Đường vành đai 3 TP.HCM sẽ có 12,75km đi trên cao
Xã hội - Ngày đăng : 14:33, 11/03/2022
UBND TP.HCM vừa có báo cáo gửi Chính phủ xem xét trình Quốc hội báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường Vành đai 3 TP.HCM.
Trong quá trình lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, UBND TP.HCM đã phối hợp với UBND các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Long An nghiên cứu kỹ các phương án hướng tuyến, so sánh để lựa chọn phương án phù hợp, bảo đảm tính pháp lý, khả thi và hiệu quả dự án.
Theo đó, đường Vành đai 3 được xác định là tuyến vành đai đô thị liên vùng, theo quy hoạch và định hướng phát triển thì hai bên dự án kết hợp với phát triển đô thị, khu công nghiệp, thương mại dịch vụ, dân cư.
Trong quá trình nghiên cứu Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã xem xét, đánh giá các phương án trắc dọc đi thấp toàn bộ, trắc dọc phối hợp đi cao và đi thấp, trắc dọc đi cao toàn bộ.
Sau khi so sánh ưu điểm, nhược điểm các phương án cùng với thực trạng và quy hoạch phát triển đô thị dọc 2 bên tuyến, UBND TP và các tỉnh thống nhất lựa chọn phương án cơ bản đi thấp; đối với các đoạn tuyến qua khu đô thị hiện hữu trên địa bàn thành phố Thủ Đức, TP.HCM tuyến đi cao.
Cụ thể, đường vành đai 3 giai đoạn 1 dài hơn 76 km sẽ có gần 12,75 km (đoạn từ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đến nút giao Tân Vạn thuộc TP Thủ Đức) sẽ đi trên cao.
Các đoạn đi dưới thấp gồm đoạn đầu tuyến giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành đến đường tỉnh 25B, đoạn Bình Chuẩn - quốc lộ 22 - Bến Lức.
Theo UBND TP, việc lựa chọn phương án trắc dọc tuyến nêu trên phù hợp với định hướng phát triển không gian đô thị các địa phương, phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn, bảo đảm hiệu quả đầu tư. Sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 5/2022, dự án sẽ khởi công năm 2023, thông xe năm 2025 và hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2026.
Sơ đồ tuyến đường vành đai 3 TP.HCM |
Vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài hơn 90 km, chạy qua TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, chia làm 4 đoạn lớn gồm: Tân Vạn - Bình Chuẩn, Tân Vạn - Nhơn Trạch, Bình Chuẩn - quốc lộ 22, quốc lộ 22 - Bến Lức. Tuyến đường khi hoàn chỉnh sẽ có 8 làn cao tốc, vận tốc 100 km/h cùng đường song hành hai bên.
Hiện nay, đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn, dài hơn 15 km đi qua Bình Dương đã làm 6 làn xe và đã được đưa vào sử dụng.
Trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được UBND TP.HCM trình Chính phủ, tổng mức đầu tư dự án giai đoạn một dự kiến 75.777 tỷ đồng. Tuyến đường sẽ đầu tư công, dùng ngân sách địa phương có hỗ trợ từ Trung ương.
Dự án có chiều dài đầu tư khoảng 76,34 km. Trong đó, dự án đi qua địa bàn TP.HCM có chiều dài khoảng 47,51 Km; qua tỉnh Đồng Nai dài khoảng 11,26 Km, Bình Dương dài khoảng 10,76 Km và tỉnh Long An dài khoảng 6,81 Km.
Toàn bộ dự án sẽ làm trước 4 làn cao tốc và đường song hành hai bên. Việc giải phóng mặt bằng triển khai từ giai đoạn này theo quy mô hoàn chỉnh, với tổng kinh phí ước tính hơn 41.800 tỷ đồng.
TP.HCM dự tính thời gian chuẩn bị đầu tư Vành đai 3 thực hiện từ nay đến năm 2023. Giai đoạn 2023-2024, dự án sẽ hoàn tất giải phóng mặt bằng. Năm 2025, việc thi công tuyến đường cơ bản hoàn thành, thông xe toàn tuyến trước khi hoàn thiện năm 2026.
Tuấn Kiệt