Kế hoạch “dài hơi” của Hải quân Mỹ

Đối ngoại - Ngày đăng : 11:23, 05/03/2022

Hải quân Mỹ thông báo có kế hoạch “dài hơi” về việc phát triển hạm đội tàu chiến gồm hơn 500 chiếc so với con số hơn 290 chiếc như hiện nay.

Đây là thông tin được Đô đốc Mike Gilday, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ đưa ra mới đây. Trang mạng The Maritime Executive dẫn lời Đô đốc Gilday nhấn mạnh con số hơn 500 tàu chiến phản ánh “tư duy về cách thức chúng tôi tác chiến sẽ khác biệt như thế nào ở một khu vực rộng lớn như Thái Bình Dương nếu tập hợp mọi sức mạnh cùng lúc”.

Theo Đô đốc Gilday, trên cơ sở dữ liệu từ các cuộc tập trận gần đây cũng như các kết quả phân tích trong vài năm qua, Hải quân Mỹ kết luận rằng trong “một cấu trúc lực lượng tối ưu” sẽ có 12 tàu sân bay, 9 tàu đổ bộ cỡ lớn, 20-30 tàu đổ bộ cỡ nhỏ hơn, 60 tàu khu trục, 50 tàu hộ vệ, 70 tàu ngầm tấn công, khoảng 100 tàu hỗ trợ, 150 tàu không người lái...

Các tàu chiến của Hải quân Mỹ trong một cuộc tập trận. Ảnh: USNI News

Đô đốc Gilday nêu rõ cấu trúc lực lượng như vậy “thực sự dựa trên cách thức mà chúng tôi sẽ tác chiến”. Đô đốc Gilday lưu ý rằng các đánh giá do Hải quân Mỹ thực hiện trong những năm gần đây đều cho thấy lực lượng này cần hạm đội tàu chiến lớn hơn con số tối thiểu 355 chiếc mà chính quyền Tổng thống Donald Trump từng đưa ra.

Theo trang mạng Breaking Defense, con số mà Đô đốc Gilday đưa ra “tương đối gần” với kế hoạch “Lực lượng chiến đấu 2045” mà Lầu Năm Góc dưới thời Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper từng đề ra cho hải quân nước này.

Theo đó, đến giữa thập niên 2030, Hải quân Mỹ cần phát triển hạm đội tàu chiến hơn 355 chiếc và đến năm 2045 là hơn 500 chiếc. Trang mạng Defense One dẫn lời Đô đốc Gilday cũng xác nhận ông đã tham khảo rất nhiều điều từ kế hoạch “Lực lượng chiến đấu 2045” vì “nó được dẫn dắt bởi Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng chứ không chỉ riêng hải quân và thủy quân lục chiến”.

Cùng với đó, Đô đốc Gilday cho biết Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục nỗ lực cắt giảm số ngày các tàu chiến của lực lượng này phải “đắp chiếu” lâu hơn dự kiến do năng lực bảo dưỡng, sửa chữa của các nhà máy đóng tàu còn gặp nhiều vấn đề. Năm ngoái, con số này là 2.700 ngày, giảm so với 7.700 ngày hồi năm 2019 và “mục tiêu là giảm xuống còn 0”.

Tạp chí The National Interest cho rằng việc bảo vệ các lợi ích hàng hải của Mỹ đòi hỏi cả sự hiện diện lẫn khả năng triển khai nhanh chóng hạm đội tàu chiến ở nhiều khu vực. Mặc dù hạm đội tàu chiến của Hải quân Mỹ hiện có hơn 290 chiếc, song số lượng thực sự “sẵn có” tại những khu vực quan trọng như Biển Đông hay Ấn Độ Dương lại “rất khiêm tốn”.

Nguyên nhân được tạp chí The National Interest chỉ ra là vì các tàu chiến của Hải quân Mỹ phải được phân bổ cho nhiều khu vực khác nhau. Đó là chưa kể tới những thời điểm các tàu chiến phải tham gia chương trình huấn luyện hoặc bảo dưỡng, sửa chữa.

Từ thông tin của tạp chí The National Interest có thể dễ dàng nhận thấy tại sao Hải quân Mỹ trong những năm qua lại muốn mở rộng hạm đội tàu chiến của mình. Kế hoạch “dài hơi” là vậy, song vấn đề đặt ra là cần phải có ngân sách để thực hiện.

Trang mạng Breaking Defense dẫn lời Giáo sư Matthew Collette tại Đại học Michigan (Mỹ) cho rằng việc xây dựng hạm đội tàu chiến gồm hơn 500 chiếc sẽ đòi hỏi “mở rộng đáng kể” các cơ sở đóng tàu, bảo dưỡng, sửa chữa và “việc này sẽ không hề rẻ”. Trong khi đó, trang mạng The Maritime Executive cũng nhận định ngân sách sẽ là một thách thức đối với kế hoạch “dài hơi” của Hải quân Mỹ.

“Theo Đô đốc Gilday, nếu điều chỉnh theo mức lạm phát thì trong một thập niên qua, ngân sách dành cho Hải quân Mỹ không hề thay đổi. Bổ sung tài chính cho Hải quân Mỹ có thể đòi hỏi phải lấy từ nguồn quỹ dành cho các lực lượng còn lại-một đề xuất khó khăn về mặt chính trị. Đô đốc Gilday đã chỉ ra rằng trong Chiến tranh Lạnh, Hải quân Mỹ chiếm khoảng 38% ngân sách của Lầu Năm Góc nhưng con số đó đã giảm xuống hiện còn khoảng 34%”, trang mạng The Maritime Executive cho biết.

HOÀNG VŨ