Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Bộ KH&ĐT về công tác quy hoạch
Xã hội - Ngày đăng : 16:10, 04/03/2022
Báo cáo của Bộ KH&ĐT do Thứ trưởng Trần Quốc Phương trình bày cho biết, Bộ KH&ĐT được Chính phủ giao chủ trì lập quy hoạch tổng thể quốc gia, 6 quy hoạch vùng; phối hợp hướng dẫn, cho ý kiến với báo cáo quy hoạch ngành quốc gia giao cho các bộ xây dựng, quy hoạch các địa phương. Bộ hiện đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập trung đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tổng thể quốc gia để bù lại thời gian do khởi động chậm so với các mốc tiến độ, dự kiến sẽ hoàn thành và trình Quốc hội khóa XV xem xét thông qua vào kỳ họp thứ tư tới đây.
Trong các quy hoạch vùng được giao chủ trì xây dựng, Bộ KH&ĐT hiện đã hoàn thành Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt ban hành.
Với 5 quy hoạch vùng còn lại, Bộ cũng đã hoàn thiện nhiệm vụ lập quy hoạch và trình Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, để hỗ trợ các bộ, ngành và địa phương triển khai lập quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch tỉnh trong khi quy hoạch tổng thể quốc gia chưa được lập, Bộ KH&ĐT đã nghiên cứu, xây dựng Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đã gửi xin ý kiến của các bộ, ngành, địa phương 2 lần để hoàn thiện, đồng thời các bộ, ngành và địa phương cũng tham khảo trong quá trình lập quy hoạch. Trong quá trình lập quy hoạch tổng thể quốc gia, Bộ sẽ thường xuyên trao đổi, làm việc với các bộ, ngành và địa phương để cập nhật cũng như thống nhất nội dung của các quy hoạch, nhằm hạn chế sự mâu thuẫn giữa các loại quy hoạch.
Phát biểu tại cuộc làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao những nỗ lực của Bộ KH&ĐT trong công tác quản lý và thực hiện Luật Quy hoạch, đồng thời có ý kiến cụ thể, khách quan về hệ thống chính sách, pháp luật điều chỉnh công tác quy hoạch, nêu rõ những bất cập và kiến nghị phương án khắc phục.
Bộ KH&ĐT cần làm rõ cơ sở dự báo, các căn cứ lập quy hoạch ngành, quy hoạch bên dưới đảm bảo tính kế thừa, kết nối, khả thi trong các quy hoạch; đánh giá khả năng điều chỉnh, cách thức rà soát, điều chỉnh quy hoạch dưới, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, phê duyệt trước khi phê duyệt quy hoạch tổng thể quốc gia, cũng như rà soát, điều chỉnh để đồng bộ, thống nhất các quy hoạch khi các quy hoạch có thời điểm phê duyệt khác nhau.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, Bộ KH&ĐT có vai trò quan trọng trong việc làm đầu mối của Chính phủ về quản lý nhà nước trong quy hoạch.
Khi Luật Quy hoạch được ban hành, Bộ đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan soạn thảo trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 73 luật, pháp lệnh đồng bộ với hệ thống Luật Quy hoạch, ban hành Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 giải thích một số điều của Luật Quy hoạch.
Bộ KH&ĐT cũng là cơ quan chủ trì soạn thảo, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 37/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch; trực tiếp chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể quốc gia, chủ trì lập quy hoạch vùng ĐBSCL, thực hiện vai trò chủ đầu tư lập dự án quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Với các khó khăn do các bộ, ngành, địa phương phản ánh, Bộ KH&ĐT cần chỉ rõ nguyên nhân và giải pháp khắc phục; khẩn trương cập nhật các thông tin mới, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hoàn thiện báo cáo Đoàn giám sát để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian tới.
Lê Sơn