Tin thế giới 10/3: Tổng thống Nga và Ukraine sẽ gặp mặt trực tiếp? Ukraine kêu gọi thỏa hiệp; Covid-19 còn lâu mới kết thúc

Đối ngoại - Ngày đăng : 21:31, 10/03/2022

Đàm phán Nga-Ukraine, Xung đột Nga-Ukraine, Hàn Quốc và Hungary có tân Tổng thống; Triều Tiên phát triển vệ tinh do thám quân sự... là những sự kiện quốc tế nổi bật 24 giờ qua.
Tin thế giới 10/3: Tổng thống Nga và Ukraine sẽ gặp mặt trực tiếp? Ukraine kêu gọi thỏa hiệp; Covid-19 còn lâu mới kết thúc
Ngày 10/3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã có cuộc gặp người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba tại Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: Anadolu)

Đàm phán Nga-Ukraine:

Kiev đề xuất Tổng thống Nga-Ukraine đàm phán trực tiếp

Ngày 10/3, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov trả lời báo chí rằng, Moscow tiếp tục nhận được đề xuất của Kiev về các cuộc đàm phán giữa Tổng thống Vladimir Putin của Nga và Vladimir Zelensky của Ukraine.

Ông Peskov giải thích rằng các cuộc tham vấn về vấn đề này hiện đang là một phần của cuộc đàm phán giữa các bộ trưởng ngoại giao hai nước, được tổ chức tại Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ.

Người phát ngôn Điện Kremlin đánh giá, cuộc gặp có ý nghĩa quan trọng đối với tiến trình đàm phán giữa Nga và Ukraine.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bắt đầu cuộc gặp người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc họp trên do Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu làm trung gian.

Cuộc gặp diễn ra bên lề Diễn đàn ngoại giao Antalya, theo đề xuất của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đưa ra trong cuộc điện đàm ngày 6/3 với Tổng thống Nga Vladimir Putin. (TASS)

Nga-Ukraine cứng rắn sau cuộc họp bộ trưởng ngoại giao

Phát biểu sau cuộc họp với người đồng cấp Ukraine, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết, Moscow đã trình bày các đề xuất của mình với Kiev và muốn được hồi đáp.

Ngoại trưởng Lavrov bảo lưu quan điểm Moscow không có kế hoạch tấn công nước nào, nhưng chính Ukraine là bên tạo ra mối đe dọa đối với Nga.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga nhấn mạnh việc Ukraine cần là một nước trung lập. Ông Lavrov đồng thời tuyên bố Moscow ủng hộ bất kỳ cuộc tiếp xúc nào để giải quyết các vấn đề liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine và sẽ tiếp tục tìm lối thoát cho vấn đề này.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết ấn tượng của ông sau cuộc gặp là Nga sẽ không thiết lập một lệnh ngừng bắn ở thời điểm này.

Ông Kuleba kêu gọi Nga cho phép dân thường sơ sán khỏi thành phố Mariupol thông qua một hành lang nhân đạo. Ông nhấn mạnh Ukraine sẵn sàng cho một giải pháp ngoại giao song khẳng định sẽ bảo vệ đất nước. (Reuters/AFP)

Ukraine sẵn sàng thỏa hiệp để chấm dứt chiến tranh

Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố ông sẵn sàng thỏa hiệp với Nga để chấm dứt chiến tranh, nhưng những nhượng bộ đó không được phản bội lại đất nước.

"Trong bất cứ cuộc đàm phán nào, mục tiêu của tôi luôn là chấm dứt giao tranh với Nga. Và tôi đã sẵn sàng cho những bước đi nhất định", Tổng thống Ukraine Zelensky nhấn mạnh.

Theo lời nhà lãnh đạo Ukraine, Nga cũng cần sẵn sàng thỏa hiệp, bởi đó là cách duy nhất chấm dứt tình thế hiện nay.

Tuy nhiên, ông Zelensky đã không thông tin chi tiết về các thỏa hiệp mà Ukraine sẵn sàng đề nghị phía Nga. Ông kêu gọi Tổng thống Nga Putin đối thoại trực tiếp. (Bild)

Xung đột Nga-Ukraine:

Nga công bố thêm chiến tích ở Ukraine

Truyền thông Nga dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng nước này Igor Konashenkov ngày 10/3 tuyên bố, Moscow đã phá hủy 2.911 cơ sở hạ tầng quân sự ở Ukraine cho đến nay.

