5 lý do người hâm mộ Chelsea biết ơn Abramovich
Câu chuyện thể thao - Ngày đăng : 13:23, 05/03/2022
Không ít người vẫn đánh giá Chelsea là đội bóng không có lịch sử. Nhưng dưới thời Roman Abramovich, Chelsea đã làm nên lịch sử của mình. Báo chí Anh từng ví von điệu đà là trừ khi bạn đang sống trên sao Hỏa hoặc mới bắt đầu biết xem bóng đá thì không mới biết gì về vận may của Chelsea kể từ năm 2003. Điều này chủ yếu nhờ vào một người đàn ông, Roman Abramovich.
107 năm thăng trầm lịch sử của Chelsea có rất nhiều lần đã phải vài lần chiến đấu với việc lên xuống hạng. Nhưng kể từ khi tỷ phú người Nga tiếp quản năm 2003, ông đã biến đội bóng làng nhàng ở Tây London thành một trong những câu lạc bộ bóng đá lớn nhất châu Âu. Kỷ nguyên đó đang đếm những ngày cuối cùng đợi chuyển giao. Tờ Bleacherreport nhận định, dù ghét hay yêu, dù phản đối cuộc chiến Nga – Ukraine bằng cách nào thì người hâm mộ Chelsea cần biết ơn Abramovich vì 5 lý do sau:
Tiền bạc
Abramovich giàu có như bao ông chủ sở hữu các CLB bóng đá khác. Nhưng điều gì tạo nên sự khác biệt giữ ông chủ bí ẩn này với hầu hết đồng cấp? Đó là việc ông đổ tiền vào bóng đá mà người ta không thể biết mục tiêu là gì. Đến nay vẫn còn rất nhiều tranh cãi về việc Abramovich mua Chelsea. Ông chủ người Nga cũng không đặt nặng chuyện kinh doanh dù thống kê của Forbes ông đã đổ vào đây đến gần 2 tỷ bảng.
Tiềm lực tài chính giúp Chelsea mang về những cầu thủ hàng đầu thế giới và các HLV tài năng. Kể từ 2003, Chelsea đã thổi luồng gió mới vào cuộc đua ở giải Ngoại hạng, trở thành đối trọng lớn với nhóm Liverpool, Man United, Arsenal. Abramovich cũng mở ra xu hướng các tỷ phú thế giới đầu tư và mua lại các CLB Anh.
Man City và PSG hiện đang được xem là những CLB có mức chi tiêu lớn nhất cho lực lượng nhưng Chelsea mới là hình mẫu của việc đổ tiền vào bóng đá. Tất nhiên, hưởng lợi lớn nhất chính là các cầu thủ và HLV với mức lương cao ngất. Khi đội bóng thành công, niềm vui thuộc về các CĐV. Khoan bàn đến “mục tiêu chính trị” như truyền thông vẫn hồ nghi, chỉ việc bỏ tiền vào CLB, đã là minh chứng cho sự cống hiến của Abramovich với Chelsea.
Tạo dựng nền tảng
Kể từ khi Abramovich tiếp quản, Chelsea đã nâng cấp các cơ sở đào tạo, xây dựng bảo tàng câu lạc bộ và trang bị tất cả những công nghệ phòng sau mới nhất cho họ.
Trung tâm tập luyện Cobham được hoàn thiện năm 2007 rộng đến 140 mẫu Anh với mức đầu tư hơn 20 triệu bảng. Cobham có đến 30 sân bóng, đủ để đội 1 lẫn các đội trẻ, đội nữ tập luyện cùng lúc. Tại đây còn có trung tâm phục hồi, bệnh viện, trung tâm truyền thông, 3 sân bóng có hệ thống sưởi dưới lòng đất và 6 sân khác đủ chuẩn Premier League. Ngoài ra còn có sân nhân tạo trong nhà, phòng tập điện tử, hồ ngâm nước lạnh, phòng trị liệu thủy sinh HydroWorx.
