Sơn La: Hiệu quả từ hệ thống camera giám sát phòng ngừa ô nhiễm

Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 15:52, 04/03/2022

Niên vụ nông sản 2021-2022, tỉnh Sơn La đã đôn đốc các cơ sở chế biến nông sản quy mô tập trung hoàn thành lắp đặt hệ thống camera giám sát tại khu vực xử lý nước thải, kết nối dữ liệu về Sở TN&MT.

Qua đó, góp phần tiết kiệm cho ngân sách nhà nước khi giảm đáng kể thời gian, số lần kiểm tra, giám sát trực tiếp.

1(1).jpg

Hệ thống camera giám sát khu vực thu gom, xử lý nước thải tại Cty CP Mía đường Sơn La.

Giám sát 24/24 quy trình thu gom, xử lý nước thải

Trên địa bàn tỉnh Sơn La hiện có 4 cơ sở chế biến cà phê quy mô tập trung; 2 nhà máy chế biến tinh bột sắn, 1 nhà máy chế biến mía đường; 96 cơ sở chế biến nông sản quy mô nhỏ…

Hàng năm, vào niên vụ chế biến nông sản (thường từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau), luôn gia tăng áp lực lên môi trường đất, nước, không khí, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước cho thành phố Sơn La. Để tăng cường bảo vệ môi trường, nguồn nước, từ năm 2020 trở lại đây, tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả, gồm: Nêu cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; tăng cường kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất; ký cam kết thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường giữa Giám đốc Sở TN&MT với các cơ sở chế biến cà phê quy mô tập trung... Đặc biệt, đã yêu cầu các cơ sở hoàn thành lắp đặt hệ thống camera giám sát khu vực xử lý nước thải.

Tại Nhà máy chế biến cà phê của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Cát Quế, Công ty đã hoàn thiện việc lắp đặt 11 mắt camera giám sát khu vực sản xuất và hệ thống xử lý nước thải, kết nối truyền hình ảnh về Sở TN&MT, UBND huyện Thuận Châu 24/24 giờ hàng ngày. Ông Vương Bá Trung, Quản lý Nhà máy cho biết: Tại khu vực thu mua nguyên liệu, các hồ biogas, hồ trung gian... đều đã được lắp đặt camera.

Còn tại Công ty cổ phần Mía đường Sơn La, năm 2020, Công ty đã hoàn thành, đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải, công suất 2.000 m3/ngày đêm, cùng với hệ thống xử lý nước thải 900 m3/ngày đêm trước đó đảm bảo thu gom, xử lý toàn bộ nước thải từ hoạt động chế biến mía đường của nhà máy. Ông Trần Ngọc Hiếu, Tổng giám đốc Công ty cho biết: Trước khi vào niên vụ sản xuất 2021-2022, Công ty đã lắp đặt 11 camera kết nối và truyền dữ liệu hình ảnh tới Nhà máy và Sở TN&MT 24/24 giờ, giúp Công ty và Sở TN&MT kiểm soát tốt hơn quá trình phát sinh nước thải ra môi trường, luôn đảm bảo trong quy chuẩn kỹ thuật cho phép.

Kết quả quan trắc chất lượng môi trường hàng năm tỉnh Sơn La cho thấy, tần suất xảy ra sự cố ô nhiễm do hoạt động xả nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, nước thải sơ chế nông sản chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước tại một số khu vực, vị trí và thời điểm nhất định trên địa bàn huyện Thuận Châu, huyện Mai Sơn và Thành phố đã giảm dần qua các năm.

2(1).jpg

Dữ liệu giám sát khu vực xử lý nước thải được truyền tải trực tiếp về Sở TN&MT Sơn La.

Hỗ trợ truy vết, khắc phục sự cố

Bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Năm 2021, công tác bảo vệ môi trường, nguồn nước trên địa bàn tỉnh ghi nhận sự chuyển biến tích cực, không để phát sinh điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Trong đó, giải pháp hệ thống camera giám sát đã cho thấy những hiệu quả tích cực.

Hiện nay, toàn bộ hình ảnh khu vực xử lý nước thải của các nhà máy chế biến nông sản được kết nối về máy tính đặt tại Sở TN&MT, cán bộ của Sở có thể quan sát, theo dõi sát sao quy trình vận hành, xử lý. Ngoài ra, camera còn kết nối trên điện thoại thông minh của lãnh đạo, chuyên viên Sở TN&MT, UBND cấp huyện và cấp xã để có thể giám sát thường xuyên.

Thông qua camera giám sát, niên vụ 2021-2022, Sở TN&MT đã phát hiện và 2 lần nhắc nhở Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Cát Quế về việc thu mua cà phê quả tươi không được vượt quá công suất 100 tấn/ngày đêm; giúp tìm ra nguyên nhân sự cố tuột mối nối đường ống nước thải tại Chi nhánh Công ty cổ phần tinh bột sắn Phú Yên - Nhà máy tinh bột sắn Sơn La và chỉ sau 2 tiếng đã khắc phục xong sự cố, không gây thiệt hại về tài sản, hoa màu của gần 60 hộ gia đình xung quanh khu vực nhà máy.

3(1).jpg

Giám sát khu vực xử lý nước thải tại Chi nhánh Công ty cổ phần tinh bột sắn Phú Yên - Nhà máy tinh bột sắn Sơn La

Không chỉ thế, camera giám sát còn được lắp đặt tại khu vực thu mua, trạm cân nguyên liệu. Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT, hiện nay để sơ chế 1 tấn cà phê quả tươi sẽ tiêu tốn khoảng 0,6-0,8m3 nước, như vậy, nhân với số lượng cà phê thu mua sơ chế trong ngày sẽ tính ra lượng nước thải phải xử lý. Thông qua camera giám sát đã giúp cơ quan quản lý Nhà nước theo dõi, đánh giá được mực nước đang lưu giữ tại các hồ chứa nước thải, góp phần chủ động phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Không chỉ với các cơ sở quy mô lớn, tỉnh Sơn La còn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các cơ sở chế biến nông sản quy mô nhỏ lắp đặt camera giám sát tại khu vực lưu giữ, xử lý nước thải.

Bà Hoàng Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn cho biết: Niên vụ 2021-2022, huyện Mai Sơn có 86 cơ sở đăng ký sơ chế nông sản. Cùng với việc tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở, huyện Mai Sơn đã đôn đốc các cơ sở hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải và thủ tục môi trường theo quy định; kiên quyết chỉ cho phép hoạt động với các cơ sở đảm bảo về môi trường. Đặc biệt, đã vận động, khuyến khích và đã có một số hộ triển khai lắp đặt camera giám sát khu vực lưu giữ, xử lý nước thải.

Nguyễn Nga