Ngoài ra, ông cũng cho biết, quân đội Nga đã giành quyền kiểm soát một số khu vực lân cận ở thành phố bị bao vây Mariupol, miền Nam Ukraine. (Reuters)

Nga-Ukraine "đấu khẩu" về cuộc tấn công vào một bệnh viện

Ngày 9/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cáo buộc Nga tiến hành tội ác diệt chủng khi máy bay Nga ném bom nhằm vào một bệnh viện nhi ở Mariupol. Theo đó, vụ tấn công này đã khiến 3 người, trong đó có một trẻ em thiệt mạng.

Nga đã bác bỏ thông tin này. Cụ thể, này 10/3, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định cáo buộc của Ukraine là sai sự thật và là một hành động “khủng bố thông tin”.

Ngoài ra, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng cho biết vụ đánh bom vào một bệnh viện nhi của Ukraine vào hôm 9/3 xảy ra sau khi lực lượng Ukraine tiếp quản cơ sở này và không có bệnh nhân ở đó.

Ông Lavrov cho rằng các phương tiện truyền thông phương Tây chỉ nêu quan điểm của Ukraine. (TASS)

Ukraine mở 7 hành lang nhân đạo

Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk thông báo nước này mở 7 hành lang nhân đạo trong ngày 10/3 để người dân sơ tán khỏi các thành phố xảy ra chiến sự, trong đó có cảng biển Mariupol ở miền Nam.

Theo thống kê của Lực lượng bảo vệ biên giới Ba Lan, 1,43 triệu người từ Ukraine đã vào nước này kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự vào ngày 24/2. Tính riêng trong ngày 9/3, có 117.600 người đã vào Ba Lan. (Reuters)

Pháp nêu quan điểm về vấn đề Ukraine gia nhập EU

Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp Clement Beaune cho rằng việc Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu (EU) “không thể giải quyết trong ngày mai”.

Tuyên bố được ông Beaune đưa ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo EU đang nhóm họp tại Pháp để thảo luận về cuộc khủng hoảng do chiến dịch quân sự của Nga vào Ukraine.

Theo ông Beaune sẽ cần có thời gian cho các cuộc tranh luận về việc có hay không để Ukraine nhanh chóng gia nhập EU như một hành động thể hiện tình đoàn kết với Kiev trước Nga. (AFP)

Tổng thống đắc cử Hàn Quốc điện đàm với Tổng thống Mỹ

Ngày 9/3, cuộc bầu cử Tổng thống lần thứ 20 ở Hàn Quốc đã tìm ra được gương mặt mới chèo lái đất nước, đó là ông Yoon Suk-yeol của đảng Sức mạnh Quốc dân (PPP).

Với 99,2% số phiếu được kiểm, ông Yoon Suk-yeol giành được 48,6% số phiếu ủng hộ so với mức 47,8% của ứng cử viên Lee Jae-myung thuộc đảng Dân chủ (DP) cầm quyền. Chiến thắng của ông Yoon là vô cùng sít sao bởi khoảng cách chênh lệch giữa hai ứng cử viên chỉ là 0,8%, tương đương 250.000 phiếu.

Ngày 10/3, ông Yoon Suk-yeol có cuộc điện đàm đầu tiên với Tổng thống Mỹ Joe Biden, chưa đầy một ngày sau khi ông giành chiến thắng.

Trong cuộc điện đàm, Tổng thống Mỹ bày tỏ mong đợi việc tăng cường hợp tác song phương trong việc đối phó với Triều Tiên cũng như các thách thức toàn cầu quan trọng như đại dịch Covid-19.

Ông Biden nhấn mạnh sức mạnh của liên minh Mỹ-Hàn, vốn được Nhà Trắng xem là "nền tảng cho hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương".

Hai bên cũng nhất trí duy trì sự phối hợp chặt chẽ trong việc giải quyết các mối đe dọa từ các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Giới quan sát nhận định, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Hàn Quốc có thể tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh lần đầu tiên vào cuối tháng Năm, ngay sau khi ông Yoon Suk-yeol tiến hành lễ nhậm chức dự kiến vào ngày 10/5 tới. (Yonhap/Reuters)

Lãnh đạo Đức-Pháp thảo luận

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 10/3 đã thảo luận về các biện pháp ngoại giao để giải quyết xung đột ở Ukraine và thiết lập các hành lang nhân đạo để sơ tán dân thường.

