Phải làm gì khi phát hiện những triệu chứng hậu COVID-19 kéo dài?

Tin Y tế - Ngày đăng : 19:00, 08/03/2022

Hiện nay việc điều trị tình trạng hậu COVID-19 là điều trị không đặc hiệu, có nghĩa là điều trị triệu chứng, chăm sóc toàn diện, phục hồi chức năng. Báo Lao Động trích đăng bài viết của PGS.TS. Nguyễn Đình Tiến, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 về vấn đề này để mọi người chú ý theo dõi tình trạng sức khoẻ sau khi mắc bệnh.

Triệu chứng hậu COVID-19 rất đa dạng

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đa số người bệnh hồi phục hoàn toàn sau khi mắc COVID-19, nhưng có khoảng từ 10  đến 20% bị ảnh hưởng lâu dài biểu hiện ở mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng, đó là tình trạng hậu COVID-19. Bệnh sau khi mắc COVID-19 là một loạt các vấn đề về sức khỏe mới, mà mọi người có thể gặp phải  trong khoảng bốn tuần trở lên sau lần đầu tiên bị lây nhiễm virus.

Thậm chí những người không có các triệu chứng COVID-19 trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần sau khi bị lây nhiễm có thể có các biểu hiện hậu COVID-19. Những tình trạng này có thể xuất hiện rất đa dạng có thể đồng thời cùng một lúc hoặc trong khoảng thời gian khác nhau.

Hiện nay, các chuyên gia trên toàn thế giới đang nỗ lực tìm hiểu thêm về các ảnh hưởng ngắn hạn và dài hạn đối với sức khỏe liên quan đến COVID-19. Các triệu chứng và ảnh hưởng của nó cũng cần chú ý chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác.

Biểu hiện thường gặp hậu COVID-19

Một số người có thể gặp phải một số triệu chứng ngay từ khi mắc COVID-19 và có thể kéo dài nhiều tuần hay nhiều tháng kể từ lần đầu tiên bị nhiễm virus nhưng cũng có thể phát sinh hoặc tái phát triệu chứng ở giai đoạn hồi phục. Không giống như một số loại hội chứng hậu bệnh lý khác có xu hướng chỉ xảy ra ở những người đã bị bệnh nặng, còn hậu COVID-19  có thể xảy ra với bất kỳ ai đã bị mắc với các biểu hiện sau:

  • Khó thở hoặc cảm giác hụt hơi.
  • Mệt mỏi hay chóng mặt.
  • Các triệu chứng sẽ nặng hơn sau các hoạt động thể lực hoặc tinh thần.
  • Ảnh hưởng đến trí nhớ, khả năng tập trung tư tưởng và rối loạn giấc ngủ.
  • Ho kéo dài.
  • Đau ngực.
  • Thay đổi giọng nói.
  • Đau cơ.
  • Mất vị giác hoặc rối loạn cảm giác vị giác, khứu giác.
  • Đau đầu.
  • Đau cơ hay đau khớp.
  • Trầm cảm hoặc lo lắng.
  • Sốt.

Những người mắc tình trạng này sẽ ảnh hưởng rõ rệt tới các hoạt động trong cuộc sống, ảnh hưởng cả trong công việc, nội trợ và sinh hoạt hằng ngày.

Một số người đã từng mắc bệnh do COVID-19 nặng gặp phải các ảnh hưởng đa cơ quan hoặc bệnh tự miễn dịch trong một thời gian dài kèm theo các triệu chứng kéo dài nhiều tuần hoặc nhiều tháng sau khi mắc COVID-19. Ảnh hưởng đa cơ quan có thể tác động tới nhiều các cơ quan hệ thống trong cơ thể, bao gồm các chức năng tim, phổi, thận, da và não.

Các tình trạng tự miễn xảy ra khi hệ miễn dịch của bạn tấn công các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể do nhầm lẫn, gây viêm hoặc tổn thương mô ở những bộ phận cơ thể. Mặc dù rất hiếm nhưng một số người, chủ yếu là trẻ em, gặp phải hội chứng viêm đa hệ thống trong hoặc ngay sau khi nhiễm COVID-19.

Hội chứng viêm đa hệ thống là tình trạng khi đó các bộ phận cơ thể khác nhau bị viêm. Hội chứng  này  có thể dẫn đến các tình trạng sau khi mắc COVID nếu tiếp tục gặp các ảnh hưởng đa cơ quan hoặc có các triệu chứng khác.

Những việc cần làm khi phát hiện triệu chứng

Khi bạn thấy có những biểu hiện trên sau khi mắc COVID-19, bạn nên tìm đến nhân viên y  tế. Các bác sĩ sẽ xác định tình trạng bệnh và hướng dẫn điều trị triệu chứng và những chăm sóc sức khỏe cần thiết. Hiện nay, việc điều trị tình trạng hậu COVID-19 là điều trị không đặc hiệu, có nghĩa là điều trị triệu chứng, chăm sóc toàn diện, phục hồi chức năng. Hiện nay, chúng ta còn đang tiếp tục nghiên cứu xem tại sao một số người lại mắc tình trạng này, trong khi đa số không mắc, cơ chế bệnh sinh dẫn đến tình trạng này ra sao và cách xử trí điều trị tốt nhất cho tình trạng này.

Cách tốt nhất để ngăn ngừa các di chứng COVID là phòng ngừa tránh mắc bệnh COVID-19. Đối với những người không có chống chỉ định tiêm phòng COVID-19, hãy tiêm vaccine COVID-19 ngay khi có thể là cách tốt nhất để phòng tránh COVID-19 và cũng có thể giúp những người xung quanh nguy cơ mắc bệnh này.

PGS.TS. Nguyễn Đình Tiến, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108