Sức khỏe hậu COVID-19: Những điều cần lưu ý
Tin Y tế - Ngày đăng : 08:31, 07/03/2022
Người lớn tuổi và những người mắc nhiều bệnh nền có nhiều khả năng gặp phải các triệu chứng COVID-19 kéo dài, nhưng ngay cả những người trẻ tuổi, người khỏe mạnh cũng có thể cảm thấy không khỏe trong vài tuần đến vài tháng sau khi nhiễm bệnh.
Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến kéo dài theo thời gian bao gồm: Mệt mỏi, thở ngắn hơi hoặc khó thở, ho, đau cơ, khớp, tức ngực, gặp các rối loạn về trí nhớ, khả năng tập trung hoặc giấc ngủ, đau đầu, nhịp tim nhanh hoặc cảm giác trống ngực, giảm mùi vị, ngon miệng, trầm cảm hoặc lo lắng, sốt, chóng mặt khi đứng. Các triệu chứng nặng hơn sau các hoạt động thể chất hoặc tinh thần.
Một số tổn thương nội tạng do COVID-19 gây ra
Mặc dù COVID-19 được xem như một căn bệnh ảnh hưởng chủ yếu đến phổi, nhưng nó cũng có thể gây tổn hại đến nhiều cơ quan khác, bao gồm tim, thận và não. Tổn thương nội tạng có thể dẫn đến các biến chứng sức khỏe kéo dài sau khi bị bệnh COVID-19.
Ở một số người, các ảnh hưởng sức khỏe lâu dài có thể bao gồm các vấn đề về hô hấp, biến chứng tim, suy thận mãn tính, đột quỵ và hội chứng Guillain-Barre. Một số trẻ em gặp phải hội chứng viêm đa hệ thống sau khi chúng trải qua giai đoạn nhiễm COVID-19. Trong tình trạng này, một số cơ quan và mô bị viêm nghiêm trọng.
Hình thành cục máu đông và các vấn đề về mạch máu
COVID-19 có thể làm cho các tế bào máu dễ tụ lại và hình thành cục máu đông. Trong khi các cục máu đông lớn có thể gây ra các cơn đau tim và đột quỵ, phần lớn các tổn thương tim do COVID-19 gây ra được cho là xuất phát từ các cục máu đông rất nhỏ làm tắc nghẽn các mạch máu nhỏ (mao mạch) trong cơ tim.
Các bộ phận khác của cơ thể bị ảnh hưởng bởi cục máu đông bao gồm phổi, chân, gan và thận. COVID-19 cũng có thể làm suy yếu các mạch máu, tiềm ẩn góp phần gây ra ảnh hưởng đến gan và thận mang tính lâu dài.
Các vấn đề về tâm trạng, rối loạn giấc ngủ và mệt mỏi
Những người có các triệu chứng nghiêm trọng của COVID-19 thường phải được điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt của bệnh viện, với sự hỗ trợ của máy thở. Những trường hợp sống sót sau giai đoạn này có thể phát triển hội chứng căng thẳng sau chấn thương COVID-19, trầm cảm và lo lắng.
Một số người khỏi bệnh COVID-19 đã tiếp tục phát triển hội chứng mệt mỏi mãn tính, một chứng rối loạn phức tạp đặc trưng bởi tình trạng mệt mỏi cực độ, trầm trọng hơn khi hoạt động thể chất hoặc tinh thần, nhưng không cải thiện khi nghỉ ngơi. Các nhà nghiên cứu khuyến cáo rằng các bác sĩ nên theo dõi chặt chẽ những người đã bị COVID-19 để xem các cơ quan của họ hoạt động như thế nào sau khi hồi phục.
Hậu COVID tác động rõ nét về sức khỏe tâm thần như xuất hiện các rối loạn lo âu, các biểu hiện trầm cảm, và các than phiền về chất lượng giấc ngủ.
