Giá lúa mì tăng cao kỷ lục
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 12:14, 10/03/2022
Giá lúa mì kỳ hạn giao sau trên Sàn giao dịch nông sản Chicago đã tăng kịch trần trong 6 phiên liên tiếp, tăng 7% lên 12,94 USD/giạ.
Tuần trước, lúa mì là mặt hàng nguyên liệu tăng giá mạnh nhất thế giới. Giá lúa mì tuần qua đã tăng đột biến, tới 41%, lên mức cao nhất kể từ năm 2008. Đây là mức tăng lớn nhất trong 6 thập kỷ qua. Tính chung 2 tuần qua, giá lúa mì đã tăng hơn 60%.
Theo các nhà phân tích, xung đột giữa Nga và Ukraine đã cắt đứt một trong những nguồn cung cấp bánh mì hàng đầu thế giới, nguy cơ gây ra một cuộc khủng hoảng lương thực trên toàn cầu.
Lúa mì là loại ngũ cốc được sử dụng phổ biến trên thế giới |
Căng thẳng Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Việc này ảnh hưởng đến nguồn cung lúa mì từ Nga và Ukraine. Bởi Nga là một trong những quốc gia xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới. Còn Ukraine cũng chiếm 25% lượng xuất khẩu lúa mì toàn cầu.
Các nhà nhập khẩu lúa mì trên thế giới đang đối mặt với mối đe dọa nguồn cung bánh mì sau khi Nga tấn công Ukraine, khiến họ không thể tiếp cận nguồn lúa mì có giá thấp hơn ở Biển Đen. Xung đột khiến các cảng ở Ukraine bị đóng cửa, còn thương mại với Nga bị kìm hãm bởi các lệnh trừng phạt.
Cuộc khủng hoảng ở khu vực biển Đen gây nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng lúa mì, làm lệch cán cân cung - cầu lúa mì trên toàn thế giới trong năm nay. Ước tính có khoảng 10-12 triệu tấn lúa mì ở biển Đen sẽ không thể xuất khẩu trong thời gian tới do những căng thẳng trong khu vực.
Các nước nhập khẩu lúa mì lớn đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn cung thay thế, bởi lúa mì là mặt hàng không dễ tăng sản lượng trong thời gian ngắn.
Giá lúa mì tăng cao kỷ lục |
Lúa mì là loại ngũ cốc được sử dụng phổ biến trên thế giới, từ bánh mì, mì sợi, bánh quy đến thức ăn chăn nuôi. Giá cả lúa mì tăng cao làm trầm trọng thêm nỗi lo về lạm phát lương thực trên toàn cầu.
Ngày 4/3, Tổ chức Nông nghiệp và lương thực Liên Hiệp Quốc (FAO) cho biết chỉ số giá lương thực của FAO (FFPI) đã tăng lên mức kỷ lục, dẫn đầu là các sản phẩm từ sữa và dầu thực vật, giá ngũ cốc và thịt cũng tăng lên. Tháng 2 vừa qua, chỉ số FFPI là 140,7 điểm, tăng 3,9% so với tháng 1 và tăng 24,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
FAO cũng cảnh báo giá lương thực tăng cao đang khiến người dân nghèo gặp khó khăn hơn ở các nước phụ thuộc vào nhập khẩu.
Linh Anh