Vì sao NATO không thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine?

Đối ngoại - Ngày đăng : 08:30, 11/03/2022

Tính bất khả thi của việc thiết lập vùng cấm bay là nguyên nhân khiến Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không lựa chọn phương án này để giải quyết xung đột giữa Nga và Ukraine.
'Sức quyến rũ' nguy hiểm của vùng cấm bay
Vùng cấm bay là một công cụ sai lầm và sẽ tạo ra những kết quả nguy hiểm, châm ngòi leo thang xung đột Nga-Ukraine. (Nguồn: warontherocks)

Cuộc họp báo với Thủ tướng Anh Boris Johnson vào ngày 1/3 đã thu hút cả thế giới khi bà Daria Kaleniuk, một nhà hoạt động người Ukraine, đã đề nghị ông Johnson và các nhà lãnh đạo phương Tây khác thiết lập vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine để bảo vệ người dân trước máy bay Nga.

Đáp lại, Thủ tướng Anh nói rằng sẽ không có vùng cấm bay do lo ngại nguy cơ xảy ra chiến tranh giữa NATO và Nga.

Đoạn video của buổi họp báo được lan truyền rộng rãi.

Điều không cần bàn cãi

Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, vùng cấm bay không phải là một biện pháp quân sự nửa vời. Đây là một hoạt động quân sự nhằm tước đoạt sức mạnh không quân của đối phương.

Trên thực tế, xung đột vẫn chưa lan ra toàn bộ châu Âu và dĩ nhiên họ cần làm mọi thứ có thể để đảm bảo điều đó không xảy ra. Điều đó có nghĩa là việc áp dụng một vùng cấm bay tại Ukraine là điều không thể và không cần bàn cãi.

Một lý do khiến phương án vùng cấm bay tiếp tục được đưa ra làm giải pháp là do nhận thức về sức mạnh không quân còn quá kém. Những người ủng hộ phương án này coi sức mạnh không quân như một con đường tắt về chiến lược và chiến thuật. Họ coi đây là cách để giành chiến thắng trong các trận chiến và thậm chí trong cả cuộc chiến mà không gặp phải những phức tạp vốn có trong quá trình thao tác các vũ khí quân sự khác.

Mặc dù sức mạnh không quân có thể chứng minh tính quyết định và thậm chí đã được sử dụng như phương pháp chính để giải quyết xung đột, nhưng đó không phải là một giải pháp trong mọi trường hợp.

Các chiến dịch trên không, cũng giống như các chiến dịch trên bộ và hải quân, phải được điều chỉnh cẩn thận cho phù hợp với các mục tiêu chính trị và quân sự, đối thủ, môi trường và các điều kiện hiện tại.

Mặc dù cả hai trụ cột của không quân chính trị, bao gồm không kích và vùng cấm bay, đều có thể hiệu quả nhưng đây không phải một bước đi tắt cho yêu cầu về một chiến lược toàn diện.

Phương án bất khả thi

Sự thành công của vùng cấm bay như một biện pháp răn đe thông thường, cần được hỗ trợ bởi quyết tâm thực thi nó một cách nhanh chóng và quyết liệt nếu bị thách thức.

Hiện nay, việc cố gắng đối phó với bất kỳ một quốc gia nào có pháo binh, hệ thống phòng không cơ động và tên lửa đất đối không tiên tiến nào đều có xu hướng biểu thị rằng vùng cấm bay không khả thi về mặt triển khai cũng như không có lợi về mặt chính trị.

Bất cứ thứ gì được chế tạo từ những năm 1980 và có khả năng xử lý kỹ thuật số, đa mục tiêu, tên lửa tầm xa hơn và khả năng cơ động cao hơn đều được xem là “tiên tiến”. Sự gia tăng của hệ thống phòng không hiện đại kể từ những năm 1990 dẫn đến việc cần phải bố trí nhiều lực lượng và nguồn lực hơn để loại bỏ những mối đe dọa này hơn nhiều so với máy bay chiến đấu đối không.

Thêm vào đó, sương mù và sự khác biệt của thực chiến với lý thuyết dẫn đến việc luôn xảy ra.

Giải pháp cuối cùng thường không phải là vùng cấm bay mà nên là nỗ lực phòng thủ đối phó với các khu vực do các lực lượng thiện chiến nắm giữ.

'Sức quyến rũ' nguy hiểm của vùng cấm bay
Bà Daria Kaleniuk đề nghị Thủ tướng Anh Boris Johnson và các nhà lãnh đạo NATO thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine tại họp báo ngày 1/3. (Nguồn: Sky News)

Châm ngòi leo thang xung đột

Việc thiết lập vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine chắc chắn sẽ châm ngòi leo thang lớn trong cuộc xung đột Nga-Ukraine. Điều này sẽ đưa NATO và thậm chí cả các lực lượng châu Âu khác vào cuộc xung đột trực tiếp với Nga.

Không rõ lợi thế quân sự nào có thể thu được khi áp dụng phương án này khi phần lớn thương vong của Ukraine dường như không phải do không quân mà do pháo binh. Trong khi đó, các cuộc tấn công chính xác của Nga là bởi các tên lửa hành trình và đạn đạo, một khi đã bắn ra thì không thể bị máy bay đánh chặn trong vùng cấm bay.

Trên thực tế, việc Nga chưa có ưu thế trên không không hẳn cản trở đáng kể đến bước tiến của họ. Ukraine cũng không kiểm soát bầu trời của mình nên hai bên có sự ngang bằng về không quân.

Tuy nhiên, việc thực thi vùng cấm bay sẽ đòi hỏi NATO phải đưa các lực lượng liên quân trực tiếp vào vùng không phận mà cả hai bên đang giao tranh và chịu rủi ro cực cao từ hệ thống phòng không của cả Nga và Ukraine.

Mặt khác, hệ thống phòng không trên mặt đất ở các quốc gia có chung biên giới chỉ có thể chỉ huy vùng trời nơi máy bay Nga không bay, không có tác dụng thực tế ngoại trừ việc cam kết với NATO.

Phản ứng rõ ràng của Nga với việc đưa máy bay từ bên ngoài vào Ukraine sẽ là một yếu tố leo thang khác.

Đối với trường hợp Ukraine, vùng cấm bay về cơ bản như một tuyên bố chính trị. Trong trường hợp này, tuyên bố chính trị không chỉ là mối đe dọa, mà đó là sự leo thang trực tiếp và mở rộng xung đột nói chung, và NATO khi đó là bên tham chiến trực tiếp.

Do đó, việc áp đặt vùng cấm bay tại Ukraine sẽ khiến NATO trở thành một phần của xung đột trong khi Ukraine chưa gia nhập liên minh này.

Đối với tình hình Ukraine hiện tại, vùng cấm bay là một công cụ sai lầm và sẽ tạo ra những kết quả nguy hiểm và hủy diệt đối với Mỹ và các đồng minh NATO.

Mai Linh