Tiger Mk III: Phiên bản trực thăng tấn công mới của Pháp và Tây Ban Nha

Đối ngoại - Ngày đăng : 11:25, 06/03/2022

Airbus Helicopters vừa đạt thỏa thuận nâng cấp các máy bay trực thăng tấn công Tiger của Pháp và Tây Ban Nha lên phiên bản mới Tiger MkIII.

Hiện đại hóa “mãnh hổ”

Tổ chức Hợp tác vũ trang chung (OCCAR) mới đây đã thay mặt Cơ quan mua sắm vũ khí của Pháp (DGA) và Tổng cục Trang bị và vật tư Tây Ban Nha (DGAM) thực hiện ký kết hợp đồng nâng cấp trực thăng Tiger với công ty Airbus Helicopters.

Hợp đồng bao gồm việc phát triển gói nâng cấp, sản xuất, giao hàng và hỗ trợ ban đầu trong quá trình vận hành trực thăng tấn công Tiger Mk III hiện đại hóa.

Trực thăng Tiger của Lực lượng vũ trang Pháp. Ảnh: Airbus Helicopters

Dự án liên quan đến quá trình hiện đại hóa 42 máy bay trực thăng Tiger, trong đó có 25 chiếc của Lực lượng vũ trang Pháp và 18 chiếc của Lực lượng vũ trang Tây Ban Nha. Ngoài ra, hợp đồng còn mở khả năng tham gia chương trình từ phía Đức.

Trước đó, trong kế hoạch ngân sách nâng cấp tháng 12-2021, Tây Ban Nha cho biết sẽ có 85 chiếc Tiger được hiện đại hóa. Trong đó có 67 chiếc Tiger HAD của quân đội Pháp và 18 chiếc Tiger HAD/Es của quân đội Tây Ban Nha.

Công việc phát triển và hiện đại hóa dự án này sẽ được thực hiện tại các cơ sở của Airbus Helicopters ở Albacete (Tây Ban Nha), Marignane (Pháp) và Donauwoerth (Đức).

Dự kiến chuyến bay đầu tiên của phiên bản Tiger Tiger MkIII mới được lên kế hoạch vào năm 2025. Lần giao hàng đầu tiên cho DGA sẽ diễn ra vào cuối năm 2029, và cho DGAM vào năm 2030.

Theo Giám đốc điều hành Airbus Helicopters Bruno Even, chương trình Tiger MkIII sẽ cho phép các nước châu Âu có được dòng trực thăng tấn công hiện đại trong những thập kỷ tới. Theo ông, “nhờ vào quá trình hiện đại hóa này, các máy bay trực thăng Tiger tiếp tục là một sản phẩm quốc phòng quan trọng”, và thực sự là niềm tự hào của châu Âu.

Gia tăng sức mạnh

Dự án Tiger MkIII liên quan đến việc hiện đại hóa toàn diện các hệ thống trực thăng tấn công của châu Âu. Các tiêu chuẩn mới sẽ cung cấp cho nền tảng này khả năng sử dụng trong “chiến trường kỹ thuật số”. Cụ thể, có thể tiến hành các hoạt động chiến đấu như một phần của tổ hợp có người lái và không người lái, đồng thời trao đổi thông tin chiến thuật trong thời gian thực.

Tiger MkIII sẽ nhận được một bộ vũ khí mạnh mẽ, bao gồm pháo, tên lửa không dẫn đường và dẫn đường laser. Đồng thời, cải thiện khả năng phát hiện và đánh trúng mục tiêu. Việc tích hợp hệ thống điện tử hàng không hiện đại sẽ giảm tải công việc cho tổ lái, cho phép họ hoàn toàn tập trung vào một nhiệm vụ cụ thể.

Cấu hình hiện đại của phiên bản nâng cấp Tiger MkIII. Ảnh: Airbus

Cấu hình tiêu chuẩn của Tiger MkIII sẽ bao gồm ống ngắm Strix NG của Safran, bộ thiết bị điện tử hàng không FlytX của Thales, hệ thống nhắm mục tiêu TopOwl DD của Thales, hệ thống nhận diện “bạn-thù” nâng cấp của Indra, hệ thống định vị vệ tinh Thales và hệ thống dẫn đường quán tính của Safran.

Tổ hợp thông tin liên lạc sẽ được nâng cấp với việc lắp đặt thiết bị vô tuyến chiến thuật Thales Contact/Synaps và các kênh liên kết dữ liệu khác, để sử dụng kết hợp các phương tiện bay có người lái và không người lái.

Ngoài ra, phiên bản Tiger MkIII của Tây Ban Nha sẽ được trang bị hệ thống kiểm soát chiến đấu và các biện pháp đối phó do Indra phát triển. Các chức năng thông tin liên lạc SATCOM và Link 16 cũng được kích hoạt cho Lực lượng vũ trang Tây Ban Nha. Trong khi đó, phiên bản của Pháp có hệ thống kiểm soát chiến đấu do ATOS phát triển, còn các biện pháp đối phó của Thales.

Gói vũ khí trang bị cho Lực lượng vũ trang Pháp sẽ bao gồm tên lửa không đối đất MAST-F do nhóm MBDA phát triển và sản xuất, cùng với tên lửa không đối không Mistral-3. Đối với Tây Ban Nha, hệ thống vũ khí trang bị sẽ bao gồm tên lửa dẫn đường 70mm và một tên lửa không đối đất mới.

Hiện nay, Airbus Helicopters là nhà thầu cung cấp hầu như toàn bộ gói hỗ trợ cho các phi đội Tiger ở châu Âu. Năm 2019, một Hợp đồng Hỗ trợ Toàn cầu ba bên đã được Airbus Helicopters ký kết với OCCAR. Nó nhằm mục đích tăng cường khả năng sẵn sàng của các trực thăng chiến đấu đang phục vụ trong quân đội Pháp, Đức và Tây Ban Nha.

Nhờ hợp đồng này, tỷ lệ sẵn sàng cho các phi đội trực thăng Tiger trong Lực lượng vũ trang Pháp đã tăng lên đáng kể trong vài năm qua. Pháp, Tây Ban Nha và Đức cũng đang mong đợi thêm các kết quả khả quan hơn trong thời gian tới, sau khi hoàn thành hợp đồng nâng cấp với Airbus Helicopters.

MINH TUẤN (tổng hợp)