Đà Nẵng: Xây dựng mô hình điểm đầu tiên về quản lý thiên tai thông minh tại Việt Nam

Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 17:33, 04/03/2022

Trung tâm ENSURE có chức năng tăng cường khả năng chống chịu thiên tai, góp phần phát triển kinh tế- xã hội TP Đà Nẵng, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, thu hút đầu tư; bảo đảm an toàn cho người dân, du khách.

Ngày 4/3, UBND TP Đà Nẵng phối hợp Cơ quan hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tổ chức lễ khởi động dự án Xây dựng Trung tâm tích hợp kiểm soát khả năng phục hồi đô thị xanh và thông minh (Trung tâm ENSURE).

Ngoài việc cung cấp thông tin kịp thời, dự án giúp phục hồi đô thị xanh dựa trên việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác lập, quản lý quy hoạch và phát triển bền vững đô thị sinh thái, bảo vệ môi trường; góp phần hoàn thành mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn năm 2045.

danang1.jpg
Khởi động dự án Trung tâm tích hợp kiểm soát khả năng phục hồi đô thị xanh và thông minh

Các chuyên gia Hàn Quốc phối hợp với các sở ngành, địa phương sẽ thiết lập hệ thống quản lý cuộc gọi khẩn cấp; hệ thống thông tin quản lý thiên tai, thảm họa đô thị; nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu thiên tai, thảm họa, cơ sở dữ liệu không gian đô thị 2D/3D trên nền GIS; hệ thống CCTV, camera, cảm biến, trạm đo mưa, đo độ mặn để phục vụ giám sát hiện trường.

Thông qua đào tạo và chuyển giao công nghệ, TP Đà Nẵng tiếp cận các công nghệ tiên tiến trên thế giới, tăng nguồn nhân lực chất lượng nhất là trong lĩnh vực thành phố thông minh.

Đây là dự án ODA không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc viện trợ cho Chính phủ Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư 259 tỷ đồng, trong đó vốn ODA không hoàn lại của KOICA là 10,5 triệu USD. Dự án thuộc nhóm B, thời gian thực hiện từ 2021-2025.

danang2.jpg
Đà Nẵng sẽ xây dựng mô hình điểm đầu tiên về quản lý thiên tai thông minh tại Việt Nam

Ông Trần Phước Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, đây là mô hình điểm đầu tiên về quản lý thiên tai thông minh tại Việt Nam. Từ việc phát hiện cảnh báo sớm, dự báo xu hướng về thiên tai, dự án sẽ giúp lãnh đạo TP Đà Nẵng nói riêng, các tỉnh miền Trung nói chung có chỉ đạo, điều hành kịp thời trong tình huống khẩn cấp, qua đó cung cấp thông tin nhanh, chính xác cho người dân để phòng tránh, góp phần hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 xây dựng đô thị thông minh tại TP Đà Nẵng, kết nối đồng bộ với mạng lưới các đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN.

Theo ông Cho Han Deog, Giám đốc Quốc gia Văn phòng KOICA tại Việt Nam, dù đã có dự án liên quan đến thảm họa được thực hiện độc lập như dự án xây dựng hệ thống dự báo và cảnh báo lũ lụt, dự án nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy và phòng chống thiên tai, nhưng dự án này có điểm khác ở chỗ đưa ra giải pháp toàn diện để giám sát tổng hợp nhiều thảm họa thiên nhiên mà TP Đà Nẵng có thể đối mặt.

Đây có lẽ là cách tiếp cận tổng hợp đầu tiên trong phạm vi chính quyền địa phương tại Việt Nam, tâp trung hướng đến giá trị xã hội về sự an toàn. Dự án cũng hướng đến nuôi dưỡng hạt giống về sự hợp tác của chính quyền địa phương, chính phủ, điển hình về sự hội nhập và hỗ trợ lẫn nhau.

Lan Anh