Chủ karaoke vùng cam dùng mặt bằng làm bãi giữ xe để trả chi phí nhân viên
Tin Y tế - Ngày đăng : 18:56, 05/03/2022
Theo ghi nhận, tại một số địa bàn thuộc vùng cam như đường Sư Văn Hạnh, Quận 10; đường Bình Thới, P.11, Quận 11),… các quán karaoke đều thực hiện việc đóng cửa, không nhận khách. Một số nhân viên ngồi ở cửa thở dài ngán ngẩm, một số khác lau chùi dọn dẹp lại phòng hát.
Loại hình kinh doanh dịch vụ karaoke ở TPHCM mới mở cửa trở lại chưa đầy 2 tháng, song phải tạm ngưng hoạt động đối với những địa bàn vùng cam. Mặc dù phải đóng cửa nhưng quán vẫn phải trả chi phí mặt bằng, chi phí sửa chữa bảo trì máy móc, trả lương nhân viên… Nhiều chủ lẫn nhân viên quán karaoke KT tại khu vực đường Sư Vạn Hạnh, Q.10 đều chung cảm xúc lo lắng lúc này.
“Quán bắt đầu hoạt động trở lại từ ngày 10.1.2022, tính đến nay chưa tròn 2 tháng song nay lại phải đóng cửa tiếp vì dịch COVID-19. Trước đó, khi hoạt động trở lại, mặc dù khách đông nhưng đến nay vẫn chưa bù lỗ được khoảng thời gian quán đóng cửa suốt nhiều tháng vì dịch bệnh” - ông Ngọc Khanh, quản lý quán Karaoke K.T cho biết.
Khó khăn chồng chất khó khăn, để tạo công ăn việc làm cho nhân viên, ông Khanh tận dụng mặt bằng quán karaoke của mình làm nơi giữ xe cho người dân. “Với tình hình này, chưa biết lúc nào quán mới hoạt động trở lại. Giải pháp tạm thời là tận dụng mặt bằng quán làm nơi giữ xe. Tiền thu được từ việc làm này sẽ chia cho nhân viên chi tiêu trong những ngày nghỉ việc”, ông Khanh cho biết thêm.
Anh Trần Văn Đức (nhân viên quán Karaoke 64, đường Sư Vạn Hạnh, Q.10) cho biết, mặc dù tạm ngưng hoạt động nhưng anh vẫn được hưởng lương, tuy nhiên chỉ khoảng 60%. Hơn 2 năm anh Đức làm việc tại quán karaoke này, đây lần thứ 5 anh phải tạm nghỉ việc vì dịch COVID-19.
Nhiều tháng liền trước đó, quán đóng cửa. Khi thành phố nới lỏng giản cách, anh Đức làm nhiều công việc khác nhau để mưu sinh và chăm lo cho gia đình của mình. Anh bày tỏ: “Vất vả đến mấy tôi cũng chịu được, mỗi tháng ngoài tự lo cho bản thân, tôi phải gửi 3 triệu đồng về quê để phụ chăm sóc cho ba mẹ già. Tôi hy vọng thời gian tới, quán được hoạt động trở lại để tôi có công việc ổn định hơn”.
Theo báo cáo của Sở Y tế TPHCM, trong tuần qua, thành phố có 13 phường, xã tăng cấp độ dịch COVID-19 lên cấp độ 3 (vùng cam) gồm: Phường 5 (Q.5); 4 phường 5, 7, 11 và 12 (Q.10); P.11 (Q.11); xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh); xã Bà Điểm (H.Hóc Môn) và 4 phường An Lợi Đông, An Phú, Tam Phú, Tăng Nhơn Phú B (TP.Thủ Đức).
Trong cuộc họp chiều 3.3, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức yêu cầu các phường ở cấp độ 3 (P.5 (Q.5); 4 phường 5, 7, 11 và 12 (Q.10); P.11 (Q.11); xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh); xã Bà Điểm (huyện Hóc Môn) và 4 phường An Lợi Đông, An Phú, Tam Phú, Tăng Nhơn Phú B (TP.Thủ Đức) cần siết chặt các hoạt động, nếu làm không nghiêm thì sẽ xử lý; đồng thời các quận, huyện cũng phải cử đoàn kiểm tra việc tuân thủ của cấp cơ sở để chấn chỉnh kịp thời.