Bác sĩ nhi cảnh báo: Tuyệt đối không cho trẻ F0 uống thuốc kháng siêu vi
Tin Y tế - Ngày đăng : 12:59, 12/03/2022
Những ngày qua, số ca F0 trẻ em phát hiện ở TPHCM liên tục ở mức cao. Thống kê cho thấy trong một tháng trở lại đây (tính từ ngày 7/2 đến ngày 7/3), TPHCM có 19% số trường học phát hiện ca nghi nhiễm tại trường. Còn tại 3 bệnh viện nhi đồng lớn trên địa bàn, từ đầu tháng 3 đến nay, ghi nhận lượng bệnh nhi đến khám Covid-19 tăng nhanh, lên đến hàng trăm trường hợp mỗi ngày.
Hiểu đúng về Omicron "tàng hình"
Điển hình như ở Bệnh viện Nhi đồng 2, có ngày khoa Khám bệnh thống kê đến hơn 500 trường hợp trẻ được cha mẹ đưa vào khu sàng lọc Covid-19. Khoảng 80% số bệnh nhi ở khu này được xác định dương tính SARS-CoV-2.
Vì lượng bệnh đông, hai phòng sàng lọc của bệnh viện phải kê thêm ghế, nhân viên y tế cũng được phân công trực 24/24 giờ. Đặc biệt, gần đây có tình trạng nhiều phụ huynh đưa con đi khám Covid-19 xuyên đêm, nhất là sau thời điểm 21h. Nhiều trẻ nhỏ ngủ gục, vật vờ trên người cha mẹ khi chờ đến lượt khám bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) cho biết, trẻ F0 đến bệnh viện gần đây khoảng 200 ca/ngày, tăng 2-3 lần so với thời điểm trước đó. Hầu hết trẻ có các triệu chứng phổ biến là sốt, ho, nôn ói, tiêu lỏng. Việc phụ huynh lo lắng khi con trở thành F0, tìm mọi cách điều trị cho trẻ là tâm lý bình thường, tuy nhiên điều quan trọng là phải hết sức bình tĩnh.
Bác sĩ Nam cho rằng nhiều người hiện đang hiểu sai về khái niệm biến chủng Omicron "tàng hình" (biến thể phụ BA.2 của Omicron - PV) xâm nhập vào Việt Nam, khiến tâm lý hoảng loạn, lo sợ quá mức. Cần phải xác định, không phải lúc nào cũng xét nghiệm ra mình đang mắc Covid-19, vì có nhiều yếu tố ảnh hưởng.
Thứ nhất, người dân tự test nhanh nhưng nhiều trường hợp kỹ thuật lấy mẫu không đúng, kết quả không chính xác. Thứ hai, chủng Omicron có đột biến ở nhiều vị trí, nên không phải thời điểm nào xét nghiệm cũng "bắt" được virus, và từ đó bị nghĩ là "tàng hình". Nhưng tàng hình hiểu đúng ở đây, là tàng hình với hệ thống miễn dịch của cơ thể. Do đó, nhiều người đã tiêm chủng vaccine rồi vẫn mắc bệnh.
Vấn đề chính theo bác sĩ Nam, dù ca mắc tăng nhưng số lượng nặng và tử vong đang rất thấp. Bởi chủng Omicron chủ yếu gây ra "ái lực" với vùng hô hấp trên như mũi, họng, ít khi xuống đến phổi, nên ít gây biến chứng. Ngoài ra, khi độ bao phủ vaccine tốt thì hệ thống miễn dịch đã được đánh thức, nên dù có nhiễm bệnh cũng được bảo vệ rất nhiều.
Một số nơi trên thế giới như Mỹ, Ấn Độ, Anh, Úc… sau khi Omicron xuất hiện cũng tương tự như tình trạng hiện tại của Việt Nam. Các nước này gần như đã trở về cuộc sống bình thường, không còn truy lùng người mắc Covid-19 (không báo cáo số ca mắc) và cũng không xét nghiệm thường xuyên nữa.
Điều đáng quan tâm nhất hiện tại không phải vấn đề y tế, mà là vấn đề về xã hội, khi việc đi làm, học tập… bị ảnh hưởng. Người dân cần tỉnh táo, không hoang mang trước nhiều thông tin giật gân đang lan truyền về Covid-19 như "tàng hình", "siêu chủng".
Tuyệt đối không cho trẻ F0 uống thuốc kháng siêu vi
Bác sĩ Nam phân tích thêm, vì hoang mang nên sau khi trẻ test nhanh dương tính, rất nhiều người đã cuống cuồng tìm mọi cách điều trị như xông, cho trẻ uống đủ loại kháng sinh. Gần đây, đã có những trường hợp đau lòng khi trẻ được cha mẹ xông hơi trị Covid-19, đổ nước sôi lên người gây bỏng nặng.
"Đa phần câu hỏi mà tôi nhận được từ phụ huynh là "con bị Covid-19 rồi nên uống thuốc gì". Câu trả lời là hãy bắt đầu từ những biểu hiện cụ thể của trẻ để xử lý. Ví dụ như sốt thì uống thuốc hạ sốt, ho hãy uống siro ho và chăm sóc trẻ như là một trẻ nhiễm bệnh bình thường" - bác sĩ Nam nói.
Đặc biệt, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố khuyến cáo người dân tuyệt đối không được sử dụng thuốc kháng siêu vi và các loại thuốc chưa được chỉ định (như kháng sinh, kháng đông, kháng viêm) từ bác sĩ.
Nhất là thuốc kháng siêu vi, hiện nay phụ huynh có thể dễ dàng mua ở nhà thuốc và cứ thế cho trẻ sử dụng là điều rất nguy hiểm. Thuốc kháng siêu vi nếu dùng vô tội vạ, không đúng cách sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây đột biến gen. Còn các thuốc kháng viêm chứa nhiều corticoid, nếu uống quá mức có thể gây viêm loét, tổn thương dạ dày.
Trước tình trạng F0 trẻ em tăng cao, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã đẩy mạnh triển khai tư vấn trực tuyến qua điện thoại, đường dây nóng, phần mềm video call. Khi bệnh nhân đến viện luôn luôn được hướng dẫn khám sàng lọc kỹ để điều trị phù hợp. Ngoài ra, các trường hợp điều trị nội trú nếu xử lý ổn sẽ được cho xuất viện về nhà sớm, tăng luân chuyển bệnh nhân để tránh gây ùn ứ.
"Có ngày, chúng tôi cho xuất viện đến 100 trẻ F0. Trẻ nhiễm Covid-19 thường sẽ âm tính sau 7-10 ngày và thường nhẹ. Do đó, phụ huynh hãy bình tĩnh chăm sóc con, chỉ cho trẻ uống các loại thuốc thông thường. Và nhớ rằng thuốc kháng siêu vi chống chỉ định sử dụng với trẻ em" - bác sĩ Nam nhắc lại.