Sở Y tế TPHCM chấn chỉnh lại quy trình bán thuốc Molnupiravir
Tin Y tế - Ngày đăng : 15:22, 04/03/2022
Ngày 4.3, Sở Y tế TPHCM tổ chức buổi tập huấn trực tuyến với hàng nghìn nhà thuốc trên địa bàn thành phố về công tác kê đơn thuốc và kinh doanh trong điều trị COVID-19.
Ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, hiện nay với tình hình F0 tại TPHCM có dấu hiệu tăng, việc tiếp cận với thuốc kháng virus COVID-19 đối với người dân rất quan trọng.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoài Nam, thời gian qua vẫn xuất hiện một số các nhà thuốc bán thuốc Molnupiravir không kê đơn, chính vì vậy Sở Y tế TPHCM yêu cầu các nhà thuốc tuân thủ những quy định và hướng dẫn người dân sử dụng thuốc an toàn.
Liên quan đến vấn đề người dân khó tiếp cận được nguồn thuốc, ThS Lê Ngọc Danh - Phó Trưởng Phòng nghiệp vụ Dược Sở Y tế TPHCM cho biết: “Việc người dân muốn mua thuốc phải có đơn thuốc được bác sĩ kê đơn, xác nhận của địa phương, việc này không phải làm khó người dân mà chúng tôi đang bảo vệ người dân.
Vì nếu người bệnh tiếp cận không đúng thuốc, không phải là bác sĩ kê đơn, việc sử dụng sai sẽ để lại hậu quả cho sức khoẻ".
Theo quy định và hướng dẫn của Sở Y tế TPHCM, người được hành nghề bán thuốc phải được đào tạo, cập nhật kiến thức, trao đổi thông tin chuyên môn, pháp luật về dược. Có chứng chỉ hành nghề dược. Chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở kinh doanh được uỷ quyền khi vắng mặt. Từ chối thực hiện hoạt động chuyên môn trái với quy định của pháp luật hoặc đạo đức nghề nghiệp…
ThS Lê Ngọc Danh cũng cho biết thêm, hiện nay vẫn còn xuất hiện tình trạng nhiều nhà thuốc “găm” hàng, tăng giá khiến nhiều người dân hạn chế tiếp cận thuốc hơn.
Trước những chia sẻ về những quy định và vấn đề người dân khó tiếp cận thuốc của Phòng nghiệp vụ Dược Sở Y tế TPHCM, Dược sĩ Nguyễn Thị Kim Anh, Phó Chủ tịch Hội Dược học, Chủ tịch Chi hội dược nhà thuốc thành phố có đề xuất nên cho các nhà thuốc được tham gia vào quá trình tư vấn, cấp phát thuốc, bởi trong đại dịch vừa qua, bản thân các nhà thuốc đã tư vấn, tiếp xúc nhiều bệnh nhân nên nhiều dược sĩ có thể đảm nhận được việc bán thuốc cho bệnh nhân chưa được bác sĩ kê đơn.
Đồng thời, hiện nay, TP vẫn chưa có quy định cụ thể những bác sĩ chuyên khoa nào được kê đơn nên đề nghị thành phố hướng dẫn cụ thể.
Trong buổi tập huấn, Sở Y tế TPHCM cũng khẳng định, hiện nay, trên thị trường chỉ có thuốc Molnupiravir do 3 công ty Việt Nam được cấp phép sản xuất và thuốc Molnupiravir nhập vào Việt Nam theo đường viện trợ. Những loại thuốc kháng virus SARS-CoV-2 trôi nổi trên thị trường hiện nay đều không được Bộ Y tế đảm bảo về chất lượng, nguồn gốc.
Để đảm bảo an toàn về công tác kê đơn thuốc và kinh doanh trong điều trị COVID-19, ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM nhấn mạnh, Sở Y tế sẽ tổ chức các buổi tập huấn thường xuyên, nhất là liên quan đến đơn thuốc kháng virus, lực lượng y tế cần có hướng dẫn cách sử dụng cho người đến mua, vì họ có thể mua cho người nhà, hoặc mua trực tiếp.
Đồng thời, cần có tư vấn những lưu ý khi dùng thuốc nếu xảy ra tác dụng phụ không mong muốn thì được xử lý cụ thể ra sao. Và xử lý nghiêm các trường hợp nhà thuốc găm hàng, bán hàng nhập lậu hoặc hàng giả, thanh tra kiểm tra thường xuyên về chất lượng, cũng như yêu cầu các nhà thuốc bán giá niêm yết công khai.