Phục hồi sau nhiễm Omicron, nhiều người tính ‘xách balo lên và đi’
Đối ngoại - Ngày đăng : 07:10, 09/03/2022
Biến chủng Omicron có thể mang lại lợi ích cho ngành công nghiệp du lịch, bởi nhiều người phục hồi sau thời gian mắc Covid-19 đã tính chuyện đi du lịch để xả hơi sau thời gian dài bị kìm hãm chỉ ở trong nhà. Nhiều người cho rằng sau thời gian nhiễm Omicorn và khỏi bệnh, họ không còn nguy cơ bị tái nhiễm virus corona khi đi ra nước ngoài.
Theo phóng viên du lịch của hãng tin CNA Raini Hamdi, khi di chuyển từ Singapore đến Thụy Sĩ qua Bangkok của Thái Lan vào tuần trước, anh này không cần làm xét nghiệm hay tải bất cứ ứng dụng truy vết nào, mà chỉ cần trình giấy xác nhận đã tiêm phòng vắc xin Covid-19.
Du khách ngồi trên bãi biển ở đảo Bali của Indonesia. (Ảnh: EPA-EFE) |
Sau giai đoạn phần lớn các nước vượt qua làn sóng dịch Covid-19 do biến chủng Delta lây lan, ngành công nghiệp du lịch đã hy vọng về thời kỳ khởi sắc. Nhưng biến chủng Omicron xuất hiện vào cuối năm 2021 đã khiến ngành du lịch trở lại thời kỳ phục hồi chậm chạp. Thậm chí, nhiều nước còn ban hành hàng loạt quy định hạn chế đi lại trước dịp cao điểm lễ Giáng sinh năm 2021.
Từ đây, số ca nhiễm biến chủng Omicron đạt kỷ lục ở nhiều quốc gia. Song tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng khiến chính phủ nhiều nước chấp nhận thực tế du khách quốc tế không còn là mối nguy hiểm cho người bản địa.
Đây cũng là lý do chính phủ một số nước đã gỡ bỏ dần các quy định hạn chế đi lại và chấp nhận sống chung với Covid-19. Điển hình, Singapore thông báo mở rộng các đường bay dành cho hành khách đã tiêm phòng vắc xin Covid-19 từ ngày 4/3.
Tỷ lệ tiêm phòng vắc xin Covid-19 ở mức cao là một phần trong lý do chính phủ nhiều nước mở cửa trở lại đón du khách nước ngoài. Song trước khi Omicron xuất hiện, một số người vẫn chần chừ chọn di chuyển bằng đường hàng không ngay cả khi quy định miễn cách ly với hành khách đã tiêm phòng được thực thi. Nguyên nhân là do hành khách lo ngại nguy cơ không may nhiễm virus corona ở nước ngoài.
Bạn phải làm gì khi có kết quả dương tính với Covid-19 khi đang ở nước ngoài? Làm thế nào để được chăm sóc y tế khi không thể nói tiếng bản địa? Làm thế nào để sắp xếp chỗ ở khi không may nhiễm bệnh, cũng như khả năng phải nghỉ thêm 2 tuần so với kế hoạch nghỉ phép ban đầu dẫn tới phiền hà cho công ty?
Tất cả những lo ngại trên đã được xóa bỏ đối với không ít người từng nhiễm Omicron và đã khỏi bệnh. Họ cảm thấy an tâm hơn bởi khả năng miễn dịch của cơ thể và từ đó chuẩn bị kế hoạch xách balo lên đường để thỏa mãn cơn khát du lịch.
Vé máy bay bán tăng vọt
Số liệu mà Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cung cấp cho thấy sự gia tăng ở mức cao nhất lượng vé quốc tế được bán ra trong tháng Một và Hai năm nay kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Riêng vào đầu tháng Hai, doanh số bán vé du lịch đạt một nửa so với tháng 2/2019, nghĩa là trước khi dịch Covid-19 xuất hiện.
Theo IATA, xu hướng này cho thấy nhiều quy định đi lại trên khắp thế giới đã được nới lỏng như ở Australia, Pháp, Philippines, Anh, Thụy Sĩ và Thụy Điển.
Người Singapore cũng không thể chờ đợi thêm để đi du lịch sau 2 năm chỉ ngồi trong nhà. Skyscanner, ứng dụng đặt vé máy bay, đặt phòng và đặt xe giá rẻ khá nổi tiếng ở các nước trên thế giới, ghi nhận lượng tìm kiếm tăng 71% trong tháng Một so với tháng 12/2021. Những điểm đến hàng đầu được người dân Singapore tìm kiếm là Manila, Seoul, London, Kuala Lumpur và Melbourne.
Công ty phân tích du lịch ForwardKeys cũng cho hay lượng đặt phòng của du khách Singapore đến Australia cũng đã tăng 179%, sau khi chính phủ Australia tái mở cửa biên giới.
Trên thực tế, điều khiến khách hàng lo ngại nhất hiện nay chính là việc các hãng hàng không sẽ cho tăng giá bán vé máy bay để bù đắp chi phí nhiên liệu tăng cao mà nguyên nhân là do tác động từ cuộc chiến ở Ukraine. Theo đó, giá dầu đã lần đầu tiên trong 7 năm vượt mức 100 USD/thùng.
Ngoài ra, Trung Quốc, thị trường du lịch nước ngoài lớn nhất thế giới, cũng chỉ cho phép người dân đi du lịch một khi thực hiện cách ly từ 14 - 21 ngày khi trở về. Trong khi, quy định cách ly này tại nhiều quốc gia đã giảm bớt hoặc loại bỏ.
Theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc và Tổ chức Du lịch Quốc tế của Liên Hợp Quốc, du khách Trung Quốc thực hiện 169 triệu chuyến đi trong năm 2019 và tiêu xài khoảng 255 tỉ USD khi ở nước ngoài.
Có thể nói, đại dịch Covid-19 không giống như bất kỳ cuộc khủng hoảng nào mà ngành công nghiệp du lịch từng phải đối mặt. Tình trạng mất việc và lệnh đóng cửa biên giới đã tạo ra sự thiếu hụt lao động quy mô lớn trong ngành du lịch hiện nay.
Minh Thu (lược dịch)