Khác hẳn với thời Chủ tịch Ken Bates, đội bóng này phải thuê một sân tập tồi tàn và đội trẻ phải đợi các anh lớn rời sân mới đến lượt. Bảo tàng Chelsea trong khuôn viên trung tâm cũng được xây dựng để CĐV có thể biết tất tần tật về CLB.
Ngày nay, hầu hết các CLB tại Ngoại hạng Anh đều đã xây dựng các trung tâm huấn luyện hiện đại như Cobham nhưng Chelsea là đội bóng đi đầu.
Thương hiệu toàn cầu
Mỗi CLB đều có lượng CĐV bên ngoài biên giới quốc gia. Nhưng để có sức hút toàn cầu thì chỉ có các đội bóng với bề dày lịch sử và thành công. Trong những năm gần đây, lượng người hâm mộ Chelsea ở các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ đã tăng lên đáng kể, không phải ngẫu nhiên mà có.
Điều này được phát triển từ chiến lược tiếp thị toàn cầu bao gồm các chuyến du đấu trước mùa giải. Các siêu thị hàng đầu của Chelsea trên khắp thế giới được ra mắt cho phép The Blues thiết lập được hệ thống CĐV toàn cầu và thu hẹp khoảng cách về địa lý khi đặt trái tim vào CLB hằng tuần tại Ngoại hạng Anh.
Ở Ngoại hạng Anh, lượng CĐV của Chelsea trên thế giới hiện chỉ xếp sau Man United, Liverpool. Thương hiệu Chelsea được định giá 2,8 tỉ USD.
Sự đầu tư của Abramovich và đội ngũ chuyên gia tiếp thị và PR đã giúp Chelsea phát triển không chỉ ở phạm vi một CLB bóng đá mà còn là một doanh nghiệp với thương hiệu toàn cầu.
Tinh thần chiến thắng
Dưới thời Abramovich, tất cả phải chứng tỏ năng lực bản thân qua chiến thắng. Số HLV bị “trảm” trong 10 năm trở lại đây nhiều hơn hẳn 11 năm trước. Điều đó cho thấy, nếu không giúp đội bóng chiến thắng, cánh cửa phòng HLV ở sân Stamford Bridge sẽ khép lại.
Mourinho từng than vãn: “ở Chelsea, một trận hòa cũng bị xem là thất bại. Ở đây, bạn phải hiểu là từ nhân viên gác cổng đến ban lãnh đạo đều đòi hỏi chiến thắng. Chiến thắng là tinh thần và bản sắc”.
Tâm lý này đã thấm nhuần vào tâm trí các cầu thủ tại Chelsea, và những các tân binh gia nhập CLB luôn phải biết điều gì đang chờ mình. Chelsea vì thế trở thành CLB có tham vọng, nhiều tiền, nhiều sức hút với mọi cầu thủ muốn thử sức ở Ngoại hạng Anh.
Thành công
Chelsea hiện có tất cả mọi danh hiệu cao quý nhất của bóng đá cấp CLB. Đánh bại Palmeiras tại Club World Cup mới đây, The Blues đã có chiếc cúp duy nhất còn thiếu trong bộ sưu tập. Không quá 10 CLB châu Âu làm được điều này.
Trước khi Abramovich “nhiếp chính”, Chelsea thỉnh thoảng thành công ở các giải đấu cúp quốc nội nhưng chưa bao giờ là một thế lực lớn ở giải VĐQG hay châu Âu. Mọi thứ thay đổi với chiếc cúp vô địch năm 2005 dưới thời Mourinho.
19 năm Abramovich sở hữu, Chelsea giành đúng 19 danh hiệu lớn nhỏ, hơn 3 lần tổng số danh hiệu họ có được kể từ khi ra đời. 5 chức vô địch Ngoại hạng Anh, 5 FA Cup, 2 Champions League, 2 Europa League, 2 Siêu cúp Anh, 1 Siêu cúp châu Âu và 1 FIFA Club World Cup.