F0 mua thuốc trị COVID-19 theo đơn truyền trên mạng

Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 15:20, 11/03/2022

Khi cả nhà 5 người đều nhiễm virus SARS-CoV-2, chị V đã lên mạng, tìm đơn thuốc mà các F0 khỏi bệnh chia sẻ, rồi ra hiệu hiệu thuốc mua về cho mình và chồng con uống.

Loạn đơn thuốc trị COVID-19 trên mạng

Chị H.T (44 tuổi, quận 10, TP.HCM), cho biết cuối tháng 2 vừa qua, chị và một người nữa trong gia đình nhiễm virus SARS-CoV-2. Do các triệu chứng nhẹ và dùng thuốc kịp thời, hai F0 nhà chị âm tính sau ba ngày nhiễm bệnh.

Mới đây, chị chia sẻ phương pháp tự điều trị bệnh COVID-19 của mình và đơn thuốc đã dùng lên trang cá nhân để những người bị bệnh sau tham khảo. Theo chị, người F0 cần ăn nhiều trái cây, uống vitamin tổng hợp, đặc biệt với những trẻ từ 1-5 tuổi và người lớn tuổi, người có bệnh nền.

toa-thuoc.jpg
Các thuốc chị T. đã mua uống để trị COVID-19. Ảnh: NVCC.

“Khi bị bệnh, bạn phải luôn chú ý chế độ ăn uống nhiều hơn bình thường. Ăn những gì mình thích, trừ những thức ăn bác sĩ cấm. Đặc biệt nên ăn thức ăn lỏng, nước để giúp cơ thể trong thời gian bị bệnh sẽ hấp thụ và tiêu hoá tốt hơn”, chị T. chia sẻ.

Về việc sử dụng thuốc, chị T. cho biết các thuốc chị dùng là thuốc đặc trị COVID-19, thuốc nước xuyên tâm Liên, thuốc đặc trị sốt, ho, tan đàm, tiêu chảy và sổ mũi. Ngoài uống thuốc, chị kết hợp vận động cơ thể và tập thở để tăng cường sức mạnh cho phổi.

Chị T. cũng uống nước nóng vào buổi sáng và nhiều lần trong ngày để tan đàm và đỡ ho. Hiện, dù đã âm tính nhưng chị vẫn duy trì việc uống nước ấm, súc miệng nước muối và xông để ngừa virus không còn xâm nhập vào cơ thể.

Ngoài chị T. trên các hội nhóm tư vấn điều trị F0 tại nhà, có nhiều toa thuốc điều trị COVID-19, gồm thuốc trong nước và nước ngoài, ở mức giác khác nhau. Các toa thuốc này gồm: các loại thuốc kháng sinh như Augmentin, Levofloxacin, Azithromycin…, nhóm thuốc kháng viêm chứa Corticoid như Dexamethason và Methylprednisolon (medrol), nhóm thuốc kháng đông Apixaban, Rivaroxaban.

Mua thuốc trị COVID-19 theo “truyền miệng”

Chị V. (38 tuổi, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận), cho biết trước đó có hai F0 là hàng xóm chưa phát hiện bệnh sang nhà chơi, không mang khẩu trang. Sau hai ngày tiếp xúc, vợ chồng chị và 3 con, hai gái một trai đều có biểu hiện rát họng, đau đầu, sốt và nhức mỏi người. Ngày 7/3, kết quả test nhanh, cả nhà chị đều nhiễm virus SARS-CoV-2.

Hai ngày đầu, các con chị V. bị sốt, nôn ói và ho. Chị bị nhức mỏi người, đau đầu và khó thở.

toa-thuoc-2.jpg
Nhiều đơn thuốc được F0 chia sẻ trên mạng. Ảnh: NVCC.

Chị V. có báo với ngành y tế địa phương nhưng chỉ được thông báo tự cách ly, điều trị tại nhà. "Cả nhà tôi không được nhân viên y tế địa phương hướng dẫn uống thuốc gì, mua thuốc ở đâu", chị V. chia sẻ.

Trước đó, bạn bè chị có nhiều người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh. Họ chia sẻ các loại thuốc trị các triệu chứng bệnh mà mình đã uống lên trang cá nhân khi khỏi bệnh để người khác tham khảo. Các “đơn” thuốc này, họ cũng mua theo chia sẻ của F0 khỏi bệnh trước đó. Được tư vấn, các thuốc này uống hiệu quả, nhanh có kết quả xét nghiệm âm tính, chị V. cũng mua cho cả nhà dùng.

