Lễ hội đền Xã Tắc nơi địa đầu biên giới
Du lịch online - Ngày đăng : 18:16, 06/03/2022
Đền Xã Tắc nằm tại phường Ka Long, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Đền được xây dựng theo hướng nam, trên một khu đất cao, thoáng mát với diện tích khuôn viên khoảng 20.000 m2, bên bờ sông Ka Long, sát biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Đền trước kia còn có tên là “Đàn miếu Xã Tắc Đại vương” (Nơi lập đàn để tế long thần thổ địa của bản thôn).
Đền Xã Tắc được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 13, đầu thế kỷ thứ 14 dưới thời nhà Trần để thờ thần Xã Tắc (Xã Tắc Đại Vương) - Bản cảnh thành hoàng của châu Móng Cái xưa. Ngoài ra, tại đây còn phối thờ Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng, Long thần thổ địa của bản thôn và các vị tiên công của những dòng họ đã có công đến khai khẩn vùng đất này. Hội đền Xã Tắc được tổ chức trong 2 ngày (2-3/3) hàng năm.
Lễ hội gồm nhiều hoạt động như lễ cáo yết, lễ cấp thủy, lễ mộc dục, lễ tế Xã Tắc... và các hoạt động trò chơi dân gian được tổ chức trong khuôn viên của đền. Ngày chính hội 3/3 là lễ ngênh thần (rước thần du xuân). Đoàn rước thu hút được đông đảo người dân và khách du lịch từ nhiều nơi đến tham gia.
Trước khai hội một ngày là lễ rước cấp thủy về thở Thánh. Một chiếc đò chở đội tế lễ thả xuôi dòng theo sông Ka Long để lấy nước. Ông Quỳnh (64 tuổi, trú phường Ka Long), cho biết khi dịch Covid-19 chưa bùng nổ, mỗi khi đền Xã Tắc tổ chức lễ hội và thả thuyền dọc theo sông để làm lễ cấp thủy là người dân phía Đông Hưng, Trung Quốc đứng dọc bờ sông để xem.
Nước từ sông Ka Long đựng trong bình bằng sành và được rước về bằng kiệu do 6 thanh niên trai tráng, khỏe mạnh khiêng. "Ý nghĩa của nghi thức Lễ rước cấp thủy về thờ Thánh nhằm mong ước thánh phù hộ cho người dân trong vùng luôn gặp được những điều may mắn, mùa màng tốt tươi, khỏe mạnh", một thành viên trong đoàn tế cho biết.
Anh Quân, trú phường Hải Hòa, cho biết gia đình anh có cửa hàng kinh doanh tại trung tâm thương mại sát biên giới. Anh Quân chuẩn bị lễ vật để dâng lên Xã Tắc Đại Vương cùng lời cầu mong cả gia đình được khỏe mạnh, công việc kinh doanh gặp được nhiều thuận lợi.
Ngoài những lễ vật như lợn, gà, vịt, các loại hải sản...còn có những đặc sản của vùng đất Móng Cái như bánh chưng và xôi ngũ sắc (5 màu) được người dân của các địa phương trong vùng Móng Cái chuẩn bị và trang trí bắt mắt để dâng lên đền.
Sau các nghi thức được tổ chức trong đền, đoàn rước sẽ rước bài vị của Xã Tắc Đại Vương cùng Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng du xuân theo trục đường dọc sông Ka Long. Người dân hai bên đường sắp mâm cỗ ngay trước cửa đển đón kiệu Thánh đi qua. Dương (24 tuổi, trú TP Hạ Long), đi cùng bạn đến đền du xuân và thắp hương. "Em cầu mong năm nay dịch bệnh Covid-19 sẽ hết để người dân quay trở lại cuộc sống bình thường. Em dự định thăm một số địa điểm du lịch của Móng Cái như mũi Sa Vĩ, biển Trà Cổ....".
Nguyễn Phương (lớp 11, trú phường Ka Long), chia sẻ năm thứ 2 liên tiếp được tham gia thực hiện các nghi thức tế lễ đền Xã Tắc. "Em học được nhiều bài học về lịch sử, văn hóa, tâm lịch, đặc biệt là ý nghĩa của đền Xã Tắc khẳng định chủ quyền của đất nước ở nơi biên giới", Phương chia sẻ.
Ông Sinh, viết thư pháp, cho biết năm nào đền tổ chức lễ hội ông đều mang bút và giấy đến đền để cho chữ. "Đây là ngôi đền có truyền thống lịch sử, là chốn linh thiêng để người dân thể hiện văn hóa, tín ngưỡng và gửi gắm những tâm tư, nguyện vọng rất đỗi đời thường của mình", ông Sinh chia sẻ.
Ông Đỗ Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP Móng Cái (Trưởng ban tổ chức), cho biết lễ hội đền Xã Tắc nằm trong chương trình kích cầu du lịch của tỉnh Quảng Ninh và là một trong những sự kiện của năm du lịch quốc gia 2022. Mọi năm lễ hội thu hút được nhiều người dân và khách du lịch tham gia, tuy nhiên năm nay do dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp nên công tác tổ chức được rút gọn và đảm bảo các nghi thức tâm linh.