Vì sao cuộc khủng hoảng giá dầu không sớm kết thúc
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 10:11, 04/03/2022
Giá dầu thô thế giới đã tăng lên mức kỷ lục trong vòng 10 năm qua và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Dữ liệu từ Trading Economics chỉ ra giá dầu thô West Texas Intermediate có thời điểm tăng lên 116 USD/thùng - mức cao nhất kể từ vụ khủng hoảng tài chính vào năm 2008, sau đó giảm nhẹ xuống hơn 111 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent cũng áp sát ngưỡng 120 USD/thùng rồi điều chỉnh còn hơn 113 USD/thùng.
"Giá dầu một lần nữa tăng vọt sau các báo cáo về những gián đoạn đối với hoạt động xuất khẩu của Nga do các lệnh trừng phạt. Nhưng trên thực tế, rủi ro này đã được định giá trên thị trường", chuyên gia tài chính Craig Erlam (có trụ sở ở London) bình luận với Zing.
Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính Edward Moya tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở tại Mỹ) cho rằng giá dầu thô tăng cao khi những bất ổn liên quan đến Nga ngày càng trở nên tồi tệ và có thể dẫn đến sự gián đoạn nguồn cung nghiêm trọng cho các thị trường dầu mỏ.
Giá dầu thô thế giới đã tăng lên mức kỷ lục trong vòng 10 năm qua do lo ngại về bất ổn địa chính trị. Ảnh: Reuters. |
Thị trường hoảng loạn
Các thị trường đã chuẩn bị cho tình trạng gián đoạn nguồn cung dầu thô nghiêm trọng do xung đột Nga-Ukraine. Dù Mỹ và đồng minh cố tình tránh nhắm mục tiêu vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga, những quốc gia này vẫn giáng các đòn trừng phạt chưa từng có.
Những đòn giáng này khiến các khách hàng mua dầu, chẳng hạn những nhà máy lọc dầu, cảnh giác. Khi nhiều doanh nghiệp từ chối làm ăn với Nga, giá của các mặt hàng như tàu chở dầu cũng tăng vọt.
Reuters đưa tin do lo ngại các rủi ro tiềm ẩn, nhiều ngân hàng và doanh nghiệp đã né tránh những giao dịch liên quan đến dầu mỏ và khí đốt Nga.
"Sự hoảng loạn đã xuất hiện trên thị trường", nhà phân tích thị trường Louise Dickson của Rystad Energy nhận định.
Nga và Ả Rập Xê-út là hai nhà xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu tinh chế lớn nhất thế giới. Sản lượng của Nga lên tới 7 triệu thùng mỗi ngày. Khoảng một nửa trong số đó được đưa tới châu Âu.
"Chúng tôi cho rằng xuất khẩu dầu của Nga sẽ giảm xuống còn 1 triệu thùng/ngày do tác động gián tiếp của những lệnh trừng phạt và các động thái của doanh nghiệp như ngừng làm ăn với Nga", Giám đốc điều hành Rystad Energy Jarand Rystad bình luận.
"Tôi cho rằng giá dầu sẽ tiếp tục tăng và có khả năng vượt quá 130 USD/thùng", vị chuyên gia dự báo.
Theo CNN, Phó cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Daleep Singh cho biết chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang xem xét giảm nhập khẩu dầu từ Nga và chuyển sang các nhà cung cấp khác.
Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ, tính riêng trong năm 2021, Mỹ nhập khẩu trung bình hơn 20,4 triệu thùng sản phẩm thô và tinh chế từ Nga mỗi tháng.
Giá dầu thô tiếp tục tăng cao ngay cả khi các nước trên thế giới đã đưa ra những biện pháp nhằm ổn định thị trường năng lượng và hạ giá. Hôm 1/3, 31 quốc gia, bao gồm Mỹ, thông báo sẽ giải phóng tổng cộng 60 triệu thùng dầu thô từ kho dự trữ dầu quốc gia. Nhưng động thái này dường như không đạt được nhiều hiệu quả.
Đáng nói, bản thân những thông báo trên cũng có thể khiến các nhà đầu tư càng thêm hoảng loạn.
OPEC+ tăng sản lượng nhỏ giọt
"Thị trường dầu rất dễ bị ảnh hưởng bởi sự thiếu hụt nguồn cung lớn hiện nay, nhất là khi OPEC+ phê chuẩn mức tăng nguồn cung khiêm tốn", chuyên gia tài chính Edward Moya nói với Zing.
"Giá dầu sẽ tiếp tục tăng trong tương lai gần. Điều duy nhất có thể khiến giá hạ nhiệt là sức mạnh tiêu thụ bị tàn phá nghiêm trọng", ông nhận định. "Mức tăng 10 USD trên mỗi thùng dầu có thể lấy đi 20 điểm cơ bản của GDP", vị chuyên gia cảnh báo.
Hôm 2/3, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) đã có cuộc họp thảo luận về tình hình thị trường dầu mỏ thế giới. Cuộc họp nhằm quyết định có nên làm theo kế hoạch gia tăng sản lượng để ứng phó với những biến động mạnh mẽ trên thị trường hay không.
Nhưng OPEC+ chỉ đồng ý tăng sản lượng nhỏ giọt. Đó là điều chỉnh tăng sản lượng tổng thể hàng tháng lên 400.000 thùng/ngày trong tháng 4 tới.
Nhóm lập luận rằng những biến động giá trong vài tuần qua được thúc đẩy bởi "tình hình địa chính trị hiện tại", thay vì các nguyên tắc cơ bản cơ bản như cung và cầu. OPEC+ nhấn mạnh rằng họ chỉ phản ứng với những thay đổi về các nguyên tắc cơ bản, thay vì những sự kiện thế giới.
Bất chấp cuộc khủng hoảng giá dầu, OPEC+ chỉ đồng ý tăng sản lượng nhỏ giọt. Ảnh: Reuters. |
Trên thực tế, giới phân tích đã đoán trước điều này từ lâu. Nga là thành viên chủ chốt của liên minh OPEC+, còn các thành viên khác - bao gồm cả Ả Rập Xê-út - đang hưởng lợi từ doanh thu tăng mạnh nhờ giá dầu tăng cao.
"Đối với Nga và các thành viên OPEC+ khác, duy trì hợp tác sẽ mang lại lợi ích lớn nhất cho họ", Giám đốc nghiên cứu Stacey Morris tại Alerian nhận định.
OPEC chiếm khoảng 40% nguồn cung dầu của thế giới. Trước cuộc họp hôm 2/3 của nhóm này, Cơ quan Năng lượng quốc tế đã cam kết thúc đẩy việc tung ra thị trường 60 triệu thùng dầu để bù đắp tình trạng gián đoạn thị trường năng lượng.
(Theo Zing)