Các loại thuốc chị V. mua gồm: Augmentin, levofloxacin, stadexmin, mekocetin, lansoprasol, thuốc hạ sốt, siro ho cho con....

Đến nay, cả nhà đã bị bệnh ở ngày thứ tư, các con chị V. hết sốt, nhưng đang ho và rát họng. Còn chị V. và chồng vẫn còn nhức mỏi người và ho.

Nguy hiểm khi dùng thuốc không đúng

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho rằng, tình trạng F0 bị lạc lối giữa "rừng" đơn thuốc trôi nổi trên thị trường rất đáng lo. Theo bác sĩ, COVID-19 là bệnh tự hồi phục theo thời gian khi độ phủ vắc xin rộng, nhưng một số người khỏi thường nghĩ là nhờ thuốc rồi đi tuyên truyền.

Theo bác sĩ Khanh, hiện nay, hầu hết F0 đều có triệu chứng nhẹ, diễn biến bệnh chỉ như cảm cúm. Người mắc không cần quá sốt sắng tìm mua, tích trữ hay sử dụng thuốc trôi nổi gắn mác phòng chống, điều trị COVID-19 khi chưa có ai kiểm duyệt.

Chia sẻ với Pháp luật TP.HCM, TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, chia sẻ hiện nay tình trạng người dân truyền tay nhau nhiều toa thuốc trị COVID-19, trong đó cũng có toa chỉ định đúng nhưng cũng có toa chỉ định uống nhiều loại không cần thuốc. Cũng có toa, F0 được chỉ định uống nhiều kháng sinh, không tốt cho sức khỏe.

Vị bác sĩ lý giải, hiện nay, số ca F0 nhiễm biến chủng Omicron đang chiếm ưu thế. Do vậy, tỉ lệ chuyển nặng ở bệnh nhân này chỉ khoảng 10%, còn 90% bị nhiễm hoặc không có triệu chứng hoặc có triệu chứng rất nhẹ. Vì vậy, người dân nếu không may bị F0 thì chỉ nên uống thuốc hạ sốt, giảm đau thông thường đã có thể khỏe mà không cần uống nhiều loại thuốc khác.

Với thuốc kháng virus hoặc thuốc kháng đông chỉ nên dùng với người có nguy cơ cao, người có bệnh nền nhưng pphải được sự đánh giá nguy cơ, hướng dẫn của nhân viên y tế. 

Bác sĩ Hùng kể, ông từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân COVID-19 nhờ tư vấn online gặp dị ứng như nổi mẩn đỏ trên da, hồi hộp, tức ngực, khó thở, rối loạn tiêu hóa sau khi dùng thuốc truyền tay hoặc ngay cả thuốc kháng virus. "Một số toa thuốc “khủng” kèm rất nhiều loại thuốc không cần thiết, không chỉ một mà hai, ba loại kháng sinh trong một toa. Đây là loại thuốc phải được kê đơn và tỉ lệ gây dị ứng cao với người bệnh, cấp độ dị ứng nặng nhất là sốc phản vệ có thể dẫn đến tử vong", bác sĩ Hùng chia sẻ

Theo bác sĩ Hùng, hiện nay Bộ Y tế đã có hướng dẫn cụ thể về điều trị F0 tại nhà, trong đó có hướng dẫn cách xét nghiệm, triệu chứng nào dùng thuốc nào rất đầy đủ. “Chúng ta không cần thiết phải uống nhiều loại thuốc để tốn nhiều chi phí và gây hại sức khỏe”, bác sĩ hùng nhấn mạnh.

Đồng tình với ý kiến nay, bác sĩ Khanh khuyên, trẻ mắc COVID-19 thường có triệu chứng không quá nặng. Nếu có sốt cao hoặc lạnh run chỉ kéo dài lâu nhất trong 48 tiếng, sau đó có thể bị khàn tiếng, ho nhẹ, nôn, tiêu chảy, đau đầu... và thuyên giảm theo thời gian. Phụ huynh tuyệt đối không nên cho con uống thuốc linh tinh, nhất là thuốc kháng đông, kháng viêm nếu không có chỉ định của bác sĩ. Biện pháp phòng bệnh tốt nhất vẫn là tiêm vaccine, thực hiện tốt 5K theo quy định của Bộ Y tế.

Phương Linh