi gọi là 'bãi U', vì bờ cát nhỏ cong như chữ U. San hô ở đây trước thì nhiều mà sau bị chết gần hết, mới bắt đầu tái sinh trở lại, nên cũng chưa nhiều và chưa đẹp đâu. Nhưng mấy ai biết ngay ở Đà Nẵng cũng có thể ngắm san hô!”.

Chúng tôi rời tàu và nhào xuống biển. Nước biển trong vắt nên khi lặn xuống, nhìn khá rõ đáy. Những rặng san hô đang tái sinh dưới làn nước trong veo, lũ cá sặc sỡ bơi lội tung tăng, chúng còn chẳng thèm sợ con người.

Giong thuyền ra Mũi Nghê, ngắm san hô Sơn Trà - 6
Giong thuyền ra Mũi Nghê, ngắm san hô Sơn Trà - 7
Giong thuyền ra Mũi Nghê, ngắm san hô Sơn Trà - 8

Đúng là san hô còn ít và chưa đẹp. Cả một bãi toàn xác san hô cũ, lấp ló những mầm sống mới đang bắt đầu vươn lên. Nhưng đây vẫn là một trải nghiệm hết sức thú vị - khi được ngắm san hô ngay tại Đà Nẵng, trong một cách thức tự nhiên và dễ dàng không ngờ. Hy vọng rằng sau một thời gian nữa, san hô sẽ hồi sinh mạnh mẽ ở nơi này.

Giong thuyền ra Mũi Nghê, ngắm san hô Sơn Trà - 9

San hô và rong rêu dưới làn nước biển trong vắt (Ảnh: Tí)

Tí lúc này đã quay trở lại, xách theo mấy con cá dìa lớn cỡ hơn chiếc dép. Cả bọn kéo nhau lội lên bờ, kiếm bóng mát giữa các tảng đá và nhặt củi khô nướng cá tại chỗ. Cá tươi rói nướng mọi trên than củi, chấm muối tiêu chanh xin từ tàu - chao ôi! nó mới ngọt, thơm và thi thú làm sao. Con tàu gỗ thì vẫn dập dềnh gần bờ, nhẫn nại chờ chúng tôi.

Tận giữa chiều, tàu mới đưa chúng tôi về lại khu du lịch Trường Ngọc để lấy xe máy chạy về thành phố. Chúng tôi còn loanh quanh trong Đà Nẵng rồi ghé Hội An, tối hôm sau mới rời đi. Khi chia tay, Tí lại cười cười, vẫn điệu bộ ranh mãnh bí hiểm: “Đà Nẵng không chỉ có biển, mà núi rừng với suối thác cũng hay lắm đó. Chuẩn bị mà đi tiếp nhé”.

Thông tin thêm

- Hiện chưa có tour cho du khách đến Mũi Nghé, chỉ có thể “ngoại giao” để thuê thuyền gỗ của ngư dân, cũng chỉ có ngư dân ở khu vực này mới biết rõ vị trí có nhiều san hô. Khoảng thời gian thích hợp để đến Mũi Nghê là từ tháng 3 đến tháng 9 và phải đi trước 14-15h, vì sau thời gian đó thường có gió mạnh trên biển.

- Tại khu du lịch Bãi Đá có cho thuê motor nước phục vụ du khách, hoặc lui lại phía Bãi Rạng gần chùa Linh Ứng thì có nhiều dịch vụ trò chơi trên biển hơn.

- Du khách có thể ăn uống ngay tại nhà hàng Trường Ngọc tại KDL Bãi Đá, hoặc các khu du lịch sát bên như Bãi Nam, Bãi Đa.

- Khu vực này còn có Hải đăng Sơn Trà ở phía bắc bán đảo.

- Các khách sạn, resort ở Sơn Trà đa số đều khá đắt, tuy nhiên ở gần khu vực Bãi Rạng có điểm cắm trại bên bờ biển, cho những ai muốn có trải nghiệm với thiên nhiên.

Bài và ảnh: Nam Hoa (Vntravellive)