Theo Điện Kremlin, trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo Nga và Đức đã thảo luận về “các khía cạnh nhân đạo” ở Ukraine và các khu vực ly khai.

Tổng thống Putin đã thông báo cho Thủ tướng Scholz về các biện pháp đang được thực hiện để sơ tán dân thường và “âm mưu của các tay súng dân tộc chủ nghĩa” nhằm phá hoại kế hoạch đó. (Sputnik)

Triều Tiên phát triển vệ tinh do thám quân sự

Ngày 10/3, phát biểu khi thị sát Cơ quan Phát triển hàng không vũ trụ quốc gia (NADA), Tổng Bí thư đảng Lao động Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong-un nêu rõ việc phát triển vệ tinh do thám góp phần quan trọng vào việc đạt được 5 mục tiêu lớn về phát triển sức mạnh quốc phòng đã đề ra tại Đại hội Đảng lần thứ 8 năm ngoái, đồng thời nhấn mạnh một lần nữa ý nghĩa chiến lược của vệ tinh này trong việc nâng cao khả năng răn đe của Triều Tiên.

Ông nêu rõ việc phát triển vệ tinh trinh sát không chỉ đơn thuần là một công trình nghiên cứu khoa học nhằm phát triển các phương tiện thu thập thông tin, mà là một nhiệm vụ góp phần bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia và thực hiện quyền tự vệ chính đáng của Triều Tiên.

Dự kiến, trong kế hoạch 5 năm được công bố lần đầu vào năm ngoái, Triều Tiên sẽ đưa nhiều vệ tinh do thám quân sự lên quỹ đạo địa cực đồng bộ với Mặt Trời. (KCNA)

Covid-19 còn lâu mới kết thúc

Ngày 10/3, Tổng giám đốc của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Đại dịch Covid-19 còn lâu mới kết thúc”.

Hai năm trôi qua kể từ khi Covid-19 chính thức được gọi là đại dịch, ông Ghebreyesus nói rằng virus vẫn đang phát triển và bùng phát mạnh mẽ ở một số nơi trên thế giới.

"Hai năm sau, hơn 6 triệu người đã chết vì Covid-19, gần 444 triệu trường hợp được ghi nhận mắc bệnh. Giờ đây, mặc dù các trường hợp mắc và tử vong vì Covid-19 được báo cáo đang giảm trên toàn cầu và một số quốc gia đã dỡ bỏ các hạn chế, nhưng đại dịch vẫn chưa kết thúc - và nó sẽ không kết thúc ở bất cứ đâu cho đến khi nó kết thúc ở khắp mọi nơi" – ông Ghebreyesus phát biểu.

WHO cho biết việc tiếp cận không bình đẳng đối với vaccine Covid-19, các xét nghiệm và phương pháp điều trị vẫn còn diễn ra không kiểm soát được, do đó kéo dài đại dịch. (Times of Israel)

Một số tin quốc tế nổi bật khác:

Bosnia muốn đẩy nhanh quá trình kết nạp vào EU: Ngoại trưởng Bosnia Bisera Turkovic đã đề nghị người đồng cấp Đức Annalena Baerbock ủng hộ yêu cầu của Bosnia về việc đẩy nhanh chấp thuận tư cách thành viên EU của nước này. (Reuters)

Phát hiện phòng thí nghiệm sinh học ở Ukraine: Ngày 9/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng, Mỹ phải giải thích với cộng đồng quốc tế về mục đích của các phòng thí nghiệm sinh học do Washington tài trợ ở Ukraine.

Belarus sẽ bảo vệ Nga từ phía sau: Hãng BelTa đưa tin, ngày 10/3 Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã chỉ thị cho Bộ Quốc phòng nước này rằng quân đội Belarus phải ngăn chặn bất kỳ nỗ lực nào nhằm cắt đứt các đường tiếp tế và tấn công lực lượng Nga từ phía sau.

Hungary có nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử: Quốc hội Hungary đã bầu bà Katalin Novak làm nữ tổng thống đầu tiên của đất nước, giành chiến thắng trước nhà kinh tế học Peter Rona.

Quang Đào