Thủ tục nhận BHXH với người lao động F0 làm việc tại đơn vị sự nghiệp

Pháp luật - Ngày đăng : 20:00, 03/03/2022

Ông Hoàng Tuấn hỏi:  Tôi đóng bảo hiểm xã hội 5 năm, làm việc cho đơn vị sự nghiệp hành chính. Tôi bị F0 và điều trị tại nhà, vậy tôi cần làm gì để được hưởng bảo hiểm xã hội?

Luật sư Hoàng Quỳnh - Công ty Luật TNHH YouMe trả lời:

Khoản 1 Điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về điều kiện hưởng chế độ ốm đau như sau:

1. Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.

Trường hợp ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo danh mục do Chính phủ quy định thì không được hưởng chế độ ốm đau.

Mục 1.1 Phần B Quyết định 222/QĐ-BHXH về việc công bố thủ tục hành chính được thay thế, bãi bỏ thuộc thẩm quyền giải quyết của Bảo hiểm xã hội Việt Nam (sau đây gọi là Quyết định 222/QĐ-BHXH) quy định về thủ tục giải quyết hưởng chế độ ốm đau như sau:

Bước 1. Lập, nộp hồ sơ

1. Người lao động: lập hồ sơ theo quy định tại mục 1.3 (Thành phần hồ sơ) và nộp cho đơn vị sử dụng lao động.

2. Đơn vị SDLĐ: tiếp nhận hồ sơ từ người lao động; lập Danh sách đề nghị giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, DSPHSK (mẫu số 01B-HSB) trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định; nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội nơi đơn vị sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội.

Bước 2. Cơ quan bảo hiểm xã hội tiếp nhận hồ sơ và giải quyết theo quy định.

Bước 3. Nhận kết quả

Mục 1.3 Phần B Quyết định 222/QĐ-BHXH quy định về thành phần hồ sơ như sau:

Trường hợp điều trị ngoại trú:

Bản chính Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.

Mục 1, 2 Công văn 1492/KCB-PHCN&GĐ về việc cấp hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động quy định như sau:

1. Việc cấp và quản lý giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội thực hiện theo đúng quy định tại Chương IV, các mẫu quy định tại phụ lục của Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29.12.2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

2. Một lần khám, người bệnh được cấp một giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội tối đa là 30 ngày. Trường hợp người bệnh cần nghỉ dài hơn 30 ngày thì khi hết hoặc sắp hết thời hạn nghỉ ghi trên giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đã được cấp, người bệnh phải tiến hành tái khám để người hành nghề xem xét quyết định.

Như vậy, trường hợp F0 điều trị tại nhà, để được hưởng chế độ ốm đau bạn cần xin cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo đúng mẫu quy định tại phụ lục của Thông tư số 56/2017/TT-BYT, sau đó nộp hồ sơ cho đơn vị sử dụng lao động.

Minh Hương