Tàu tấn công đổ bộ đa năng Anadolu (L-400) của Thổ Nhĩ Kỳ
Đối ngoại - Ngày đăng : 15:14, 08/03/2022
Cấu hình kép
Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ công bố đầu tháng 3-2022, tàu tấn công đổ bộ Anadolu (L-400) sẽ bắt đầu quá trình thử nghiệm trên biển trong thời gian tới, và dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động vào cuối năm nay.
Anadolu (L-400) là lớp tàu tấn công đổ bộ (LHD) của Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ, vừa có cấu hình của một tàu sân bay hạng nhẹ. Theo kích thước thiết kế cuối cùng, tàu Anadolu (L-400) có chiều dài 231 m, chiều rộng 32 m và chiều cao 58 m. Độ mớn nước 6,8 m.
Tàu tấn công đổ bộ Anadolu (L-400) của Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Turkish MoD. |
Tàu có lượng choán nước đạt 24.660 tấn (trong cấu hình của tàu sân bay hạng nhẹ) hoặc 27.079 tấn (trong cấu hình nhiệm vụ của tàu tấn công đổ bộ). Tốc độ tối đa của Anadolu (L-400) khoảng 39,8 km/giờ trong cấu hình tàu sân bay hạng nhẹ, hoặc đạt vận tốc 54 km/giờ trong cấu hình tàu tấn công đổ bộ. Phạm vi hoạt động tối đa của tàu là 17.000 km.
Con tàu có diện tích sàn đáp 5.440 m2 và nhà chứa hàng không rộng 990 m2. Nó có thể chứa 12 máy bay trực thăng hạng trung hoặc 8 máy bay trực thăng hạng nặng Boeing CH-47F Chinook.
Trong trường hợp nhà chứa máy bay và nhà chứa xe chiến đấu hàng nhẹ được hợp nhất, con tàu có thể chở tới 25 máy bay trực thăng cỡ trung bình. Ngoài ra, con tàu có thể mang theo 10 máy bay chiến đấu F-35B và 12 máy bay trực thăng cỡ trung, kèm với khả năng chứa thêm 6 máy bay trực thăng trên boong đáp.
Sau khi biên chế vào Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ, Anadolu (L-400) sẽ trở thành tàu chiến lớn nhất trong lịch sử hạm đội nước này, vượt qua tuần dương hạm Yavuz (Goeben).
Dự án đầy tham vọng
Tàu L 400 Anadolu được đóng theo dự án hợp tác với Hiệp hội đóng tàu Tây Ban Nha Navantia. Con tàu này thực chất là một mẫu tương tự với tàu đổ bộ Juan Carlos I được đóng trước đây cho Hải quân Tây Ban Nha.
Dự án được ký kết giữa Sedef Gemi İnşaatı Sanayii A.Ş. với Cục Công nghiệp Quốc phòng (SSM), thuộc Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 7-5-2015. Sedef đã tham gia đấu thầu này với tư cách là đại diện của Hiệp hội Tây Ban Nha Navantia, với đề xuất về dự án tàu đổ bộ Juan Carlos I. Tổng chi phí của hợp đồng không được tiết lộ, song ước tính vào khoảng 1,4 tỷ USD.
Tháng 5-2019, tàu đổ bộ đa năng đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu (L400) được hạ thuỷ tại nhà máy đóng tàu Sedef Tuzla Tersanesi thuộc Sedef Gemi İnşaatı Sanayii A.Ş ở Tuzla (ngoại ô Istanbul).
Năm 2016, trong buổi lễ khởi công chính thức chế tạo Anadolu UDC tại nhà máy đóng tàu Sedef Tuzla Tersanesi, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã khẳng định, con tàu sẽ là bước đầu tiên trong quá trình đóng tàu sân bay Thổ Nhĩ Kỳ của riêng mình, đồng thời “Anadolu sẽ là tàu đầu tiên trong hạm đội sử dụng máy bay F-35B”.
Năm 2006, Thổ Nhĩ Kỳ đã khởi động Chương trình Havuzlu Çıkarma Gemisi (LPD) trị giá 1,7 tỷ USD, nhằm cung cấp một tàu đổ bộ đa năng cho hạm đội, cũng như 4 tàu đổ bộ loại LCM, 2 tàu đổ bộ nhỏ loại LCVP và 27 tàu đổ bộ chở quân ZAHA.
Nhà thầu chính cho LPD là một nhà máy đóng tàu tư nhân của Thổ Nhĩ Kỳ. Tháng 2-2010, Cục Công nghiệp Quốc phòng (SSM) đã gửi hồ sơ dự thầu cho 7 công ty đóng tàu Thổ Nhĩ Kỳ, gồm có ADIK, Çelik Tekne, Dearsan Shipyard, Desan Shipyard, RMK Marine, Sedef và Istanbul Naval Shipyard.
Tháng 5-2011, danh sách tham gia cạnh tranh cuối cùng chương trình LPD bao gồm: Sedef (trình bày dự án tàu đổ bộ Juan Carlos I của Hải quân Tây Ban Nha), RMK Marine (với dự án phát triển riêng với sự hỗ trợ từ công ty thiết kế của Anh) và Desan Shipyard (trình bày dự án Hanjin Heavy Industries của Hàn Quốc dựa trên tàu đổ bộ Dokdo). Kết quả, năm 2013 SSM đã trao cho hợp đồng cho Sedef.
Việc nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ lựa chọn dự án của Tây Ban Nha được xem là thành công xuất khẩu thứ hai của dự án Juan Carlos I do Navantia phát triển, sau hợp đồng cung cấp 2 tàu loại này với Australia.
Các tàu của Australia có thân tàu được chế tạo tại nhà máy đóng tàu Navantia ở El Ferrol, và được hoàn thiện sau đó ở Úc. Còn tàu đổ bộ của Thổ Nhĩ Kỳ được đóng hoàn toàn tại nhà máy đóng tàu Sedef Tuzla Tersanesi ở Tuzla.
Được biết, sau khi hoàn thành hạ thuỷ, tàu Anadolu sẽ cập cảng khô tại xưởng đóng tàu một thời gian. Theo điều khoản của hợp đồng, việc thử nghiệm trên biển phải được thực hiện từ 55-59 tháng sau khi khởi công. Do đó, việc đóng tàu Anadolu đang được tiến hành phần nào trước thời hạn, và ban quản lý Sedef trước đó đã bày tỏ sự sẵn sàng chuyển giao con tàu cho Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ sớm hơn thời hạn hợp đồng.
Ngoài ra, đầu năm 2017, công ty Sedef cho biết, họ đang đàm phán với Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ về việc đóng thêm tàu tấn công đổ bộ lớp Anadolu thứ hai.
MINH TUẤN (tổng hợp)