Vì sao V.League chưa áp dụng công nghệ VAR?

Bóng đá Việt Nam - Ngày đăng : 08:35, 04/03/2022

Màn "check VAR" có một không hai trong trận đấu giữa câu lạc bộ Hải Phòng và Nam Định một lần nữa khiến người hâm mộ đặt ra câu hỏi: Vì sao V.League vẫn chưa áp dụng công nghệ VAR?

Trong trận đấu giữa câu lạc bộ Hải Phòng và Nam Định trong khuôn khổ vòng 2 V.League 2022, trọng tài chính Trần Đình Thịnh có màn "check VAR" gây tranh cãi.

Theo đó, tiền vệ Triệu Việt Hưng có pha dứt điểm nâng tỉ số lên 2-0 cho đội chủ sân Lạch Tray. Ban đầu, trọng tài Trần Đình Thịnh công nhận bàn thắng. Tuy nhiên, sau khi xem lại tình huống quay chậm trên màn hình lớn được lắp đặt tại sân, "Vua áo đen" đã "bẻ còi" và tước đi bàn thắng của Hải Phòng.

Quyết định này gây ra nhiều tranh cãi bởi V.League 2022 chưa áp dụng công nghệ VAR. Việc trọng tài Trần Đình Thịnh đưa ra phán quyết cuối cùng từ pha quay chậm trên màn hình được cho là không hợp lý.

Màn “check VAR” gây tranh cãi trong trận đấu giữa Hải Phòng và Nam Định tại vòng 2 V.League 2022. Ảnh: Sport5
Màn “check VAR” gây tranh cãi trong trận đấu giữa Hải Phòng và Nam Định tại vòng 2 V.League 2022. Ảnh: Sport5

Liên quan đến vấn đề này, Trưởng ban trọng tài Dương Văn Hiền nêu quan điểm: "Thực sự chúng ta chưa quen với công nghệ VAR và V.League 2022 vẫn chưa áp dụng công nghệ này. Việc trọng tài chính xem lại tình huống thông qua màn hình lớn để từ chối bàn thắng của Hải Phòng đúng là không hợp lí.

Thực ra trọng tài chính khi đó cũng chỉ dùng màn hình lớn để tham khảo lại thôi, chứ tình huống đó trọng tài chính và trợ lí của mình đã có những hội ý với nhau rồi mới đi đến quyết định không công nhận bàn thắng đó".

Tuy nhiên, câu trả lời của ông Dương Văn Hiền chỉ mang tính chất thời điểm sau khi tranh cãi nổ ra. Điều mà người hâm mộ quan tâm lúc này là tại sao V.League 2022 lại chưa áp dụng công nghệ VAR?

Có nhiều rào cản khiến bóng đá Việt Nam chưa thể tiếp cận với VAR. Tuy nhiên, 2 nguyên nhân quan trọng nhất là tài chính và con người.

Vấn đề đầu tiên liên quan đến tài chính. Để đầu tư, lắp đặt và vận hành VAR đòi hỏi số tiền rất lớn. Lấy ví dụ tại World Cup 2018, Liên đoàn bóng đá Thế giới (FIFA) phải chi ra số tiền lên đến 700.000 USD/trận (khoảng hơn 16 tỉ đồng/trận) cho hệ thống VAR.

Ngay tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022, Liên đoàn bóng đá Châu Á (AFC) cũng tiêu tốn khoảng 17 tỉ đồng/trận để lắp đặt công nghệ VAR tại sân vận động Mỹ Đình.

Nếu áp dụng VAR tại V.League 2022 với 26 vòng đấu, ước tính Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) sẽ phải đầu tư kinh phí lên đến 442 tỉ đồng. Chưa kể, nếu muốn làm VAR thì phải cử trọng tài đi học và đáp ứng đủ những điều kiện khắt khe của FIFA. Tất nhiên, đây là điều quá sức với những nhà tổ chức ở thời điểm hiện tại.

Vấn đề thứ 2 cần đề cập đến là yếu tố con người, nhân sự. Ở V.League hiện tại, số lượng trọng tài và trợ lý trọng tài cấp FIFA chỉ đếm trên đầu ngón tay, đơn cử như ông Ngô Duy Lân hay Hoàng Ngọc Hà. Trong khi đó, tổ trọng tài điều khiển phòng VAR đòi hỏi số lượng rất lớn và có chuyên môn cao.

Hay đứng trên góc độ chuyên môn, Trưởng ban trọng tài Dương Văn Hiền cũng từng đề cập đến vấn đề này: "Cả Đông Nam Á hiện chỉ có 1 trọng tài được FIFA công nhận về những vấn đề liên quan đến VAR. Chỉ duy nhất trọng tài này đủ điều kiện tác nghiệp tại những giải đấu quốc tế. Việc đào tạo trọng tài VAR không đơn giản, phải trải qua nhiều công đoạn và chúng ta cần phải tìm cách để thích ứng càng nhanh càng tốt".

VPF từng lên kế hoạch sẽ đưa công nghệ VAR vào V.League từ mùa giải 2019. Phương án được đưa ra là VPF sẽ mua thiết bị công nghệ từ nhà cung cấp do FIFA chỉ định. Sau đó, đơn vị thi công sẽ lắp đặt lên xe 16 chỗ với 8 màn hình, tương đương 8 máy quay. Xe sẽ di chuyển đến từng sân khi có trận đấu. Nhưng đến nay, VAR chưa thể sử dụng ở V.League do phải được sự khảo sát thực tế sau đó được FIFA cấp phép.

MINH PHONG