Rối loạn giấc ngủ được ghi nhận phổ biến trong giai đoạn cấp tính của nhiễm COVID-19 hoặc sau khi hồi phục. Những vấn đề về giấc ngủ này có thể làm cho người bệnh (người nhiễm Covid) chịu đựng khó khăn trong một thời gian ở giai đoạn hồi phục.
Rối loạn giấc ngủ sau COVID-19, tình trạng thiếu ngủ cũng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống về mặt thể chất và tinh thần, vì vậy những vấn đề về giấc ngủ này phải được quan tâm, quản lý và hỗ trợ tư vấn cũng như trị liệu.
Giấc ngủ là một cơ chế sinh học quan trọng để duy trì cân bằng nội môi và chất lượng cuộc sống. Chất lượng giấc ngủ tăng lên có kết quả tích cực đối với sức khỏe thể chất và tinh thần, các vấn đề về giấc ngủ ảnh hưởng tiêu cực đến các phản ứng miễn dịch do tác động của chúng lên nhịp sinh học của cơ thể
Rối loạn điều hòa nhịp sinh học và giấc ngủ có thể liên quan đến nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2 cao hơn và mức độ nghiêm trọng của biểu hiện lâm sàng.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng giấc ngủ thích hợp không chỉ làm giảm tác hại nguy hiểm của các bệnh không lây nhiễm (NCD), mà còn dẫn đến tăng cường khả năng miễn dịch để bảo vệ chống lại các bệnh nhiễm vi rút khác nhau, vì vậy với cấu trúc giấc ngủ thích hợp, hệ thống miễn dịch được tăng cường làm giảm khả năng nhiễm COVID-19.
Hiểu biết về giấc ngủ và cách có giấc ngủ ngon
Giấc ngủ bao gồm một số giai đoạn khác nhau, từ ngủ (nhanh) nhẹ đến ngủ sâu với các giai đoạn ngủ chuyển động mắt nhanh (REM). Trong giấc ngủ REM, mắt của người ngủ chuyển động nhanh và giật dưới mí mắt. Đây là giai đoạn của giấc ngủ, trong đó có giấc mơ xảy ra. Thường thức giấc trong những giai đoạn nhẹ của giấc ngủ và đây không phải là điều đáng lo ngại.
Vệ sinh giấc ngủ (sleep hygiene) là thuật ngữ để chỉ tập hợp các phương pháp được thiết kế để giúp bạn chuẩn bị cho giấc ngủ. Bên cạnh những thực hành này, điều quan trọng là bạn cũng phải quan tâm đến thói quen của mình ở các khía cạnh khác như đảm bảo rằng bạn có chế độ ăn uống đầy đủ, tập thể dục và không bị tác động lo lắng trước đó.
Để có một giấc ngủ chất lượng tương đối đến tốt cần chú ý: Tránh caffeine, nicotine và rượu; Xây dựng một thói quen trước khi đi ngủ để chuẩn bị cho giấc ngủ
Duy trì thời gian "đi ngủ" và "thức dậy" đều đặn; Không nhìn đồng hồ; Tránh các bữa ăn nhiều trong vòng 2 giờ trước khi đi ngủ; Giảm ánh sáng, nhiệt độ và tiếng ồn trong phòng; Tránh tập thể dục quá sức trong vòng 2 giờ trước khi đi ngủ.
Giữ phòng ngủ chỉ dành cho giấc ngủ và sự thân mật. Nếu thức lâu hơn 20 phút, hãy ra khỏi giường, nghỉ ngơi và quay lại khi mệt mỏi.
Thư giãn với thời gian yên tĩnh để đọc sách, nghe nhạc, v.v. Loại bỏ màn hình khỏi phòng ngủ (TV, iPad, điện thoại di động, v.v.) Đừng lo lắng về việc không ngủ. Bạn càng lo lắng, bạn càng thức tỉnh.
Các loại thuốc chủ yếu được sử dụng để cải thiện chất lượng giấc ngủ bao gồm nhóm thuốc an thần gây ngủ, thuốc chống lo âu và chống trầm cảm. Ngoài ra cần thực hiện trị liệu phục hồi chức năng khác.