'Lạm phát tăng chưa bao giờ là điều dễ chịu cho thị trường chứng khoán'
Kinh doanh - Ngày đăng : 10:13, 08/03/2022
Việc nhu cầu của người dân gia tăng khi cuộc sống trở lại bình thường mới sau đại dịch cùng những căng thẳng ở Ukraine khiến cho nguồn cung một số mặt hàng bị gián đoạn, điều này đã và đang đẩy giá của nhiều hàng hóa tăng lên, tiềm ẩn lạm phát cao do cầu kéo và chi phí đẩy.
Câu hỏi đặt ra hiện nay là mức lạm phát liệu có tiếp tục gia tăng trong thời gian tới? Nếu có, điều này sẽ tác động thế nào đến thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế đang trong quá trình phục hồi hậu Covid-19.
Chia sẻ tại Talkshow Phố Tài chính, ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng CTCT Chứng khoán MB (MBS) khẳng định áp lực lạm phát của Việt Nam trong năm 2022 chắc chắn sẽ cao hơn năm 2021.
Cụ thể, ông Tuấn cho rằng việc mở cửa lại nền kinh tế cộng thêm gói hỗ trợ kích thích tăng trưởng chuẩn bị triển khai mạnh mẽ trong thời gian tới sẽ khiến tổng cầu tăng mạnh. Trong khi đó, nguồn cung chưa thể quay lại một cách nhanh chóng, nhất là trong bối cảnh dịch Covid vẫn gây ra những đứt gãy của nguồn cung ứng trên toàn cầu. Do đó, áp lực lạm phát của Việt Nam sẽ có xu hướng cao hơn trong năm 2022.
“Chúng tôi đánh giá lạm phát của Việt Nam trong năm 2022 dự kiến ở mức 3,5% đến 4%. Tuy nhiên, căng thẳng ở Nga và Ukraine vẫn là yếu tố chưa thể lường trước được”, vị chuyên gia của MBS nói.
Theo ông Tuấn, khi áp lực lạm phát gia tăng, ngân hàng trung ương buộc phải sử dụng chính sách tiền tệ thắt chặt và tăng lãi suất huy động. Khi đó, dòng tiền từ thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường chứng khoán sẽ chuyển sang kênh tiền gửi tiết kiệm.
Bên cạnh đó, lạm phát gia tăng còn tạo sức ép đáng kể tới chi phí của các doanh nghiệp, đặc biệt là chi phí nhân công, chi phí lãi suất và chi phí đầu vào đối với một số doanh nghiệp. Điều này sẽ tác động đến triển vọng lợi nhuận của doanh nghiệp.
“Kết hợp cả hai yếu tố, lạm phát tăng chưa bao giờ là điều dễ chịu cho thị trường chứng khoán”, ông Tuấn đánh giá và hy vọng rằng NHNN sẽ đưa ra những chính sách điều hành “mềm dẻo” để duy trì lạm phát ở mức dưới 4%.
Trước áp lực lạm phát do cầu kéo và chi phí đẩy, vị chuyên gia của MBS cho rằng trong ngắn hạn nhà đầu tư có thể quan tâm đến những nhóm ngành được hưởng lợi từ các diễn biến về giá cả hàng hóa toàn cầu như thép, phân bón và các nhóm hàng hóa cơ bản.
Đối với nhà đầu tư dài hạn, mặc dù có các yếu tố khó khăn xảy ra nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn được dự báo tăng trưởng trong năm 2022, do đó ông Tuấn khuyến nghị nên tập trung vào những doanh nghiệp có sự phục hồi mạnh mẽ về lợi nhuận sau dịch Covid-19./.