Bước ngoặt trong chương trình phòng thủ tên lửa của Hàn Quốc

Đối ngoại - Ngày đăng : 10:18, 08/03/2022

Dự án phát triển tên lửa đất đối không tầm xa (L-SAM) được coi là một phần cấu thành quan trọng thuộc chương trình phòng thủ tên lửa đa tầng của Hàn Quốc.

Cuối tháng trước, dưới sự giám sát của Cơ quan Phát triển quốc phòng Hàn Quốc (ADD), quân đội nước này đã thực hiện thành công vụ phóng thử L-SAM lần đầu tiên tại một bãi thử ở huyện Taean thuộc tỉnh Nam Chungcheong, cách thủ đô Seoul khoảng 150km về phía tây nam.

Hãng tin Yonhap cho biết, dù chi tiết về vụ phóng chưa được công bố nhưng nhiều khả năng mục đích chính là nhằm kiểm tra xem L-SAM có thể bay đúng quỹ đạo và chọn điểm rơi như đã định hay không.

Tạp chí quân sự Janes cho biết, L-SAM được ADD mô tả là “hệ thống vũ khí nội địa tiên tiến”. Tên lửa được thiết kế và chế tạo bởi các nhà thầu quốc phòng hàng đầu Hàn Quốc là Hanwha và LIG Nex1, bao gồm hai phiên bản riêng rẽ nhằm mục đích đánh chặn máy bay tầm cao cũng như tên lửa đạn đạo ở độ cao 50-60km và phạm vi 150km.

L-SAM được kỳ vọng sẽ góp phần tăng cường năng lực phòng thủ tên lửa của Hàn Quốc (ảnh minh họa). Ảnh: Defence Blog

Một khẩu đội L-SAM bao gồm một radar đa năng, một trung tâm chỉ huy và điều khiển, một trạm điều khiển chiến đấu và 4 bệ phóng gắn trên khung gầm xe tải.

Quân đội Hàn Quốc đặt mục tiêu hoàn tất công tác phát triển và triển khai L-SAM lần lượt vào các năm 2024 và 2026 như một mảnh ghép bổ sung đáng giá trong chương trình phòng thủ tên lửa nhiều lớp, vốn bao gồm tên lửa Patriot Advanced Capability-3 (PAC-3) của Mỹ và tên lửa đất đối không tầm trung nội địa Cheongung II (còn được gọi là KM-SAM).

Hiện lực lượng Mỹ cũng đang vận hành hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại thị trấn Seongju ở tỉnh Bắc Gyeongsang, miền Trung Hàn Quốc từ năm 2017 theo thỏa thuận giữa Seoul và Washington một năm trước đó, viện dẫn mối đe dọa tiềm tàng từ những vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Theo SCMP, ứng cử viên Yoon Suk-yeol của Đảng Quyền lực Nhân dân cũng cam kết sẽ xúc tiến mua thêm hệ thống THAAD để bảo vệ Seoul nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống tới đây. Được biết, mỗi khẩu đội THAAD trị giá khoảng 3 tỷ USD, có 6 xe phóng với 8 ống phóng tên lửa/xe.

Tuy nhiên, chính người dân cùng các nhà hoạt động chính trị Hàn Quốc lâu nay vẫn phản đối sự hiện diện của hệ thống THAAD trên lãnh thổ nước này vì cho rằng hệ thống gây ra các mối nguy hại về sức khỏe và môi trường, đồng thời có thể biến nơi họ sinh sống trở thành mục tiêu bị tấn công hàng đầu.

Ngoài ra, Trung Quốc, Nga và nhiều nước khác cũng phản đối Mỹ đặt lá chắn phòng không này ở Hàn Quốc, cho rằng hệ thống THAAD phá hoại nghiêm trọng thế cân bằng chiến lược trong khu vực và gây ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích an ninh của các quốc gia tại đây. Thêm vào đó, từ đầu năm nay, bán đảo Triều Tiên đã chứng kiến một loạt vụ thử nghiệm tên lửa của Bình Nhưỡng, làm dư luận xứ sở kim chi dấy lên những câu hỏi về khả năng đánh chặn tên lửa của nước này.

Trong bối cảnh như vậy, vụ phóng thử L-SAM thành công có thể giúp quân đội Hàn Quốc thúc đẩy tiến độ dự án để đưa vào triển khai theo kế hoạch, qua đó hoàn toàn có khả năng thay thế hệ thống THAAD của Mỹ. Khi đi vào hoạt động, L-SAM sẽ góp phần nâng cao tính độc lập, sự chủ động và tỷ lệ nội địa hóa trong chương trình phòng thủ tên lửa đa tầng của Hàn Quốc.

“Đây là bước tiến đáng kể bởi tính năng kỹ chiến thuật của L-SAM khá tương đồng với hệ thống THAAD. Mặt khác, việc phát triển và triển khai L-SAM sẽ đỡ tốn kém hơn nhiều cả về mặt kinh tế và thời gian so với quá trình đàm phán, mua sắm, bàn giao và vận hành hệ thống THAAD”, SCMP dẫn lời Tiến sĩ Kim Jung-sup, chuyên gia phân tích quân sự tại Viện nghiên cứu Sejong (Hàn Quốc) nhận định.

NGÂN ANH